Báo Đồng Nai điện tử
En

Luật Giáo dục nghề nghiệp: Có tạo được cú hích?

06:07, 14/07/2015

Luật Giáo dục nghề nghiệp đã được Quốc hội khóa XIII thông qua và chính thức có hiệu lực từ 1-7-2015. Các cơ sở đào tạo nghề đang hy vọng luật này sẽ tạo được cú hích mạnh mẽ cho công tác GD-ĐT nghề...

Luật Giáo dục nghề nghiệp đã được Quốc hội khóa XIII thông qua và chính thức có hiệu lực từ 1-7-2015. Các cơ sở đào tạo nghề đang hy vọng luật này sẽ tạo được cú hích mạnh mẽ cho công tác GD-ĐT nghề vốn đang  rất ì ạch.

Đại diện một doanh nghiệp nước ngoài tới khảo sát điều kiện dạy nghề tại Trường cao đẳng nghề Lilama 2 (huyện Long Thành).
Đại diện một doanh nghiệp nước ngoài tới khảo sát điều kiện dạy nghề tại Trường cao đẳng nghề Lilama 2 (huyện Long Thành).

Công tác đào tạo nghề hiện có nhiều nút thắt dẫn đến hiệu quả kém và một trong đó những nút thắt chính là thiếu chính sách ưu đãi và khuyến khích doanh nghiệp (DN).

* Tháo được nút thắt

Đồng Nai có hệ thống các cơ sở đào tạo nghề khá đông đảo, nhưng đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh lại chưa được như mong đợi. Tỉnh cũng có rất đông DN, nhưng phần lớn các DN lại chưa mặn mà khi tham gia vào công tác dạy nghề. Mấu chốt của sự chưa mặn mà nằm ở chỗ Nhà nước chưa có chính sách ưu đãi nào đáng kể cho DN tham gia. Theo đánh giá của Trưởng phòng dạy nghề Sở Lao động - thương binh và xã hội Mao Quốc Trung: “Lần này Luật Giáo dục nghề nghiệp đã bổ sung chính sách ưu đãi về thuế thu nhập DN khi họ có tham gia vào công tác dạy nghề, do đó chúng tôi hy vọng sẽ tháo gỡ được nút thắt khó khăn này”.

TS.Ngô Bá Bang, Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề cơ điện Đông Nam bộ (huyện Vĩnh Cửu), cho rằng từ trước tới nay DN liên kết với cơ sở đào tạo nghề mà không nhận được chính sách ưu đãi nào đã đành, nhưng DN còn phải đối mặt với rủi ro khác, đó là người lao động thường “nhảy việc” đi nơi khác sau khi đã được đào tạo, dẫn đến DN trắng tay mà nhà trường cũng không biết lấy gì để đền bù thiệt hại cho DN. 

Việc gắn kết với DN để liên kết đào tạo nghề cho học viên là một vấn đề không dễ dàng. DN chỉ gắn kết đào tạo nghề với các cơ sở đào tạo khi nhìn thấy rõ được những lợi ích từ mối liên kết này. Theo kinh nghiệm của TS. Lê Văn Hiền, Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Lilama 2 (huyện Long Thành): “Chính sách ưu đãi thuế thu nhập thì DN nào cũng rất mong muốn, nhưng đó mới chỉ là một phần. Cái mà DN cần hơn chính là thái độ cầu thị của các cơ sở đào tạo nghề và hiệu quả thực chất từ mối liên kết đào tạo ra sao để cho ra những người làm được việc và gắn bó lâu dài. Đó mới là giá trị gia tăng lớn nhất, bền lâu nhất mà DN mong đợi”.

* Để luật đi vào thực tiễn

Kỹ sư cơ khí Lê Tùng Hiếu, nguyên Phó giám đốc Tổng công ty máy động lực - máy nông nghiệp Việt Nam, cho rằng việc thiếu hụt rất lớn những người thợ giỏi nghề một phần là do từ trước tới nay Nhà nước thiếu những chính sách ưu đãi cho DN tham gia đào tạo nghề vốn là thế mạnh của họ. Kỹ sư Lê Tùng Hiếu bày tỏ: “Tôi từng kiến nghị nhiều lần về chính sách ưu đãi này và thực sự hy vọng Luật Giáo dục nghề nghiệp mới sẽ được các DN đón nhận và thực hiện. Đồng thời, các cơ quan của Nhà nước cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để DN tích cực tham gia vào công tác đào tạo nghề”.

Những điểm mới của Luật Giáo dục nghề nghiệp:

- Đào tạo 3 cấp: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng.

Thời gian đào tạo trung cấp đối với người tốt nghiệp THCS còn từ 1-2 năm (tùy theo ngành nghề đào tạo). Người học không bắt buộc phải học văn hóa THPT.

- Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tự chủ xây dựng chương trình đào tạo và Bộ Lao động - thương binh và xã hội sẽ không ban hành chương trình khung đối với từng nghề.

- Người tốt nghiệp cao đẳng nghề được công nhận danh hiệu kỹ sư thực hành hoặc cử nhân thực hành.

- Cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục và cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được nhà nước ưu tiên cho thuê cơ sở vật chất, thiết bị để đào tạo. Được vay vốn ưu đãi từ các chương trình.

- Miễn học phí cho đối tượng chính sách xã hội, người tốt nghiệp THCS, người học các ngành nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu.

- Doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp được khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trước khi Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực, tại Đồng Nai đã có một số DN đi tiên phong trong tự đào tạo nguồn nhân lực mà không trông chờ vào chính sách ưu đãi của Nhà nước, trong đó có Công ty Bosch Việt Nam. Từ năm 2013, Bosch Việt Nam đã thành lập Trung tâm đào tạo kỹ thuật công nghiệp (TGA) tại nhà máy ở Khu công nghiệp Long Thành. Đây được coi là mô hình mới trong liên kết đào tạo nghề tại Đồng Nai khi toàn bộ học viên được Công ty Bosch Việt Nam liên kết với Trường cao đẳng nghề Lilama 2 để đào tạo lý thuyết căn bản và trình độ ngoại ngữ, trong khi đó toàn bộ phần thực hành được thực hiện ngay tại trung tâm đào tạo nằm trong khuôn viên nhà máy với những trang thiết bị hiện đại. Học viên còn được Công ty Bosch Việt Nam trả lương ngay trong quá trình học nghề.

Ông Phạm Văn Cộng, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, cho biết bước đầu Luật Giáo dục nghề nghiệp với những đổi mới được DN đón nhận khá hào hứng. Việc cần làm ngay thời gian đầu triển khai luật này là phải tiếp tục đẩy mạnh tuyên tuyền trong DN, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, trong đó có cơ quan thuế trong việc cụ thể hóa chính sách ưu đãi đã được ghi trong luật.

Công Nghĩa

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích