Trở thành một bác sĩ nhi khoa giỏi để xua tan nỗi đau bệnh tật, giữ mãi nụ cười thơ ngây, trong sáng của những thiên thần nhỏ bé là mục tiêu mà Huỳnh Thị Hồng Nhung (lớp 12 Sinh, Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh) đang hướng tới.
Trở thành một bác sĩ nhi khoa giỏi để xua tan nỗi đau bệnh tật, giữ mãi nụ cười thơ ngây, trong sáng của những thiên thần nhỏ bé là mục tiêu mà Huỳnh Thị Hồng Nhung (lớp 12 Sinh, Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh) đang hướng tới.
Sinh viên tình nguyện Đồng Nai xây nhà tình thương cho người nghèo tại huyện Xuân Lộc. |
Hồng Nhung kể: “Hồi học lớp 7, em trai gần 1 tuổi bị sốt cao, dùng thuốc hạ nhiệt nhưng không đỡ, cha mẹ phải đưa vào bệnh viện trong sự lo lắng. Từ lúc đó, em mơ ước sau này lớn lên nhất định sẽ trở thành một bác sĩ giỏi để kịp thời cứu chữa cho các em nhỏ”.
* Vun đắp ước mơ
Để thực hiện ước mơ đó, Hồng Nhung đang nỗ lực học tập để có thêm nhiều kiến thức, phấn đấu thi đậu vào Trường đại học y dược TP.Hồ Chí Minh trong kỳ thi đại học năm 2014. Đồng thời tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, rèn luyện sức khỏe và kỹ năng mềm cần thiết cho cuộc sống trong tương lai.
Không riêng gì Hồng Nhung mà rất nhiều học sinh, sinh viên khác đang sinh sống và học tập tại Đồng Nai cũng đang ấp ủ trong mình những ước mơ, hoài bão, lý tưởng sống cao đẹp. Đó là những sinh viên đam mê sáng tạo robocon của Trường đại học Lạc Hồng không chùn bước trước khó khăn, thử thách, mà luôn tìm tòi, phát huy sáng tạo. Họ đại diện cho sinh viên Việt Nam đi thi đấu tại các đấu trường khu vực và quốc tế, đem về những giải thưởng rất đáng tự hào.
Hay cô sinh viên Nguyễn Trần Thủy Tiên (Trường đại học Đồng Nai), là người khiếm thính đầu tiên của Việt Nam được nhận học bổng cao học do một trường đại học danh tiếng tại Hoa Kỳ trao tặng. Đó là thành quả của những cố gắng không mệt mỏi, dám vươn lên, vượt qua khiếm khuyết của bản thân để chạm tay tới những điều tốt đẹp phía trước. Học bổng là cơ hội để Thủy Tiên trau dồi, học hỏi thêm nhiều kiến thức về ngôn ngữ ký hiệu chuẩn quốc tế, những kỹ năng sống cần thiết đối với người khiếm thính. Và đặc biệt sau khi hoàn thành chương trình cao học, Thủy Tiên sẵn sàng quay trở về Việt Nam để truyền đạt những kiến thức quý báu mình học được cho các sinh viên khiếm thính khác.
* Sống có ích
Trong những năm qua, phong trào học sinh, sinh viên tại Đồng Nai đã có những bước phát triển tích cực, tạo được dấu ấn và sức lan tỏa sâu rộng. Các đoàn viên đã tham gia nhiều hoạt động thiết thực, chăm lo đến đời sống của nhân dân vùng sâu, vùng xa, như: xây dựng nhà tình thương, làm đường, kéo đường điện thắp sáng, góp đá xây Trường Sa… thi đua làm nghìn việc tốt theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Nhà giáo nhân dân Đỗ Hữu Tài, Hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng: “Để có một đội ngũ học sinh, sinh viên vừa “hồng” vừa “chuyên”, các tổ chức Đoàn, Hội trong nhà trường phải tạo được môi trường sinh hoạt lành mạnh, bổ ích về mọi mặt; đổi mới phương thức hoạt động, xuất phát từ nhu cầu thực tế của học sinh, sinh viên phù hợp với quá trình đổi mới toàn diện GD-ĐT. Bản thân mỗi học sinh, sinh viên phải thắp lên tinh thần học tập suốt đời, phát huy tính sáng tạo, năng động, gương mẫu, chủ động nắm bắt tri thức mới, rèn luyện đạo đức, hiểu và sống, lao động theo Hiến pháp và pháp luật. Đặc biệt, trong thời đại mới, các em phải giỏi ngoại ngữ, tin học để tự tin hội nhập, đóng góp công sức vào sự phát triển chung của đất nước”. |
“Việc tham gia các hoạt động Đoàn, Hội giúp mình tự tin khi nói chuyện trước đám đông. Mình trở nên nhanh nhẹn, hoạt bát, năng động, vui vẻ hơn so với việc chỉ học và chơi như trước kia. Được giúp đỡ các bạn học sinh trong các đợt tiếp sức mùa thi khiến mình thấy sống có ích hơn” - Nguyễn Đức Long, sinh viên 5 tốt của Trường đại học Lạc Hồng, chia sẻ. Trong tương lai, Đức Long mong muốn trở thành một kiểm toán viên giỏi, góp phần làm hạn chế tình trạng tham nhũng, lãng phí như hiện nay.
Ông Lê Minh Hoàng, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết ngoại trừ một bộ phận rất nhỏ học sinh, sinh viên có tư tưởng, lối sống lệch lạc, ham hưởng thụ, thì có rất nhiều học sinh, sinh viên đang mang trong mình những lý tưởng, ước mơ cao đẹp. Điều này có được một phần là do việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong nhà trường không chỉ thông qua môn Chính trị, Giáo dục công dân hay Đạo đức, mà đã tích hợp được tất cả các môn học và là trách nhiệm của giáo viên đứng lớp.
Hạnh Dung