Với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, các lớp phổ cập giáo dục tiểu học tại xã, phường là nơi để các em học chữ, học “làm người”. Tuy nhiên, các lớp học này hiện đang gặp không ít khó khăn.
Với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, các lớp phổ cập giáo dục tiểu học tại xã, phường là nơi để các em học chữ, học “làm người”. Tuy nhiên, các lớp học này hiện đang gặp không ít khó khăn.
Lớp phổ cập tiểu học của cô Nguyễn Thị Dư (phường Long Bình, TP. Biên Hòa). |
Theo số liệu của Phòng GD - ĐT TP. Biên Hòa, trong năm học vừa qua, toàn thành phố có 465 học sinh tham gia các lớp phổ cập giáo dục tiểu học. Những lớp học này được đưa về Trung tâm văn hóa - học tập cộng đồng quản lý và tổ chức lớp học, song thành phố mới chỉ có 7 xã, phường có trung tâm này. Ở những xã, phường không có trụ sở thì phải đi mượn địa điểm để tổ chức lớp học.
* Học chữ,học làm người
Từ Sóc Trăng lên Đồng Nai lập nghiệp hơn 2 năm nay, gia đình em Nguyễn Thị Thu Thảo (phường Long Bình) gặp khá nhiều khó khăn. Chính vì phải lo từng bữa ăn cho gia đình 4 người nên cha mẹ đành cho Thảo nghỉ học. Mới đây, cha mẹ tìm được việc làm ở một xưởng gỗ gần khu trọ, lương khoảng 80 ngàn đồng/ngày/người. Mức thu nhập này không cao nhưng so với trước cũng đỡ hơn phần nào. Công việc ổn định cũng là lúc cha mẹ nghĩ đến việc cho Thảo đi học lại. Nhưng trường ở xa, cha mẹ không có điều kiện đưa rước nên đăng ký cho em học ở lớp phổ cập tiểu học của phường. “Học ở đây vừa gần nhà, cha mẹ không phải đưa rước, đi học 1 buổi còn 1 buổi có thể phụ giúp việc nhà, lo cho các em để cha mẹ yên tâm đi làm” - Thảo nói.
“Chỉ cần có quỹ đất, kinh phí xây dựng, chúng tôi sẵn sàng cùng chính quyền thực hiện xã hội hóa để giúp các em có chỗ học và tổ chức các hoạt động học tập khác…” - bà Nguyễn Thị Dư, giáo viên phụ trách lớp phổ cập giáo dục tiểu học phường Long Bình, nói. |
Còn với trường hợp của em Lê Văn Điệp, năm nay học lớp 2 (phường Trảng Dài) thì do chưa có giấy khai sinh nên không xin được vào học ở trường công lập. Vì thế, cha mẹ đăng ký cho em học lớp phổ cập tiểu học tại phường. “Lớp học vào buổi tối nên ban ngày cháu có thời gian phụ giúp việc nhà. Nghe cháu kể, ở lớp thầy cô giáo ngoài dạy chữ, còn dạy cho các cháu kỹ năng sống khiến vợ chồng tôi thấy yên tâm hơn” - bà Trần Thị Chiên, mẹ Lê Văn Điệp nói.
Cũng như Thảo, Điệp, đa số các em tham gia lớp phổ cập giáo dục tiểu học đều là con công nhân, có thu nhập thấp, còn phải thuê nhà ở trọ. Những lớp học này đã đáp ứng được nhu cầu xóa mù chữ, cũng như trang bị cho các em kỹ năng sống cơ bản để trở thành người có ích cho xã hội.
* Còn nhiều khó khăn
Đến thăm lớp phổ cập tiểu học ở KP. 8 (phường Long Bình) mới thấm thía nỗi cực nhọc của cả cô và trò. Căn phòng được cải tạo từ 2 phòng trọ của gia đình bà Nguyễn Thị Dư, vừa chật chội vừa thiếu ánh sáng, chiếc bảng dạy học được chia làm 3 (dành cho 3 lớp học khác nhau). Điều kiện dạy và học còn khó khăn là vậy nhưng trong năm học vừa qua, bằng sự nỗ lực của cô và trò, 53 em tham gia lớp học (từ lớp 1 đến lớp 5) đều đủ điều kiện lên lớp. Bà Dư chia sẻ: “Để các em từ lớp 1 đến lớp 5 được học, tôi và 2 cô giáo nữa thay nhau dạy 2 ca; hôm nào mất điện các em phải nghỉ học thì ngày nghỉ phải học bù. Có những em nghỉ học 2-3 buổi thì tôi đến tận nhà tìm hiểu nguyên nhân, thuyết phục trở lại lớp học”.
Năm học mới này, số lượng học sinh đăng ký học trong các lớp phổ cập ở phường Long Bình tăng gấp đôi so với năm học trước, khiến cho việc tổ chức gặp nhiều khó khăn. Ông Phan Công Lệ, Phó giám đốc Trung tâm văn hóa - thể thao - học tập cộng đồng phường Long Bình, cho biết vì khó khăn về quỹ đất nên hiện tại phường vẫn chưa xây dựng được trụ sở Trung tâm văn hóa, thể thao - học tập cộng đồng. Vì thế, phường sẽ phải tiếp tục mượn địa điểm để tổ chức lớp học.
Bên cạnh đó, hiện nay các thầy cô giáo đứng lớp chủ yếu bằng tinh thần thiện nguyện, bởi mức trợ cấp đã không còn phù hợp. Theo văn bản số 2691 ngày 1-7-1999 của UBND tỉnh, định mức dành cho chương trình phổ cập tiểu học là 50 ngàn đồng/học viên. Trong đó, theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT thì 50 ngàn đồng/học viên này được sử dụng để chi cho việc tổ chức lớp học, mua sách vở, dụng cụ học tập cho giáo viên và học viên; thù lao cho giáo viên đứng lớp; tuyên truyền, khen thưởng... Thực tế cho thấy, định mức này đã không còn phù hợp nữa, cần được sự điều chỉnh. Được biết, Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa trong báo cáo hàng năm đều có kiến nghị này, nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin phản hồi.
Nga Sơn