Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ em: Nâng cao trách nhiệm của gia đình

10:07, 15/07/2015

Tai nạn giao thông, té lầu, nuốt dị vật, điện giật, động vật cắn, sặc cháo, ngạt nước… là những tai nạn thương tích thường xảy ra với trẻ em, nhất là trong dịp hè.

Tai nạn giao thông, té lầu, nuốt dị vật, điện giật, động vật cắn, sặc cháo, ngạt nước… là những tai nạn thương tích thường xảy ra với trẻ em, nhất là trong dịp hè.

Ngoài những yếu tố khách quan từ môi trường sống, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ em phải kể đến đó là sự chủ quan, lơ là của người lớn trong việc chăm sóc trẻ.

* Gia tăng tai nạn thương tích

Đã gần một tháng trôi qua nhưng nhắc đến vụ đuối nước thương tâm của 2 chị em N.T.T.N. (12 tuổi) và N.C.M. (6 tuổi) ở ấp Long Hiệu, xã Long Tân (huyện Nhơn Trạch) nhiều người vẫn chưa khỏi bàng hoàng. Buổi chiều định mệnh ấy, N. và M. theo lời dặn của mẹ ra chợ Phú Hội lấy thịt về bán bún buổi chiều. Sợ muộn giờ bán bún, chị N.K.T. (mẹ của 2 em N. và M.) ra chợ lấy thịt và về trước, để 2 con về sau. Khoảng 16 giờ cùng ngày, sau cơn mưa lớn mà mãi chưa thấy 2 con về, chị N.K.T. liền đi tìm con. Đến trước cổng Trường tiểu học Phú Hội - nơi con đường đang thi công, thấy xe đạp của con để bên đường và đôi dép nổi trên mặt nước, chị hô hoán mọi người đến giúp. Khi người dân đến vớt lên thì 2 em đã tử vong trong tư thế ôm chặt lấy nhau.

Bé Trần Quang Nhật bị gãy cả 2 tay khi bắt chước theo trò chơi truyền hình thực tế Sasuke. Ảnh: Ngọc Thư
Bé Trần Quang Nhật bị gãy cả 2 tay khi bắt chước theo trò chơi truyền hình thực tế Sasuke. Ảnh: Ngọc Thư

Tại khoa chấn thương chỉnh hình - bỏng (Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai), trung bình mỗi ngày tiếp nhận và điều trị cho trên 10 trẻ nhập viện vì tai nạn thương tích, trong đó có đến 60% ca nhập viện bị chấn thương đầu. Trong số đó, có những trường hợp trẻ bị tai nạn thương tích ngay tại ngôi nhà của mình. Cụ thể, như trường hợp cậu bé Trần Quang Nhật, 12 tuổi, ngụ tại ấp Trung tâm, xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom) bị gãy cả 2 tay khi bắt chước nhảy lên tường vượt chướng ngại vật theo trò chơi truyền hình thực tế Sasuke phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam. Chị Trần Thị Mai Trang (mẹ của Nhật) cho biết, bé rất thích bắt chước theo các chương trình trò chơi truyền hình thực tế và  đã nhiều lần leo thành công qua 2 bức tường cao khoảng 2m để vượt chướng ngại vật, nhưng lần này bị té từ trên cao xuống đất gãy cả 2 tay.

* Nâng cao trách nhiệm của gia đình

Theo báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ, 6 tháng cuối năm 2016 trên lĩnh vực văn hóa - xã hội vừa báo cáo tại kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa VIII, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 3,5 ngàn trẻ bị tai nạn thương tích (tăng 16,67% so với cùng kỳ 2014).

Theo ông Nguyễn Hữu Thành, Chi cục trưởng Chi cục Bảo trợ xã hội - bảo vệ chăm sóc trẻ em (Sở Lao động - thương binh và xã hội), bên cạnh môi trường xung quanh trẻ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn thương tích, hầu hết nguyên nhân trẻ bị tai nạn thương tích do yếu tố chủ quan, như: cha mẹ bận kiếm sống ít quan tâm; cha mẹ và bản thân trẻ chưa nhận thức được mức độ nguy hiểm, các nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ; trẻ hiếu động, tò mò, không biết bơi…

Từ các trường hợp được cấp cứu và điều trị tại bệnh viên, bác sĩ Phạm Đông Đoài, Trưởng khoa chấn thương chỉnh hình - bỏng (Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai), cho biết đa số vụ tai nạn thương tích xảy ra với trẻ từ 1-5 tuổi, đặc biệt là từ 1-3 tuổi, giai đoạn cần sự quan tâm, để mắt rất nhiều của người lớn. “Tai nạn thương tích hoàn toàn có thể phòng tránh nếu như phụ huynh hoặc người giữ trẻ luôn quan tâm, theo dõi hoạt động của trẻ; dạy cho trẻ kỹ năng nhận biết những mối nguy hiểm trong sinh hoạt, như: không sờ vào ổ điện, tránh xa bếp lửa, nước sôi, cách lên xuống cầu thang an toàn. Đặc biệt lưu ý, khi thiết kế cầu thang trong nhà phải có tay vịn, có lan can đảm bảo an toàn” - bác sĩ Phạm Đông Đoàn chia sẻ.  

Bên cạnh tạo môi trường an toàn cho trẻ, các bậc phụ huynh và người trông giữ trẻ cần tự trang bị kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu để có thể sơ cấp cứu kịp thời, đúng cách nhằm hạn chế di chứng sau điều trị.

Ngọc Thư - Nga Sơn

Tin xem nhiều