Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng trường học thông minh

10:10, 28/10/2013

Giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy đạt hiệu quả, học sinh được tương tác trực tiếp với bài giảng điện tử, ban giám hiệu quản lý chặt chẽ từng giáo viên, lớp học thông qua hệ thống internet... là mô hình của lớp học thông minh, trường học thông minh mà Đồng Nai đang hướng tới.

Giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy đạt hiệu quả, học sinh được tương tác trực tiếp với bài giảng điện tử, ban giám hiệu quản lý chặt chẽ từng giáo viên, lớp học thông qua hệ thống internet... là mô hình của lớp học thông minh, trường học thông minh mà Đồng Nai đang hướng tới.

UBND tỉnh vừa lựa chọn Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (TP. Biên Hòa) là trường điểm để triển khai đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, quản lý”, từ đó làm tiền đề để triển khai đề án “Trường học thông minh” vào năm 2014.

* Sinh động bài giảng điện tử

“Trước khi soạn bài, tôi tìm tài liệu, lên kịch bản hình ảnh, âm thanh, nội dung rồi tiến hành thu âm bài giảng tại phòng thu âm của nhà trường hoặc tại nhà, sau đó xử lý kỹ thuật, cắt, ghép sao cho trùng khớp với nội dung bài giảng. Sau khi tổ chuyên môn thẩm định nội dung kỹ càng, chúng tôi mới tiến hành dạy trên lớp hoặc đưa thông tin lên mạng”, thầy Hà Tân Hòa, giáo viên môn Vật lý chia sẻ về quy trình cho ra đời bài giảng điện tử.

Học sinh lớp 12A1 Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh hào hứng trong giờ thực hành môn Tin học
Học sinh lớp 12A1 Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh hào hứng trong giờ thực hành môn Tin học

Gần 4 năm qua, bằng việc sử dụng 2 phần mềm Lecture Maker và Adobe Presenter 7.0 để soạn bài theo chuẩn E-learning, các tiết dạy của thầy Hòa trở nên sinh động, lôi cuốn, hấp dẫn  học sinh. Đặc biệt, các nội dung liên quan đến hiện tượng vật lý, thầy Hòa đã ứng dụng công nghệ thông tin làm cho bài học dễ hiểu, đỡ nhàm chán. 

Sau khi có bài giảng điện tử hoàn chỉnh, các giáo viên kết nối trực tiếp giữa máy vi tính với màn hình LCD lớn để giảng dạy trên lớp. Trường hợp thời gian trên lớp hạn chế, học sinh có thể copy bài giảng điện tử của thầy cô giáo về nhà để học bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu như đang được học trực tiếp với giáo viên trên lớp.

“Thầy cô tạo một địa chỉ email riêng cho từng lớp. Sau mỗi bài học, thầy cô tải thông tin lên mạng để chúng em có thể tải về máy tính học. Nếu muốn hỏi hay trao đổi thông tin gì thì có thể trình bày qua email để thầy cô trả lời, nhờ đó mà em dễ hiểu bài hơn. Những môn, như: Toán, Vật lý, Lịch sử, Anh văn mà học trên màn hình ti vi LCD thì rất dễ hiểu, dễ nhớ, đặc biệt là hình học không gian và các trận đánh lịch sử”, em Nguyễn Hoàng Phương Nam, lớp 12A1 chia sẻ.

* Phủ sóng wifi toàn trường

Việc phủ sóng wifi toàn trường nhằm mục đích giúp các thầy cô giáo, học sinh có thể dễ dàng truy cập, tìm kiếm thông tin, hình ảnh, tài liệu cho bài giảng, bài học mình cần một cách nhanh nhất.

Hiện tại, Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh có 3 phòng học vi tính với 70 máy đều kết nối internet để phục vụ cho việc dạy, học môn Tin học. Sở GD-ĐT cũng trang bị cho trường 48 bộ máy vi tính, tai nghe... để nâng cao chất lượng dạy và học môn Tiếng Anh; 2 bộ máy hiện đại khác được đặt tại phòng thí nghiệm Vật lý và Tin học để ứng dụng công nghệ thông tin vào kiểm tra, xử lý các thí nghiệm…

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Trí: “Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh có đội  ngũ cán bộ, giáo viên cơ bản đáp ứng được yêu cầu của đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, quản lý”. Thời gian tới, tỉnh sẽ  đầu tư  một số hạng mục với kinh phí hơn 2 tỷ đồng để trường mua sắm, nâng cấp trang thiết bị, máy móc hiện đại, đồng bộ trong các lớp học thông minh”.

Giáo viên Tin học Lê Thị Dung cho hay sau khi học lý thuyết, các em sẽ đến phòng máy để thực hành hoặc vừa học lý thuyết vừa thực hành. Nhà trường sử dụng phần mềm để kết nối máy chủ của giáo viên với tất cả các máy tính của học sinh. Qua đó, thay vì phải hướng dẫn các em trên bảng, giáo viên có thể gửi nội dung bài học, yêu cầu thực hành tới từng máy. Học sinh có thể tương tác, hỏi, trao đổi bài vở trực tiếp với giáo viên và ngược lại.

* Quản lý hiện đại

Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh hiện có 29 lớp, 1.238 học sinh với 69 cán bộ, công nhân viên. 100% giáo viên có kiến thức tin học trình độ A trở lên, 11 giáo viên thành thạo và có khả năng hướng dẫn các giáo viên khác kỹ năng soạn bài giảng điện tử theo chuẩn.

Để công tác quản lý, điều hành đạt hiệu quả cao nhất, thầy Phan Quang Vinh, Hiệu trưởng nhà trường đã ứng dụng phần mềm Google Apps (điện toán đám mây). Qua đây, các giáo viên cùng nhau xây dựng, chia sẻ lịch công tác, lịch báo giảng, tài liệu chuyên môn một cách nhanh chóng. Các tổ chuyên môn có thể họp, trao đổi, thảo luận vấn đề liên quan đến hoạt động chuyên môn thông qua trang web mà không cần phải trực tiếp gặp nhau.

“Thứ 7 hàng tuần, các giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm gửi báo cáo về tình hình lớp học; các tổ trưởng tổ bộ môn gửi báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ trong tuần đầy đủ đến Ban giám hiệu thông qua e-mail. Nhờ đó mà Ban giám hiệu nắm bắt được tình hình hoạt động của giáo viên, học sinh để biết cách điều chỉnh, bổ sung những điều còn khiếm khuyết” - thầy Phan Quang Vinh chia sẻ.

Hạnh Dung

 

 

 

Tin xem nhiều