Hành trình để đưa một trẻ bị tự kỷ trở về cuộc sống bình thường rất gian nan, vất vả. Trên hành trình đó có sự nỗ lực không ngừng nghỉ, tình yêu thương vô bờ bến, những hy sinh không kể hết của bậc làm cha mẹ.
Hành trình để đưa một trẻ bị tự kỷ trở về cuộc sống bình thường rất gian nan, vất vả. Trên hành trình đó, đằng sau các phương pháp phục hồi chức năng của chuyên gia tâm lý còn có sự nỗ lực không ngừng nghỉ, tình yêu thương vô bờ bến, những hy sinh không kể hết được của bậc làm cha mẹ.
Một buổi sinh hoạt nhóm tại Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Sông Phố. |
Đến giờ này, chị T.T. ở phường Tam Hòa (TP.Biên Hòa) vẫn còn nhớ như in cái ngày đen tối cách đây 2 năm khi bác sĩ nói bé H., con trai của chị phải theo dõi rối loạn phát triển lan tỏa. Chị không thể hiểu được vì sao đứa con trai bé nhỏ, có gương mặt khôi ngô của chị lại mang trong mình triệu chứng của bệnh tự kỷ: không phát triển ngôn ngữ, thờ ơ với mọi thứ xung quanh, không tương tác khi giao tiếp và có những hành động rập khuôn, kỳ dị...
* Bao la tình mẹ
Lúc đó, tinh thần của chị T. gần như suy sụp. Tuy nhiên, hơn lúc nào hết chị biết con đang cần chị. Vậy là hàng tuần chị đều đặn đưa con đến Bệnh viện nhi đồng 2 ở TP. Hồ Chí Minh để được phục hồi chức năng. Khi biết tại phường Tam Hòa, TP.Biên Hòa có Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Sông Phố (thuộc Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam), chuyên dạy cho trẻ bị bệnh tự kỷ, chị đã gửi con học bán trú tại đây.
Chị cũng là một trong những phụ huynh tích cực đăng ký tham gia các khóa học của trung tâm nhằm có được các kỹ năng, kiến thức và cả sự kiên trì để dạy con. Hơn 1 năm cùng con học tập, rèn luyện, mất hàng giờ, hàng ngày để cùng con rèn luyện các bài tập đơn giản, như: thổi bong bóng, hút nước để luyện phát âm... Cuối cùng, vào một chiều đón con từ trung tâm về, chị thấy bé H. đã biết nói nhớ mẹ, trên đường về kể chuyện về lớp học dù chỉ bằng vốn từ ít ỏi. Kể từ đó, bé H. đã dần dần nói lại bình thường, có hành vi giao tiếp tốt, đi lại chủ động. Đến nay, chị đang cho bé học mẫu giáo tại Trường mầm non Hoa Sen (phường Tân Hiệp). Bé biết biểu hiện cảm xúc, biết hát, biết làm toán. Dù bé vẫn có những nét ngây ngô hơn các bạn cùng trang lứa nhưng với chị T., đó là may mắn khi con của chị vẫn có thể đến trường như bao trẻ khác.
Tương tự, chị T.H. ở xã Long Đức (huyện Long Thành) cũng vượt qua bao lời dị nghị đồn thổi ác ý khi cho rằng chị sinh con bị tự kỷ là do gia đình ăn ở không có phước. Bằng tình thương của người mẹ, chị đã bỏ hết công việc, hàng ngày đưa đón con học bán trú tại Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Sông Phố. Có nhiều hôm chị căng thẳng khi cùng con rèn luyện các bài tập nhưng con không tập trung, thích thì học, không thích thì thôi. Chị la con, thấy con khóc, chị cũng khóc. Sau những lần ấy, chị lại quyết tâm hơn, quyết tâm để giúp con vượt qua lúc khó khăn nhất trong cuộc đời, hoặc là lúc này, hoặc là không bao giờ. Cuối cùng, sau 3 năm theo học ở trung tâm, bé Đ., con trai chị đã lanh lẹ hơn, biết nói chuyện, biết chia sẻ và tập trung hơn. Hiện nay, chị đang cho bé học dự thính lớp 1 ở gần nhà.
* Cần có sự phối hợp
Th.S Lê Minh Công, Phó giám đốc phụ trách chuyên môn của Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Sông Phố, Phó trưởng khoa tâm lý học Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh cho biết đến nay vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân của chứng tự kỷ. Vì vậy có nhiều nguyên nhân được đưa ra, như: di truyền, bẩm sinh, chu sinh (trước, trong và sau sinh), tâm lý của người mẹ... Bệnh tự kỷ nếu được phát hiện và can thiệp sớm, ở giai đoạn 2-3 tuổi - thời gian vàng, thì khả năng hồi phục, hòa nhập cộng đồng của trẻ rất cao. Nếu phát hiện trễ, khả năng phục hồi thấp, giảm chức năng ngôn ngữ, suy giảm trí tuệ.
Qua 4 năm hoạt động, số trẻ tự kỷ đến học tập tại Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Sông Phố ngày càng tăng. Từ 5 trẻ đăng ký khi mới thành lập, đến nay có 60 em học bán trú và ngoài giờ, đa phần là trẻ trong độ tuổi từ dưới 5 tuổi. Trung bình mỗi năm, trung tâm cho hòa nhập cộng đồng 15 trẻ. |
Đặc biệt, nếu có sự phối hợp tốt giữa các chuyên viên và cha mẹ thì trẻ sẽ tiến triển nhanh hơn. Vai trò của cha mẹ cực kỳ quan trọng, chiếm 60-70% khả năng hồi phục sớm của trẻ bằng việc phát hiện sớm bệnh, cùng tham gia giáo dục các kỹ năng cho trẻ tại nhà. Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều phụ huynh vẫn chưa có sự phối hợp nhiều. Không ít người nghĩ can thiệp là nhiệm vụ của người có chuyên môn đào tạo nên từ chối tham dự các khóa học về các kỹ năng và cách làm việc với con trẻ.
Cũng theo Th.S Lê Minh Công, hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu chứng tự kỷ, mà điều trị chủ yếu bằng 2 nhóm liệu pháp phục hồi chức năng là: các liệu pháp có bằng chứng liên quan đến tâm lý giáo dục và các nhóm liệu pháp không có bằng chứng, như: ăn kiêng, châm cứu, bấm huyệt, oxy cao áp... Phương pháp chính can thiệp được triển khai tại Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Sông Phố là các liệu pháp liên quan đến tâm lý giáo dục. Trẻ sẽ được chuyên gia tâm lý kiểm tra mức độ bệnh, sau đó xây dựng chiến lược can thiệp cho trẻ theo mục tiêu 3 tháng đánh giá sự tiến triển của trẻ một lần. Với hình thức can thiệp 1-1, một chuyên viên và một trẻ, với các bài tập chủ yếu phát triển chức năng liên quan đến giao tiếp, hành vi. Ngoài ra, trung tâm còn có giờ can thiệp nhóm nhằm phối hợp các hoạt động tâm lý và vận động để phục hồi các chức năng vận động, sự tập trung...
Ngọc Thư