Báo Đồng Nai điện tử
En

Thất nghiệp ngại học nghề

08:10, 15/10/2013

Tròn 4 năm triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Đồng Nai đã có 92 ngàn/gần 2,6 triệu lượt người tham gia được hưởng chế độ khi thất nghiệp.

Tròn 4 năm triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Đồng Nai đã có 92 ngàn/gần 2,6 triệu lượt người tham gia được hưởng chế độ khi thất nghiệp.

Theo Phòng BHTN (Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh), số người hưởng BHTN mỗi năm một đông, nhưng số người đăng ký học nghề để có cơ hội việc làm tốt hơn lại rất ít.

* Ngại học nghề

Đến Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh đăng ký thất nghiệp, được cán bộ trung tâm tư vấn phương án học nghề, thế nhưng chị Đinh Thị Loan (Công ty TNHH Fashion Garments, Khu công nghiệp Biên Hòa 2) vẫn lắc đầu từ chối. Chị Loan cho biết, chị đã đóng đủ 3 năm BHTN nên chỉ muốn lãnh tiền để  xài, việc học nghề không cần thiết, vì vừa tốn thời gian lẫn tiền bạc, mức hỗ trợ học nghề 300 ngàn/tháng cũng chẳng thấm vào đâu.

Cán bộ Phòng Bảo hiểm thất nghiệp bên hồ sơ đăng ký thất nghiệp quý III-2013.
Cán bộ Phòng Bảo hiểm thất nghiệp bên hồ sơ đăng ký thất nghiệp quý III-2013.

Anh Nguyễn Thanh Phương (Công ty cổ phần bê tông 6, TX.Dĩ An, Bình Dương) đã chốt sổ bảo hiểm xã hội để xin hưởng BHTN, cho biết anh đã tìm hiểu nghề mà những người thất nghiệp như anh có thể tham gia học, tuy nhiên không có nghề nào phù hợp. Theo anh Phương, số nghề dạy cho người học hiện còn quá ít, trong đó nghề sửa máy may công nghiệp thì không phù hợp với anh, nghề tin học anh lại lo học xong sẽ không xin được việc làm. Trong khi đó, những nghề, như: nấu ăn, làm bánh, làm móng, trang điểm... chỉ phù hợp với nữ giới hoặc thanh niên. “Khi đang học nghề mà tìm được việc thì lại bỏ dở việc học cũng uổng. Thôi cứ lãnh tiền BHTN về cho chắc ăn, học nghề tính sau” - anh Phương nói.

Muốn không thất nghiệp phải có nghề

Ông Huỳnh Ngọc Long, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, cho biết những người có nghề trong tay thường có có điều kiện làm việc và thu nhập tốt hơn. Người lao động nên coi việc học nghề và có nghề là “chìa khóa” tốt nhất cho cả cuộc đời, đặc biệt việc học nghề hiện nay đã được Nhà nước hỗ trợ kinh phí.

Theo một cán bộ của Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh, thời gian qua các phòng của trung tâm đã phối hợp để cùng thay đổi phương thức tư vấn giới thiệu việc làm và dạy nghề cho người đến đăng ký thất nghiệp và xin hưởng BHTN, nhưng kết quả vẫn chưa được như mong muốn. “Người thất nghiệp đã đóng BHTN rồi chỉ muốn lĩnh tiền để xài. Đó là quyền lợi của họ, trong khi cán bộ tư vấn muốn giúp đỡ họ có việc làm mới hoặc cơ hội việc làm tốt hơn thông qua học nghề” - cán bộ này nói.

* Chồng chất khó khăn

Theo bà Nguyễn Thị Đoan Trang, phụ trách Phòng đào tạo (Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh), việc dạy nghề cho người thất nghiệp đã tham gia BHTN lâu nay vẫn chồng chất khó khăn, do tâm lý người thất nghiệp không mấy mặn mà với việc học nghề. Bà Trang cho biết, cả năm 2010 chỉ có duy nhất 1 người thất nghiệp đăng ký học nghề, năm 2011 tăng lên được 6 người. Từ đầu năm 2012 đến nay, tình hình có cải thiện chút ít. Cụ thể, năm 2012 có 590 người đăng ký, nhưng chỉ có 78 người học (đạt 13,22%). 9 tháng của  năm 2013 có 888 người đăng ký, nhưng chỉ có 341 người học (đạt 38,4%).

Tăng mức hỗ trợ mới về học nghề

Theo Quy định số 55/2013 của Thủ tướng Chính phủ, kể từ ngày 1-12-2013 tới đây, mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được điều chỉnh tăng. Cụ thể, người đang hưởng BHTN học nghề thời gian 3 tháng sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng. Đối với người học nghề kéo dài 6 tháng sẽ được hỗ trợ 600 ngàn đồng/tháng. Kinh phí do Bảo hiểm xã hội thanh toán.

Ông Nguyễn Dương Hoàng Hiển, Giám đốc nhân sự Công ty dạy nghề ẩm thực và thẩm mỹ Rosa (TP.Biên Hòa), đơn vị phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh để dạy nghề cho những người hưởng BHTN, cho hay có khóa học công ty phải bỏ tiền túi để bù lỗ do người học bỏ dở khóa học và phải nhập hai lớp vào một vì không còn đủ học viên. “Việc người học bỏ dở, công ty không hoàn thành việc đào tạo nghề cho những người thất nghiệp đã đành, việc thanh quyết toán kinh phí dạy nghề cũng gặp khó bởi người học học hết khóa thì công ty mới được thanh toán, trong khi đó công ty đã trót ký hợp đồng toàn khóa với giáo viên” - ông Hiển cho hay.

Theo bà Trần Thị Thùy Trâm, phụ trách Phòng BHTN, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng người hưởng BHTN thì nhiều nhưng người thất nghiệp học nghề lại hiếm hoi. Trong đó, có nhiều người khi thất nghiệp tuổi đã lớn, hoặc phải trông con nhỏ; nghề đào tạo hiện nay chưa phong phú, có nghề không phù hợp với người thất nghiệp, hoặc thị trường lao động không cần nhiều. Cũng có tình trạng nơi dạy nghề phải chờ đủ học viên mới khai giảng lớp học thì những người đăng ký trước đó không kiên nhẫn chờ đợi nên bỏ luôn. Mặt khác, do mức hỗ trợ học nghề trước đến nay chỉ có 300 ngàn đồng/tháng nên không hấp dẫn với người có nhu cầu học nghề, thậm chí các trung tâm dạy nghề cũng… chê.

Công Nghĩa

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích