Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng trường chuẩn quốc gia: Khó khăn lớn nhất là cơ sở vật chất

10:10, 05/10/2015

Tại Đồng Nai, hiện tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia cấp học mầm non là 30%, tiểu học là 33%, THCS là 42%, THPT là 34%. Như vậy, mới chỉ có cấp học mầm non và THCS đạt mục tiêu về trường chuẩn quốc gia đến năm 2015.

Tại Đồng Nai, hiện tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia cấp học mầm non là 30%, tiểu học là 33%, THCS là 42%, THPT là 34%. Như vậy, mới chỉ có cấp học mầm non và THCS đạt mục tiêu về trường chuẩn quốc gia đến năm 2015.

Một tiết học theo mô hình trường học mới của cô trò Trường tiểu học Xuân Đường (huyện Cẩm Mỹ), trường chuẩn quốc gia đầu tiên của huyện Cẩm Mỹ.
Một tiết học theo mô hình trường học mới của cô trò Trường tiểu học Xuân Đường (huyện Cẩm Mỹ), trường chuẩn quốc gia đầu tiên của huyện Cẩm Mỹ.

Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia ở từng địa phương cũng có sự chênh lệch. Những địa phương có tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt tỷ lệ cao, như: huyện Xuân Lộc, huyện Vĩnh Cửu, TX.Long Khánh. Các huyện: Tân Phú, Nhơn Trạch và TP.Biên Hòa còn gặp nhiều khó khăn trong công tác này.

* Lợi ích khi đạt chuẩn

Huyện Cẩm Mỹ là một trong những địa phương gặp nhiều khó khăn nhất về điều kiện cơ sở vật chất do nguồn kinh phí hạn hẹp, huy động xã hội hóa không thuận lợi. Từ năm 2010 trở về trước, toàn huyện chưa có bất kỳ một trường chuẩn quốc gia nào. Đến nay, Cẩm Mỹ đã có 18 trường công lập đạt chuẩn quốc gia (2 trường mầm non, 11 trường tiểu học, 5 trường THCS). Có được kết quả này ngoài sự đầu tư, quan tâm hỗ trợ của lãnh đạo huyện, còn phải kể đến nỗ lực của lãnh đạo ngành GD-ĐT và bản thân hiệu trưởng các trường, sự cố gắng của tập thể giáo viên cùng sự chung tay giúp sức của nhân dân.

Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2020, trong hệ thống trường công lập có 50% trường mầm non và tiểu học, 80% trường THCS và THPT đạt chuẩn quốc gia.

Thầy Lê Đức Dũng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Đường, một trong những trường đạt chuẩn quốc gia đầu tiên của huyện Cẩm Mỹ, chia sẻ có thời điểm cả trường tiểu học và THCS đều học chung một cơ sở, chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên không đạt chuẩn, không có học sinh giỏi cấp tỉnh và huy động xã hội hóa gặp không ít khó khăn. Có đến 4/5 tiêu chí về trường chuẩn quốc gia mà trường không đạt. Không nản bước, từ năm 2004 đến 2012, nhà trường đã tích cực tự bồi dưỡng trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên, bắt đầu có giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, có học sinh đoạt giải quốc gia.  Từ năm 2012 đến nay, trường luôn nằm trong tốp đầu về số lượng giải tại các giải thưởng, cuộc thi trong huyện. Thầy Dũng tự hào: “Nhờ có điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo mà giáo viên yên tâm công tác, sáng tạo, chất lượng giáo dục văn hóa ngày càng tăng. Năm học vừa qua, lần đầu tiên từ năm 1975 đến nay, toàn trường không có học sinh nào lưu ban”.

Trong số các trường đạt chuẩn quốc gia của huyện Trảng Bom, Trường tiểu học Cao Bá Quát (thị trấn Trảng Bom) luôn là một trong số các trường đứng đầu về chất lượng giáo dục trong toàn huyện. Hiệu trưởng nhà trường Hoàng Công Thức cho hay, với lợi thế là trường chuẩn nên trường có điều kiện dạy, học 2 buổi/ngày. Toàn trường có hơn 600 học sinh học bán trú. Điều kiện phòng học, phòng chức năng đáp ứng đủ nhu cầu dạy, học tốt. Nhờ đó, ngoài việc được truyền tải kiến thức trong sách vở, học sinh còn được giáo dục, rèn luyện về kỹ năng sống, phát triển năng khiếu. Hiện, trường có 40 cán bộ, giáo viên đều đạt trên chuẩn với hơn 700 học sinh.

* Còn nhiều khó khăn

Ông Đào Đức Trình, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết: “Nguyên nhân khiến nhiều địa phương xây dựng trường chuẩn quốc gia chưa đạt đa số là do tiêu chí về cơ sở vật chất. Riêng ở TP.Biên Hòa hiện đang vướng rất nhiều khó khăn như: quy hoạch, đền bù đất để lấy đất xây trường, áp lực vì sĩ số học sinh/lớp quá cao”.

Ông Thân Anh Thiết, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Xuân Lộc, địa phương có gần 70% số trường học đạt chuẩn quốc gia, chia sẻ kinh nghiệm: “Từ năm 2008 - 2012, khi thực hiện đề án kiên cố hóa trường lớp và nhà công vụ cho giáo viên, Phòng GD-ĐT huyện đã tham mưu, đề xuất với UBND huyện kết hợp đầu tư xây dựng mới, tu sửa các trường trong đề án kiên cố hóa trường lớp thành trường đạt chuẩn quốc gia. Song song đó, chúng tôi tranh thủ nguồn lực từ chương trình xây dựng nông thôn mới để tiếp tục xây dựng các trường đạt chuẩn về cơ sở vật chất. Các tiêu chí còn lại, như: đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; chất lượng giáo dục; sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội... các đơn vị tự vạch kế hoạch và quyết tâm thực hiện đạt”.

Khó khăn về cơ sở vật chất, học sinh tăng cơ học quá đông và nhanh dẫn đến tình trạng một số nơi ở TP.Biên Hòa chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng ca ba, dồn lớp. Cả thành phố hiện có 115 trường công lập nhưng mới chỉ có 17 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt 14,7%, thấp hơn nhiều so với bình quân trong tỉnh. Nếu TP.Biên Hòa không kịp thời có những giải pháp để  đầu tư xây dựng trường lớp thì đến năm học 2016-2017, không chỉ có cấp tiểu học phải học ca ba, mà cấp THCS cũng không tránh khỏi tình trạng ca ba, các trường đã đạt chuẩn sẽ không còn giữ được danh hiệu này khi tái kiểm tra vì tiêu chí số học sinh/lớp, số lớp học 2 buổi… không đạt.

Lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Trảng Bom chia sẻ, khó khăn lớn nhất trong việc xây dựng trường chuẩn quốc gia của huyện chính là tiêu chí về cơ sở vật chất, đặc biệt là diện tích đất để xây dựng phòng học. 2 xã khó khăn nhất về tiêu chí này là Hố Nai 3 và Bắc Sơn. Trước khó khăn này, lãnh đạo huyện Trảng Bom đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên - môi trường điều chỉnh quy hoạch làm sao để dành đất cho việc xây dựng, nâng cấp các trường học hoặc hoán đổi chức năng của các trường học, nhằm xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trong thời gian tới.

Hạnh Dung

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều