Báo Đồng Nai điện tử
En

Người khuyết tật hòa nhập cộng đồng

09:12, 03/12/2013

Bị khiếm khuyết cơ thể, người khuyết tật (NKT) phải đối mặt với nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Bằng ý chí và nghị lực của bản thân, thời gian qua đã có không ít điển hình NKT vươn lên hòa nhập cộng đồng, từng bước khẳng định mình, góp phần vào sự phát triển của địa phương.

Bị khiếm khuyết cơ thể, người khuyết tật (NKT) phải đối mặt với nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Bằng ý chí và nghị lực của bản thân, thời gian qua đã có không ít điển hình NKT vươn lên hòa nhập cộng đồng, từng bước khẳng định mình, góp phần vào sự phát triển của địa phương.

* Không ngừng nỗ lực…

Tuổi đời còn khá trẻ, nhưng Lê Thị Mỹ Hạnh, xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom) đã làm chủ một cơ sở xoa bóp bấm huyệt y học cổ truyền tại nhà. Khi được 4 tháng tuổi, sau một cơn bệnh nặng, đôi mắt của Hạnh không còn nhìn thấy được nữa. Không thể đến trường như các bạn, Mỹ Hạnh học chữ Braille tại Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh và hết lớp 9 thì học nghề xoa bóp bấm huyệt tại Trường cao đẳng y tế Đồng Nai. Sau khi học nghề, Mỹ Hạnh đi làm thuê cho các cơ sở cách nhà 20km với thu nhập khoảng 1,8 triệu đồng/tháng. Năm 2012, sau khi được tiếp cận dự án của Handicap, Mỹ Hạnh được hỗ trợ vốn và mở cơ sở xoa bóp,  bấm huyệt tại nhà với thu nhập từ 2,5-3,5 triệu đồng/tháng. Mỹ Hạnh chia sẻ, khác hẳn với đi làm thuê, giờ mỗi ngày Hạnh không phải mất cả tiếng đồng hồ đi xe buýt, có thời gian nghỉ ngơi, tham gia các chương trình giải trí, thu nhập lại cao hơn, không phải xa gia đình. Không chỉ nỗ lực làm việc để có thu nhập nuôi sống bản thân, giúp đỡ gia đình, nhiệt tình tham gia công tác Hội Người mù của huyện, mà từ năm 2007 Mỹ Hạnh còn là vận động viên điền kinh cự ly 100m và 200m, giành 6 huy chương vàng cấp tỉnh, 1 huy chương vàng toàn quốc.

Người khuyết tật chia sẻ tại diễn đàn.
Người khuyết tật chia sẻ tại diễn đàn.

Phải đi lại bằng chiếc nạng gỗ, nhưng chị Vũ Thị Thu Ngân, xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) có may mắn còn nguyên vẹn đôi bàn tay và cặp mắt sáng. Với lợi thế ấy, chị đã chọn cho mình nghề may áo dài để ổn định cuộc sống và xóa bỏ mặc cảm. Nhưng để có được nghề, bản thân chị đã phải vượt qua biết bao gian nan. Chị Thu Ngân cho biết, lúc đầu may bị mọi người chê nên chị quyết tâm cải thiện bằng cách học hỏi thêm từ những người làm nghề lâu năm, lên TP. Biên Hòa học thêm kỹ thuật may áo dài. Mới đây,  khi biết tâm nguyện của chị muốn học thêm nghề thêu vẽ trên áo dài, dự án Handicap đã giúp chị học thêu. Đến nay, tiệm may của chị hoạt động ổn định và ngày càng có thêm khách hàng. Sau khi trừ chi phí, chị có được khoảng 3 triệu đồng/tháng để trang trải cuộc sống.

* …Và sự chung tay của cộng đồng

Nhằm góp phần giảm nghèo và hỗ trợ cho NKT hòa nhập cộng đồng xã hội, Dự án “Việc làm và an sinh xã hội cho NKT” do Sở Lao động - thương binh và xã hội phối hợp với Tổ chức Handicap triển khai tại 3 huyện: Xuân Lộc, Trảng Bom và Long Thành đã và đang giúp cho 170 NKT được học nghề, có việc làm, khởi sự sản xuất - kinh doanh và được bảo trợ trong việc tiếp cận với những hoạt động trợ giúp từ cộng đồng.

Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước chung tay góp sức, cùng với tỉnh tham gia trợ giúp người khuyết tật về kinh phí, kỹ thuật, như: Unicef Việt Nam, Hội Trợ giúp NKT Việt Nam, các tổ chức từ thiện, một số doanh nghiệp trong tỉnh giúp NKT trong việc khám chữa bệnh, học văn hóa, học nghề, việc làm, trợ giúp vốn sản xuất… nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

Qua kết quả khảo sát của dự án Handicap, có đến 80% người khuyết tật có nhu cầu được khám chữa bệnh, chăm sóc về y tế; 20% có nguyện vọng được học văn hóa; 40% có nhu cầu được hỗ trợ vốn sản xuất - kinh doanh; 30% có nhu cầu học nghề và giải quyết việc làm; 30% có nhu cầu tiếp cận công trình giao thông, công trình công cộng, văn hóa - thể thao, nhà ở và các vấn đề an sinh khác…

Cùng mục đích này, UBND tỉnh đã có đề án trợ giúp người tàn tật, giúp họ tiếp cận được các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục - thể thao, học nghề, dịch vụ việc làm, thành lập tổ chức NKT vươn lên và các dịch vụ an sinh xã hội cũng như các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Và mới đây nhất, Luật NKT chính thức ban hành có tác động tích cực đến nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng. Từ đây, nhiều chế độ chính sách ưu tiên được triển khai mang lại hiệu quả. Ông Nguyễn Hữu Thành, Chi cục trưởng Chi cục Bảo trợ xã hội  - bảo vệ, chăm sóc trẻ em tỉnh, cho biết toàn tỉnh hiện có trên 15.600 NKT được hưởng chế độ bảo trợ xã hội thường xuyên, khoảng 1.600 người được học nghề và tạo việc làm, trên 1.200 người được cấp thẻ xe buýt miễn phí…

Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Hữu Thành, khó khăn mà NKT hiện nay đang gặp phải đó chính là sự phân biệt, kỳ thị, khó tiếp cận các công trình công cộng, giao thông, vui chơi giải trí… Để khắc phục tình trạng này, ông Thành cho rằng cần phải nâng cao chất lượng tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đẩy mạnh công tác tư vấn, truyền thông để NKT xóa bỏ mặc cảm, tự ti tham gia vào các hoạt động của xã hội. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể cần tiếp tục tuyên truyền, giáo dục mọi người hiểu và chia sẻ, giúp cho NKT hòa nhập cộng đồng xã hội tốt hơn.

Nguyễn Tuyết

 

 

 

Tin xem nhiều