Báo Đồng Nai điện tử
En

Thi tốt nghiệp THPT năm học 2014: Chọn phương án nào?

11:01, 05/01/2014

Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo mới nhất về một số điều chỉnh phương án thi và công nhận tốt nghiệp trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Theo đó, học sinh chỉ phải thi 4 môn, thay vì thi 6 môn như những năm trước.

Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo mới nhất về một số điều chỉnh phương án thi và công nhận tốt nghiệp trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014.

Theo đó, có 2 phương án mới được đưa ra và học sinh chỉ phải thi 4 môn thay vì thi 6 môn như những năm trước.

* ChỈ thi 4 môn

Phương án 1 được Bộ GD-ĐT đưa ra là thí sinh chỉ thi 4 môn thay vì 6 môn như trước kia, gồm 2 môn thi bắt buộc là Toán và Ngữ văn. 2 môn còn lại  do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử.

Thí sinh vui mừng sau khi thi môn Địa lý kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013 tại Trường THPT Nguyễn Trãi, TP. Biên Hòa.
Thí sinh rà soát lại thông tin cá nhân trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013.

 Với phương án này, Ngoại ngữ là môn khuyến khích. Học sinh có thể đăng ký thi môn Ngoại ngữ (đề ra theo chương trình 7 năm hiện hành) để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tốt nghiệp. Nếu bài thi môn Ngoại ngữ đạt 9 điểm trở lên được cộng 2 điểm; đạt 7 điểm trở lên được cộng 1,5 điểm; đạt 5 điểm trở lên được cộng 1 điểm.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển:

“Sau khi thảo luận, Bộ nghiêng về phương án 1, bởi phương án 2 đã lạc hậu. Nếu có sự đồng tình của dư luận thì phương án 1 có thể áp dụng được ngay trong năm 2014, vì thời gian từ nay đến khi thi tốt nghiệp còn dài. Bộ sẽ tiếp nhận ý kiến của xã hội đến tháng 3, sau đó quyết định và ban hành quy chế. Đề thi nằm trong chuẩn kiến thức kỹ năng đã được học nên hoàn toàn không ảnh hưởng đến thí sinh”.

Ông Trần Đình Vinh, Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT), cho rằng nếu thi 4 môn cả giáo viên, thí sinh, phụ huynh sẽ đỡ áp lực hơn. Trong điều kiện dạy, học môn Ngoại ngữ chưa được đồng đều giữa các vùng miền, địa phương như hiện nay thì việc cộng điểm khuyến khích sẽ khích lệ tinh thần học ngoại ngữ của học sinh. Kết quả thi này sẽ phản ánh đúng thực chất trình độ, năng lực ngoại ngữ của học sinh, giúp Bộ GD-ĐT cũng như các trường có thời gian để điều chỉnh việc dạy, học ngoại ngữ đi vào chiều sâu, nâng cao khả năng thực hành, sử dụng được ngoại ngữ như một công cụ hữu ích.

Em Nguyễn Thị Thanh Tâm, lớp 12A6 Trường THPT Long Khánh, cho hay: “Nếu được thi 4 môn thì chúng em đỡ vất vả hơn nhiều so với trước. Mặt khác, được chọn 2 môn thi còn lại giúp chúng em chủ động trong việc học tập, được chọn những môn mình học tốt chứ không phải thấp thỏm chờ đợi  rồi học chạy như trước kia. Như vậy, kết quả thi chắc chắn sẽ cao hơn. Em sẽ chọn 2 môn Địa lý, Vật lý và đăng ký thi thêm Ngoại ngữ”.

Theo dự đoán của nhiều giáo viên ở Đồng Nai, nếu Bộ GD-ĐT tổ chức thi tốt nghiệp theo phương án này thì hầu hết học sinh sẽ chọn thi thêm môn Ngoại ngữ. Bởi lẽ ngoài một bộ phận học sinh học chuyên ngoại ngữ, có năng lực thực sự thì với đề thi tốt nghiệp môn này, rất nhiều học sinh dễ dàng kiếm điểm 7-9 để được cộng thêm điểm. Nếu đạt điểm thấp thì các em cũng không mất gì mà còn có thêm kiến thức cho bản thân. Như vậy, khi đó các em sẽ thi 5 môn chứ không phải 4 môn như dự tính của Bộ.

* Ngoại ngữ là môn bắt buộc

Phương án 2 được đưa ra là thí sinh thi 5 môn gồm 3 môn thi bắt buộc: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử. Với môn Ngoại ngữ, thí sinh hệ giáo dục thường xuyên và thí sinh hệ THPT không theo học hết chương trình hiện hành, hoặc có khó khăn về điều kiện dạy học sẽ được tự chọn một môn thi thay thế trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử sao cho không trùng với 2 môn tự chọn nói trên.

Thí sinh vui mừng sau khi thi môn Địa lý kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013 tại Trường THPT Nguyễn Trãi,  TP. Biên Hòa.
Thí sinh vui mừng sau khi thi môn Địa lý kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013 tại Trường THPT Nguyễn Trãi, TP. Biên Hòa.

Phương án này gần giống với cách thức thi tốt nghiệp trước đây. Ưu điểm là giảm số môn thi từ 6 còn 5 và học sinh được lựa chọn 2 môn thi còn lại ngay từ đầu năm học chứ không phải chờ đợi đến tháng 3 hàng năm khi Bộ công bố 3 môn thi còn lại như trước. Với phương án này, học sinh bắt buộc phải học môn Ngoại ngữ.

Ông Nguyễn Duy Phúc, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền (TP.Biên Hòa), bày tỏ: “Dự thảo được Bộ đưa ra góp phần thực hiện đề án đổi mới toàn diện GD-ĐT. Tuy nhiên, sự thay đổi cần có lộ trình cụ thể, không nên quá vội vàng dễ gây lúng túng cho các trường, phụ huynh và học sinh. Trước kia, Bộ muốn học sinh phải học đều tất cả các môn nên đến tháng 3 hàng năm mới công bố 3 môn thi tốt nghiệp còn lại. Nay lại cho phép thí sinh lựa chọn 2 môn thi còn lại thì tạo thuận lợi lớn cho học sinh. Các em sẽ chọn 2 môn mà mình học tốt để theo học, và học lệch là điều không thể tránh khỏi”.

Hình thức thi tốt nghiệp THPT:  Các môn Toán, Ngữ văn, Địa lý và Lịch sử thi theo hình thức tự luận. Các môn Vật lý, Hóa học và Sinh học thi trắc nghiệm. Môn Ngoại ngữ có 2 phần thi: trắc nghiệm và viết luận. Thời gian làm bài thi môn Toán và Ngữ văn là 150 phút; môn Địa lý, Lịch sử và Ngoại ngữ là 90 phút; môn Vật lý, Hóa học và Sinh học thi trong 60 phút.

Cũng theo ông Nguyễn Duy Phúc, cả 2 phương án thi đều được, tuy nhiên đề thi không nên đánh đố học sinh mà giảm tải bớt chương trình để tránh áp lực, căng thẳng từ nhiều phía. Tuy nhiên, lo ngại của rất nhiều trường tổ chức thi đó là việc cho phép các em tự chọn môn thi sẽ ít nhiều gây xáo trộn đến việc tổ chức ôn tập, tổ chức phòng thi. Điều đó đòi hỏi các nhà quản lý giáo dục phải có hoạch định cụ thể, chính xác để tránh sự lúng túng với phương pháp mới này.

Thầy Nguyễn Phi Nhật, giáo viên Địa lý, phụ trách công tác tư vấn tuyển sinh Trường THPT Xuân Lộc (huyện Xuân Lộc) thì cho biết: “Tôi tin rằng hầu hết học sinh sẽ chọn thi môn Ngoại ngữ để kiếm thêm điểm khuyến khích. Khi đó, phương án 1 sẽ trở thành thi 5 môn chứ không phải 4 môn như hoạch định. Vì vậy, nên đưa môn Ngoại ngữ là môn thi tự chọn vào phương án 1 sẽ hợp lý hơn. Nếu xét về mặt tâm lý, phương án 1 sẽ giảm được áp lực học tập cho cả học sinh, giáo viên, phụ huynh. Nhưng xét về mặt lâu dài, tôi sẽ chọn phương án 2, nên đưa Ngoại ngữ trở thành môn thi bắt buộc”.

Hạnh Dung

 

 

 

 

Tin xem nhiều