Báo Đồng Nai điện tử
En

Mùa làm mai giấy

10:01, 22/01/2014

Mỗi dịp Tết Nguyên đán về, người dân ở ấp Quảng Biên (xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom) lại cung cấp cho thị trường hàng ngàn cành mai giấy phục vụ trang trí tết tại các quán cà phê, nhà hàng ở TP.Biên Hòa và TP.Hồ Chí Minh.

Mỗi dịp Tết Nguyên đán về, người dân ở ấp Quảng Biên (xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom) lại cung cấp cho thị trường hàng ngàn cành mai giấy phục vụ trang trí tết tại các quán cà phê, nhà hàng ở TP.Biên Hòa và TP.Hồ Chí Minh.

Nghề làm cành mai giấy chỉ hoạt động vào tháng Chạp (âm lịch), nhưng đủ để nhiều gia đình có tiền trang trải một cái tết tươm tất, đủ đầy.

* Những cành mai nở sớm

Gia đình ông Trần Ngọc Thịnh ở ấp Quảng Tiến làm nghề sản xuất cành mai giấy đến nay đã được 4 năm. Ông Thịnh vui vẻ cho hay:“Mai vàng phương Nam phải chờ đúng dịp Tết Nguyên đán mới nở rộ, còn mai giấy ở Quảng Biên thì cứ đầu tháng Chạp âm lịch là đã đua nhau khoe sắc rồi”.

Sinh viên Trường đại học lâm nghiệp (cơ sở 2) làm mai giấy cho một gia đình tại ấp Quảng Biên.
Sinh viên Trường đại học lâm nghiệp (cơ sở 2) làm mai giấy cho một gia đình tại ấp Quảng Biên.

Vào mỗi dịp cuối năm, gia đình ông Thịnh thường xuất bán ra thị trường từ 200-250 cành mai giấy, giá mỗi cành từ 300-350 ngàn đồng. Sau khi trừ chi phí mua cành cây, bông giấy, tiền công gắn bông và thuê xe vận chuyển… gia đình ông Thịnh còn lời khoảng 17- 20 triệu đồng.

Anh Duy Ngọc Nguyên là một ông chủ trẻ với nghề ươm cây công trình, cây trồng rừng. Mấy năm trở lại đây, dịp cuối năm anh Nguyên lại quay sang làm thêm nghề sản xuất cành mai giấy. Anh Nguyên khoe: “Tết Giáp Ngọ này, gia đình tôi may mắn trúng đơn đặt hàng 600 cành mai giấy, cả nhà đang phải tất bật chuẩn bị cành cây khô, đồng thời lên Chợ Lớn (TP.Hồ Chí Minh) mua bông mai giấy về gắn lên cành khô”.

Để có những cành mai giấy đẹp mắt, làm hài lòng khách hàng, từ giữa năm các gia đình làm nghề mai giấy đã phải rậm rịch chuẩn bị cành, đến cuối tháng 11 thì chặt hạ cành để phơi khô. Những cành dư thừa nhánh sẽ được cắt tỉa bớt, hoặc uốn cho có “thế”. Một cành mai đẹp cao từ 1,5-2m, tán rộng đủ 2 người ôm cần tới 2 ngàn nụ, bông, lá non. Mỗi dây gắn bông phải “kín”, hoa giấy phải được gắn đều để người ngắm không có cảm giác đó là mai giả. Một cành mai giấy khi hoàn thành phải mất thời gian khoảng 2 tiếng đồng hồ làm việc liên tục.

* Làm đẹp cho mùa xuân

Gia đình anh Phạm Đức Toàn đã chuẩn bị được trên 100 cành khô dùng làm cành mai giấy cho Tết Giáp Ngọ. Theo anh Toàn, nghề này không thể giúp anh trở thành “triệu phú” vì nó chỉ hoạt động một tháng trong năm, nhưng cũng đủ để gia đình có một khoản tiền đón một cái tết tươm tất. Tết nào có nhiều khách đặt hàng thì lời được mươi triệu, ít cũng được 5- 7 triệu đồng.

Anh Duy Ngọc Nguyên: “Ở Quảng Biên chúng tôi không chỉ có nghề làm cành mai giấy mà còn có cả nghề làm cây tuyết để trang trí dịp Noel. Nghề mới có cách đây vài năm, nhưng dần có tiếng với nhiều khách hàng tại TP.Hồ Chí Minh”.

Anh Hoàng Thanh Sang, chủ quán cà phê Hoàng Hạc (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa), cho hay mỗi dịp Tết Nguyên đán, biểu tượng của mùa xuân đồng thời cũng là biểu tượng của đất phương Nam chính là cành mai vàng. Bên cạnh một chậu mai vàng thật, anh Sang còn dùng nhiều cành mai giấy để trang trí ở phía trước quán, tạo thêm sự thu hút đối với khách. Nhờ có những cành mai giấy mà không khí đón xuân tại quán thêm rộn ràng hơn, nhiều khách hàng tỏ ra thích thú khi vừa cùng bạn bè thưởng thức cà phê, chia sẻ những câu chuyện vui ngày tết, vừa ngắm hoa mai vàng nở rộ khắp không gian quán.

Vào tháng Chạp âm lịch, các gia đình sản xuất mai giấy ở Quảng Biên thường sáng đèn tới 11-12 giờ đêm, thậm chí thức tới 2 giờ sáng để kịp đáp ứng mai giấy cho khách hàng mang về trang trí. Chị Đặng Thị Kim Dung, chủ một cơ sở sản xuất cành mai giấy ở đây, cho biết: “Nhìn những cành mai vàng đua sắc, ai nấy đều suy nghĩ tết sắp về, không khí xuân rộ trên mỗi chuyến xe chở cành mai giấy đi tiêu thụ nên sự mệt nhọc cũng vơi đi phần nào”.

Công Nghĩa

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều