Đó là em Vũ Ngọc Diệp, lớp 5/2 Trường tiểu học Phước Bình (huyện Long Thành). Nhìn vở Mỹ thuật và những bức hình Diệp vẽ, không ai nghĩ rằng nó được vẽ bởi một cô bé bị khuyết tật tứ chi.
Đó là em Vũ Ngọc Diệp, lớp 5/2 Trường tiểu học Phước Bình (huyện Long Thành). Nhìn vở Mỹ thuật và những bức hình Diệp vẽ, không ai nghĩ rằng nó được vẽ bởi một cô bé bị khuyết tật tứ chi (ảnh).
Chị Đỗ Thị Liễu, mẹ Diệp kể: “Năm 3 tuổi, Diệp bị sốt bại liệt. Đưa cháu đi bệnh viện, bác sĩ bảo bị viêm họng, rồi viêm màng não co giật, từ đó đôi chân bị liệt không đi được. Lúc đó, gia đình có bao nhiêu tiền của, đất đai đều góp lại đưa Diệp đi khám, chữa ở khắp nơi. Đến bây giờ, gia sản đã không còn gì nhưng chân tay Diệp vẫn co giật, bước đi khó khăn và rất nặng nề”.
Ba mất từ khi Diệp 3 tháng tuổi, một mình mẹ lận đận nuôi 2 con gái học hành. Đất đã bán hết, giờ ai mướn gì chị Liễu làm nấy, thu nhập bấp bênh không đủ để chi phí cho đứa con gái đầu học lớp 10 và gần 3 triệu đồng/tháng để mua thuốc cho Diệp. Ở trường, Diệp học theo chương trình của trẻ khuyết tật hòa nhập. “Tay em hoạt động khó nên lần nào viết bài cũng chậm hơn các bạn khác. Môn nào viết không kịp, em lại mượn vở của các bạn trong lớp về nhà chép và học bài” - Diệp chia sẻ.
Điều đặc biệt ở cô bé này là em rất ham vẽ. Diệp có thể vẽ mọi lúc, mọi nơi không chán. Ước mơ trở thành họa sĩ và nhà thiết kế thời trang để thiết kế những bộ quần áo, váy đẹp cho mọi người luôn là động lực để thúc đẩy Diệp vượt qua nỗi đau, bệnh tật. Sáng học trên trường, buổi chiều, Diệp học bài, làm bài tập ở nhà. Toàn bộ thời gian sau đó, Diệp dành cho đam mê hội họa. “Cháu xem ti vi, thấy bộ quần áo nào đẹp là nhớ liền và vẽ lại giống y hệt. Vẽ là nguồn vui để cháu vượt qua tất cả” - chị Liễu bộc bạch.
Hạnh Dung