Dự án bệnh viện vệ tinh được Bộ Y tế triển khai tại Đồng Nai nhằm mục tiêu giúp người bệnh được hưởng thụ những tiện ích khi chăm sóc sức khỏe từ các bệnh viện hạt nhân có chuyên môn cao hàng đầu là Chợ Rẫy, ung bướu và nhi đồng 2 (TP.Hồ Chí Minh).
Dự án bệnh viện vệ tinh được Bộ Y tế triển khai tại Đồng Nai nhằm mục tiêu giúp người bệnh được hưởng thụ những tiện ích khi chăm sóc sức khỏe từ các bệnh viện hạt nhân có chuyên môn cao hàng đầu là Chợ Rẫy, ung bướu và nhi đồng 2 (TP.Hồ Chí Minh).
Mổ sọ não tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất. |
Hiện các dự án Bệnh viện vệ tinh của Đồng Nai đã chuẩn bị xong về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực, tuy nhiên vẫn chưa đi vào hoạt động được vì nhiều lý do.
* Bác sĩ chờ thiết bị
Bệnh viện đa khoa Thống Nhất là vệ tinh cho Bệnh viện Chợ Rẫy về can thiệp tim mạch. Thời gian qua, bệnh viện đã cử 4 ê-kíp gồm 13 bác sĩ và 7 điều dưỡng tham gia đào tạo chuyển giao kỹ thuật từ hạt nhân về thực hiện chụp mạch vành, can thiệp tim mạch và phẫu thuật tim…
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), việc triển khai đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013 - 2015 sẽ ưu tiên đầu tư phát triển và hoàn tất mạng lưới 48 bệnh viện vệ tinh của 14 bệnh viện hạt nhân (8 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và 6 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh), trong đó Đồng Nai có 4 bệnh viện vệ tinh triển khai tại 3 bệnh viện, gồm: Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, đa khoa Thống Nhất và nhi đồng Đồng Nai. |
Đến nay, các ê-kíp này đã có thể thực hiện thành thạo các kỹ thuật tim mạch là chụp và can thiệp điều trị bệnh mạch vành, can thiệp điều trị bệnh van tim, như: nong van hẹp 2 lá hậu thấp, can thiệp điều trị bệnh tim bẩm sinh và can thiệp điều trị mạch máu. Song, do thiếu thiết bị nên bác sĩ được đào tạo vẫn phải nhìn bệnh nhân nặng chuyển viện. “Tình trạng này đang gây lãng phí nguồn nhân lực cũng như thiệt thòi cho bệnh nhân. Chưa kể, 3 bác sĩ trong số được đào tạo này đã …“đầu quân” cho những bệnh viện lớn ở Bình Dương vì không thể ngồi chờ thiết bị, trong khi đào tạo một bác sĩ tim mạch tốn kém không ít tiền bạc và công sức” - bác sĩ Phạm Văn Dũng, Giám đốc bệnh viện cho biết.
Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai làm vệ tinh cho Bệnh viện nhi đồng 2, tập trung ở các khoa: ngoại nhi, nội nhi, sơ sinh, hồi sức, dinh dưỡng, ngoại thần kinh và ngoại tiết niệu… Việc đào tạo và tiếp nhận kỹ thuật mới của bệnh viện rất đúng tiến độ và chất lượng. Hiện bác sĩ của bệnh viện đã tự tin làm được khá nhiều bệnh phức tạp, như: cắt cực trên thận, cắt u sụn xương, mổ chấn thương sọ não, mổ tim, đồng thời tiếp nhận một số ca bệnh điều trị ổn tại Bệnh viện nhi đồng 2 về điều trị tại bệnh viện. Tuy nhiên, tình trạng “người chờ máy” khiến nhiều thầy thuốc băn khoăn.
* Bệnh viện “gánh” nợ?
Bộ Y tế thành lập bệnh viện vệ tinh ở các tỉnh, thành nhằm 2 mục tiêu: giảm tải cho bệnh viện tuyến trên và nâng cao chất lượng chuyên môn cho tuyến dưới. Song, nguồn kinh phí Bộ chỉ “rót” cho các bệnh viện hạt nhân, còn đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị của các bệnh viện vệ tinh do địa phương đảm nhận.
Được biết, tổng kinh phí cho 4 dự án bệnh viện vệ tinh tại 3 bệnh viện của Đồng Nai là 183 tỷ đồng, trong đó riêng kinh phí về trang thiết bị 115,6 tỷ đồng. Do nguồn ngân sách eo hẹp, các bệnh viện đã tự xoay xở, tận dụng, cải tạo cơ sở hạ tầng hiện có, sử dụng quỹ phát triển sự nghiệp để chia sẻ một phần khó khăn với ngân sách, nhưng riêng khoản đầu tư trang thiết bị các bệnh viện không kham nổi.
Mục tiêu của dự án các bệnh viện vệ tinh tại Đồng Nai là 100% cán bộ, nhân viên y tế trong nhóm được đào tạo về chuyên môn phù hợp; giảm 15% tỷ lệ chuyển tuyến; bảo đảm 100% các kỹ thuật tiếp nhận từ các bệnh viện hạt nhân thực hiện tốt và duy trì bền vững. |
Tại cuộc họp mới đây về dự án bệnh viện vệ tinh, ông Cao Tiến Dũng, Phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh, cho biết: “Các dự án Bệnh viện vệ tinh được UBND tỉnh phê duyệt, Sở phải bố trí ngân sách. Tuy nhiên, ngân sách năm 2014 và cả năm 2015 đã bố trí ổn định. Hơn một trăm tỷ đồng là khoản lớn, rất khó linh động. Có thể phải giãn tiến độ dự án sang năm 2016 mới có thể sắp xếp được vốn”.
Theo lãnh đạo các bệnh viện, việc giãn hoặc lùi tiến độ là không khả thi. Bác sĩ Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, cho biết: “Nếu giãn tiến độ đến năm 2016, sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chuyển giao của Bệnh viện nhi đồng 2. Bệnh viện này hợp đồng với Bộ Y tế trong 2 năm 2012 - 2014 phải hoàn tất. Nếu năm 2014 Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai không sẵn sàng để tiếp nhận, dự án có khả năng bị phá sản. Bệnh viện hạt nhân họ không thể chờ”.
Trước bức bách về nguồn vốn, phương án được Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Trí đưa ra tại cuộc họp là UBND tỉnh sẽ can thiệp để các bệnh viện được vay vốn với lãi suất ưu đãi, trả gốc, còn các bệnh viện trả lãi. Nhưng dù lãi suất ưu đãi vẫn là điều đắn đo của các bệnh viện. Bác sĩ Đa Hà nói thêm: “Số tiền vay của bệnh viện là 40 tỷ đồng. Nếu tính lãi suất ưu đãi là 10%, mỗi năm bệnh viện phải trả 4 tỷ đồng lãi từ quỹ phát triển sự nghiệp, trong khi quỹ này mỗi năm bệnh viện chỉ thu được 5 tỷ đồng”.
Với 4 dự án, Đồng Nai là tỉnh có số dự án bệnh viện vệ tinh nhiều nhất của cả nước. Đây là cơ hội và cũng là thách thức cho Đồng Nai. Vì vậy, khó khăn về vốn cần được giải quyết, không thể để dự án này phá sản.
Phương Liễu