Báo Đồng Nai điện tử
En

Thương tâm trẻ bị đuối nước

10:05, 26/05/2014

Kỳ nghỉ hè mới chính thức bắt đầu nhưng trên địa bàn tỉnh đã có nhiều vụ đuối nước thương tâm xảy ra, cướp đi tính mạng của trẻ em, để lại nỗi đau khôn nguôi cho những người ở lại.

Kỳ nghỉ hè mới chính thức bắt đầu nhưng trên địa bàn tỉnh đã có nhiều vụ đuối nước thương tâm xảy ra, cướp đi tính mạng của trẻ em, để lại nỗi đau khôn nguôi cho những người ở lại.

Vụ tai nạn đuối nước ở hầm đá Hóa An xảy ra đã hơn một tháng, nhưng khi nhắc đến cậu con trai Nguyễn Văn Công, anh Nguyễn Văn Thành (xã Hóa An, TP. Biên Hòa) vẫn nghẹn ngào: “Tôi định hè này sẽ dạy cháu học nghề sửa chữa đồ điện gia dụng tại tiệm để sau này cháu có nghề kiếm sống. Vậy mà...”.

* Nỗi đau người ở lại

Anh Thành cho biết: “Vì gia đình khó khăn, học lực của Công có hạn nên tôi không dám mơ đến ngày con vào đại học. Vì vậy, tôi mở tiệm sửa đồ điện vừa để kiếm sống, vừa để truyền nghề  sau này cho con. Dự định này chắc chắn sẽ trở thành hiện thực nếu như không có cái ngày định mệnh ấy”.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan (mẹ em Vũ Chính Hiệp) sắp xếp lại sách vở, đồ chơi của con.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan (mẹ em Vũ Chính Hiệp) sắp xếp lại sách vở, đồ chơi của con.

Đó là ngày 15-4,  sau khi đi học thêm về, Công và 2 đứa bạn là Nhân và Kiệt ra hầm đá chơi. Thấy hầm đá nguy hiểm, Nhân về trước, còn Công và Kiệt vẫn ở lại chơi. Buổi trưa không thấy con về nhà, anh Thành đi tìm nhưng lại nghĩ con trốn đi chơi game nên không tìm nữa. Đến chiều vẫn không thấy con về, cả nhà đi tìm thì không còn kịp, con trai anh và đứa bạn xấu số Võ Anh Kiệt đã ra đi mãi mãi.

Bà Phạm Thị Lệ Thủy, Chi cục phó Chi cục Bảo trợ xã hội - bảo vệ, chăm sóc trẻ em tỉnh: “Để giảm bớt những tai nạn thương tâm, cùng với việc tổ chức các hoạt động vui chơi lành mạnh, an toàn, dạy trẻ biết bơi. Điều quan trọng là gia đình phải  trang bị kỹ năng đề phòng, ứng phó với những tình huống nguy hiểm xảy ra để trẻ em có thể tự bảo vệ mình”.

Mới đây, vào ngày 19-5, tại ấp 8, xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc) cũng xảy ra một vụ đuối nước khiến em Thổ Thanh Bình (7 tuổi) tử vong. Đã hơn một tuần trôi qua, nhưng bà Thị Liễu (mẹ của Bình) vẫn không muốn rời bàn thờ con nửa bước. Đôi mắt thẫn thờ của bà cứ hướng về chiếc di ảnh để trên bàn thờ như muốn khắc sâu hình ảnh của con trong trí nhớ. Trong tiếng nấc nghẹn ngào của người mẹ mất con, bà nói: “Nhà nghèo, tài sản lớn nhất của vợ chồng tôi là 4 đứa con, giờ mất một đứa rồi, đau quá!”

Mới đây nhất, vụ đuối nước xảy ra tại ấp 3, xã Lộ 25 (huyện Thống Nhất) cũng đã cướp đi sinh mạng của em Vũ Chính Hiệp (10 tuổi). Nhắc đến đứa con ngoan ngoãn, học giỏi nhưng vắn số, ông Vũ Văn Hiếu (cha của Hiệp) lại thở dài, còn người mẹ Nguyễn Thị Tuyết Lan chỉ biết khóc. Đêm nào, 3 giờ sáng bà Lan cũng thức dậy ra ngồi cạnh bàn thờ nói chuyện với con. Ban ngày, bà mang quần áo cũ, chiếc khăn quàng đỏ, sách vở, đồ chơi của con ra sắp xếp rồi ngắm nghía...

* Dạy trẻ biết tự bảo vệ mình

Thống kê của Chi cục Bảo trợ xã hội, bảo vệ chăm sóc trẻ em (thuộc Sở Lao động - thương binh và xã hội), từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có 6 trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước (tăng 1 vụ so với cùng kỳ năm 2013). Địa bàn có nguy cơ xảy ra đuối nước cao là Trảng Bom, Tân Phú, Biên Hòa, Định Quán và Thống Nhất. Bà Phạm Thị Lệ Thủy, Chi cục phó Chi cục Bảo trợ xã hội - bảo vệ, chăm sóc trẻ em tỉnh, cho biết nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn thương tích thường là do môi trường sống xung quanh trẻ em còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn, như: địa bàn tập trung nhiều ao, hồ, sông, suối không được rào che chắn, cắm biển báo; một số đơn vị, doanh nghiệp sau khi khai thác đá, đất đã không san lấp, rất nguy hiểm đối với trẻ em... Bên cạnh đó, nhận thức của cộng đồng về đuối nước còn hạn chế. Bản thân trẻ không biết bơi, không có kỹ năng ứng phó khi có nguy cơ bị đuối nước.

Ông Vũ Văn Hiếu (cha của em Vũ Chính Hiệp, xã Lộ 25, huyện Thống Nhất):

“Con tôi bị  đuối nước do tắm dưới hồ khai thác đá bị bỏ hoang từ lâu. Do vậy, để những đứa trẻ khác không bị đuối nước, tôi đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp sau khi hoàn thành việc khai thác cần thực hiện san lấp hoặc làm rào chắn, có biển báo nguy hiểm nhằm đảm bảo môi trường an toàn cho trẻ”.

Để bảo vệ tính mạng trẻ em, theo ông Võ Châu, Trưởng phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện Xuân Lộc, địa phương và các Hội - đoàn thể cũng như phụ huynh cần nhận thức rõ vấn đề phòng ngừa đuối nước cho trẻ. Theo đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng người dân, hộ gia đình bằng nhiều hình thức nhằm bảo vệ an toàn cho trẻ ngay từ trong gia đình bằng những việc làm thiết thực, như: tăng cường kiểm soát trẻ, không cho trẻ tắm sông, suối, ao, hồ khi không có người lớn biết bơi đi kèm; làm hàng rào quanh ao, hồ, hố nước; làm nắp đậy chắc chắn cho giếng, chum, vại, bể nước...

Nga Sơn

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều