Trong hai ngày 28 và 29-7, Sở Lao động - thương binh và xã hội, Sở GD-ĐT, Tỉnh đoàn, Nhà thiếu nhi Đồng Nai và Đài PT-TH Đồng Nai đã phối hợp tổ chức diễn đàn trẻ em năm 2015.
Trong hai ngày 28 và 29-7, Sở Lao động - thương binh và xã hội, Sở GD-ĐT, Tỉnh đoàn, Nhà thiếu nhi Đồng Nai và Đài PT-TH Đồng Nai đã phối hợp tổ chức diễn đàn trẻ em năm 2015. Với chủ đề “Lắng nghe trẻ em nói”, 140 em thiếu nhi đại diện 13 đơn vị, gồm: các huyện, thị, thành, Trường giáo dưỡng số 4, Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai, Trung tâm bảo trợ và huấn nghệ cô nhi Biên Hòa đã tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa.
Các em thiếu nhi mạnh dạn bày tỏ ý kiến của mình tại diễn đàn. |
Không phải đối mặt với tai nạn thương tích, đuối nước; môi trường học tập thân thiện, tích cực; không bị xâm hại tình dục; không có bạo lực; cha mẹ hiểu con, không áp đặt suy nghĩ của người lớn lên con… là những mong muốn tha thiết mà các em thiếu nhi bày tỏ tại diễn đàn.
* Cần môi trường lành mạnh để phát triển
Sau các tiết mục văn nghệ sôi nổi, không khí hội trường trở nên lắng lại khi xem phóng sự về trường hợp tai nạn đuối nước thương tâm của 2 chị em ruột ở huyện Nhơn Trạch cách đây không lâu. Đây chỉ là 2 trong số 10 trường hợp trẻ bị đuối nước xảy ra trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay.
Bày tỏ lo lắng của mình về tai nạn đuối nước, em Hoàng Thị Bích Vân (huyện Cẩm Mỹ) mong muốn có được các lớp dạy bơi để rèn luyện kỹ năng phòng chống đuối nước. Chứng kiến thực trạng thiếu an toàn của các ngôi nhà trên làng bè ở xã Phú Ngọc, em Võ Đặng Anh Chi (huyện Định Quán) mong các cấp lãnh đạo sớm có giải pháp di dời, ổn định cuộc sống cho các hộ dân sống trên làng bè để trẻ em ở đây không phải hàng ngày, hàng giờ đối mặt với “tử thần”.
Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Nguyễn Văn Thuộc cho biết tất cả các ý kiến của các em tại diễn đàn sẽ được Sở tổng hợp đầy đủ để gửi đến các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, góp phần hoàn thiện chính sách liên quan đến trẻ em. |
Bên cạnh đó, thiếu nhi còn quan tâm đến các vấn đề, như: cơ sở vật chất trường học không đảm bảo, chương trình học quá nặng; phương pháp giảng dạy của một số giáo viên còn rập khuôn; vấn đề dạy - học thêm và sự phân biệt đối xử của giáo viên; các mối quan hệ thầy cô và học trò; xây dựng các khu vui chơi giải trí; bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; sự suy thoái đạo đức của một bộ phận giới trẻ ngày nay...
Đáng chú ý, các em quan tâm nhiều đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Hầu hết các ý kiến cho rằng, cha mẹ chưa lắng nghe các con nói, không hiểu suy nghĩ của các con, không tin tưởng con và luôn có tư tưởng bắt con phải suy nghĩ và hành động như cha mẹ. Khi các con không răm rắp làm theo thì chửi mắng, thậm chí còn dùng đòn roi để đưa con vào khuôn khổ mà cha mẹ dựng nên. Điều này khiến cho khoảng cách giữa cha mẹ và con ngày càng xa. Một em ở TP.Biên Hòa dẫn chứng, em cảm thấy không thoải mái khi cha mẹ không tin tưởng và bắt em ở nhà với lý do ra ngoài nhiều, giao du bạn bè sẽ học những thói hư tật xấu. Em cho biết: “Cha mẹ nào cũng sợ con hư, sợ con vấp ngã, nhưng nếu cha mẹ tin tưởng, mạnh dạn để em có cơ hội tiếp xúc với thế giới bên ngoài, em sẽ có cơ hội học hỏi và trưởng thành hơn”.
* Lắng nghe và tôn trọng tiếng nói của trẻ
Theo Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Nguyễn Thị Kiều Oanh, những năm gần đây, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn được xã hội quan tâm đặc biệt và đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em hiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, dễ thấy nhất là tình trạng trẻ bị xâm hại có xu hướng ngày càng tăng; bạo hành, tử vong do tai nạn thương tích vẫn còn cao; thiếu điểm vui chơi, giải trí cho trẻ…
Diễn đàn “Lắng nghe trẻ em nói” được tổ chức hàng năm là dịp để trẻ em nói lên những suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng của mình. Đây là cơ sở để các cơ quan chức năng hoàn thiện chính sách liên quan đến trẻ em.
Phát biểu tại diễn đàn, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Huỳnh Văn Tịnh đánh giá cao các hoạt động tại diễn đàn. Đồng chí mong muốn các ngành chức năng, gia đình tiếp tục nỗ lực để tạo ra môi trường thân thiện, lành mạnh để trẻ phát triển cả về sức khỏe, trí tuệ, kỹ năng. Riêng đối với các em thiếu nhi phải luôn nỗ lực trong học tập và rèn luyện để trở thành người có đức, có trí tuệ, có ý chí và có sức khỏe để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. |
Bên cạnh việc ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của trẻ em, tại diễn đàn một số vấn đề các em đặt ra đã được đại diện các sở, ngành trong tỉnh giải đáp thỏa đáng. Liên quan đến vấn đề dạy bơi, học bơi, hạn chế tai nạn đuối nước, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Nguyễn Xuân Thanh cho biết, hiện nay vấn đề phổ cập bơi cho trẻ em trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thể thực hiện do số lượng hồ bơi quá ít, trong khi nhu cầu học bơi của các em quá đông. Việc đầu tư xây dựng hồ bơi còn khó khăn về kinh phí. Để hạn chế đuối nước, theo ông Thanh, các bậc phụ huynh cần quan tâm, để mắt đến con; bản thân các em tự trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước.
Đối với các vấn đề cơ sở vật chất dạy và học trong nhà trường, mối quan hệ thầy cô, bạn bè, lãnh đạo Sở GD - ĐT ghi nhận và cho biết sớm có biện pháp khắc phục. Tuy nhiên, với vấn đề nhà vệ sinh dơ như các ý kiến đề cập tại diễn đàn, bà Huỳnh Lệ Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho rằng vấn đề này có phần trách nhiệm của các em. Nếu như các em biết giữ gìn vệ sinh chung thì vấn đề nhà vệ sinh không còn là vấn đề đáng nói.
Giải đáp những thắc mắc liên quan đến mối quan hệ giữa cha mẹ con cái, Th.S tâm lý Tô Nhi A cho rằng các em không nên chỉ đổ lỗi cho cha mẹ, bởi cha mẹ nào cũng thương yêu con. Nếu các em hiểu và thông cảm với những lo lắng của cha mẹ; minh bạch mọi hoạt động của mình; chủ động quan tâm cha mẹ; sống tích cực, có trách nhiệm… thì cha mẹ sẽ lắng nghe và tôn trọng ý kiến của các em.
Nga Sơn