Đến nay, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đã thu được trên 5.600 tỷ đồng tiền tham gia BHXH (đạt tỷ lệ 52% kế hoạch thu của năm 2015). Tuy nhiên, nợ BHXH vẫn còn ở mức cao với số tiền trên 443 tỷ đồng.
Đến nay, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đã thu được trên 5.600 tỷ đồng tiền tham gia BHXH (đạt tỷ lệ 52% kế hoạch thu của năm 2015). Tuy nhiên, nợ BHXH vẫn còn ở mức cao với số tiền trên 443 tỷ đồng.
Trong số trên 2.400 doanh nghiệp đang nợ BHXH, không ít doanh nghiệp có thời gian nợ kéo dài từ 4 - 6 năm trở lên với số tiền nợ lên tới hàng tỷ đồng.
* Khi doanh nghiệp là “trùm” nợ
Theo BHXH tỉnh, hiện có 384 doanh nghiệp ngoài quốc doanh đang dẫn đầu danh sách nợ BHXH với số tiền lên tới 54 tỷ đồng. Xếp thứ nhì là 34 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với số nợ gần 50 tỷ đồng. Xếp thứ ba và thứ tư là các doanh nghiệp Nhà nước và các đơn vị ngoài công lập với tổng số nợ gần 20 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2014, số nợ đã giảm 2,6%.
Cuộc sống người lao động vốn khó khăn sẽ càng khó khăn hơn nếu như bị doanh nghiệp chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội. Trong ảnh: Người lao động Khu công nghiệp Nhơn Trạch mua hàng giảm giá tại hội chợ công nhân năm 2015. |
Số thu từ đầu năm đến nay tuy lớn, nợ có giảm nhưng vẫn chưa đạt được yêu cầu mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh và BHXH Việt Nam giao. Đáng lưu ý có nhiều doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài nhiều năm đã được liệt vào danh sách “trùm” nợ. Theo Phòng thu BHXH tỉnh, đứng đầu danh sách nợ hiện nay là Công ty cổ phần Licogi 16.5 (Khu công nghiệp Nhơn trạch 1) có thời gian nợ kéo dài đến nay đã trên 5 năm với số tiền nợ hơn 4,2 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp mới chỉ kịp trả một phần nợ cũ đã lại phát sinh nợ mới, thậm chí có doanh nghiệp như Công ty rượu sâm panh Matxcơva (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) dù đã có kết luận của tòa án phải trả nợ BHXH cho người lao động nhưng đến nay vẫn lâm vào thế bế tắc.
Từ đầu năm tới nay, BHXH tỉnh đã kiểm tra được 205 doanh nghiệp trong tổng số trên 2.400 doanh nghiệp có nợ từ 3 tháng trở lên. Tuy nhiên, theo một cán bộ của Phòng Kiểm tra BHXH tỉnh, doanh nghiệp càng nợ dài, nợ càng nhiều thì việc liên hệ làm việc càng trở nên khó khăn. Vị cán bộ này cho biết, khi gửi văn bản nhắc nhở nộp qua đường bưu điện, doanh nghiệp viện cớ không nhận được, khi gọi điện thoại hẹn làm việc thì nhân viên, thậm chí là giám đốc doanh nghiệp thấy “số quen” nên không nghe máy. Có nhiều trường hợp cán bộ BHXH xuống tận doanh nghiệp nhưng bảo vệ không cho vào. Còn nếu may mắn vào được tận nơi thì người có trách nhiệm lại “đi vắng”, hoặc đang trong thời gian “nghỉ bệnh”…
* Đòi nợ BHXH quyết liệt hơn
Chánh thanh tra Sở Lao động - thương binh và xã hội Mai Thị Tuyết cho biết, Đồng Nai là tỉnh có đông doanh nghiệp, do đó nếu không thực hiện nghiêm chỉnh chế độ BHXH cho người lao động sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc đảm bảo an sinh xã hội cũng như an ninh trật tự. Do đó từ đầu năm tới nay, dù lực lượng thanh tra của Sở khá khiêm tốn lại kiêm nhiều lĩnh vực nhưng đã rất cố gắng. Qua kiểm tra, thanh tra đã xử phạt trên 700 triệu đồng với 7 doanh nghiệp có thời gian nợ kéo dài với số tiền nợ lớn, trên 1 tỷ đồng. Bà Tuyết cho biết thêm: “Kiện doanh nghiệp nợ BHXH là đường cùng của sự lựa chọn, nhưng thanh tra Sở đã phối hợp với BHXH tỉnh hoàn tất 44 hồ sơ kiện doanh nghiệp ra tòa”.
Xử lý nghiêm doanh nghiệp chây ì Tại kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 14 mới đây, nợ BHXH đã trở thành vấn đề “nóng” được đại biểu chất vấn đối với lãnh đạo BHXH tỉnh. Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Tư đã lưu ý tỷ lệ giảm và tốc độ giảm nợ BHXH còn chưa được như mong muốn. Do đó, BHXH tỉnh phải tìm mọi giải pháp để kéo giảm xuống ở mức chấp nhận được. Những doanh nghiệp chây ì dứt khoát phải xử lý nghiêm nhằm đảm bảo quyền lợi và an sinh xã hội cho người lao động. |
Ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH tỉnh, cho biết việc đòi được nợ BHXH mà doanh nghiệp đang chây ì, chiếm dụng của người lao động là việc rất khó khăn nhưng không thể khoanh tay đứng nhìn. Mục tiêu của BHXH tỉnh từ nay đến cuối năm là phải bằng mọi giải pháp kéo số nợ BHXH từ 443,3 tỷ đồng xuống còn dưới 300 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu đó, từ đầu năm đến nay BHXH đã và đang thực hiện rất quyết liệt để không chỉ thu được nợ mà còn ngăn dòng nợ BHXH phát sinh.
BHXH tỉnh cũng đã kiến nghị với Chính phủ tăng mức xử phạt đối với doanh nghiệp chây ì không đóng BHXH cho người lao động từ 0,6% lên 30% trên tổng số nợ, đồng thời kiến nghị với Bộ Tư pháp và ban soạn thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi đưa hai tội danh trốn nợ và lạm dụng quỹ BHXH, bảo hiểm y tế vào loại tội phạm hình sự.
Công Nghĩa