Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát huy sáng kiến của nữ công nhân lao động

09:10, 07/10/2013

Trong số 208 lao động sản xuất trực tiếp vừa được UBND tỉnh và Liên đoàn Lao động tỉnh khen thưởng tại lễ tôn vinh công nhân lao động vừa qua có 41 điển hình là nữ.

Trong số 208 lao động sản xuất trực tiếp vừa được UBND tỉnh và Liên đoàn Lao động tỉnh khen thưởng tại lễ tôn vinh công nhân lao động vừa qua có 41 điển hình là nữ. Con số này chưa lớn, nhưng đã thể hiện  nỗ lực  của chị em trong việc phấn đấu bình đẳng với nam giới, phát huy những sáng kiến kỹ thuật vào sản xuất, làm lợi cho đơn vị  mình công tác.

Công nhân Nguyễn Ngọc Huyền, Công ty TNHH Pouchen Việt Nam, nhận bằng khen của UBND tỉnh tại hội nghị tôn vinh công nhân lao động vừa qua. Ảnh: N.Sơn
Công nhân Nguyễn Ngọc Huyền, Công ty TNHH Pouchen Việt Nam, nhận bằng khen của UBND tỉnh tại hội nghị tôn vinh công nhân lao động vừa qua.

Làm việc tại Công ty cổ phần dược phẩm Đồng Nai từ năm 1983, trải qua gần 10 năm gắn bó với bộ phận sản xuất, mới đây chị Trần Thị Mỹ Lệ được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Tổ chức hành chính, Phó chủ tịch Công đoàn công ty. Để đáp ứng với vị trí công việc mới, chị đã phải nỗ lực rất nhiều, nhất là từ năm 2006 công ty được cổ phần hóa.

* Tận tâm với công việc

Với phương châm “làm hết việc chứ không hết giờ”, sáng nào chị Mỹ Lệ cũng đi làm từ sớm và tối muộn mới về nhà. Tuy nhiên, công việc hành chính với nhiều việc không tên, nhiều loại giấy tờ sổ sách cần nhớ khiến chị gặp không ít khó khăn. Vì thế, để cải thiện điều kiện làm việc, chị đã tự học hỏi và ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc của mình. Hiệu quả rõ nhất là công việc tính lương hàng tháng cho cán bộ, công nhân viên không còn mất nhiều thời gian như trước, một số văn bản giấy tờ lưu trên máy, khi cần tìm lại dễ dàng. “Cùng khối lượng công việc như trước, nhưng giờ chị em trong phòng đã không còn vất vả nữa” - chị Mỹ Lệ cho hay.

Chị Nguyễn Thị Hồng Loan, trợ lý trưởng bộ phận gia công Công ty cổ phần Hưng Đạt (huyện Trảng Bom) cũng đã có  gần 10 năm trực tiếp làm công việc chặt da giày. Kinh nghiệm làm việc cho thấy công nhân vẫn còn lãng phí ở khâu này, vì vậy chị đã có sáng kiến sắp xếp dao chặt phù hợp nhằm tận dụng được hết da dư. Chị Hồng Loan cho biết: “Nếu như lúc trước, một miếng da chỉ chặt được 20 đôi giày thì từ khi áp dụng sáng kiến này, cùng một miếng da đó có thể chặt được thêm 2-3 đôi giày nữa”. Sáng kiến này đã làm lợi cho công ty bình quân khoảng 4 triệu đồng/tháng.

Còn chị Lê Thị Hiền, công nhân Công ty TNHH sản xuất, thương mại Nhân Tuấn Nhân (huyện Vĩnh Cửu), chuyên sản xuất thủy tinh và thiết bị điện, đã có nhiều sáng kiến làm lợi cho công ty. Cụ thể như trong quá trình làm việc, chị tiết kiệm giấy nhám, pha bột đúng tỷ lệ để bột không bị khô gây lãng phí. Với cách làm này, chất lượng sản phẩm không thay đổi mà mỗi năm chị còn làm lợi cho công ty vài chục triệu đồng.

* Khuyến khích lao động nữ sáng tạo

Để khuyến khích công nhân lao động nói chung, nữ công nhân lao động nói riêng tham gia phát huy sáng kiến, sáng tạo, Liên đoàn Lao động tỉnh đã triển khai nhiều phong trào thi đua sôi nổi. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh gắn với phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật... phù hợp với đặc thù của đơn vị.

Tiêu biểu như Công ty cổ phần Taekwang Vina (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) đã đưa phong trào sáng kiến, sáng tạo trở thành hoạt động thường xuyên. Anh Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết hàng năm Công đoàn đều phát động phong trào này trong toàn thể công nhân viên, không phân biệt nam hay nữ. Định kỳ hàng tháng sẽ có bộ phận cải tiến tổng hợp các ý kiến và chọn ra sáng kiến hay nhất để trao giải, giải thưởng có thể từ 2- 10 triệu đồng. Bên cạnh đó, Công đoàn còn tổ chức đại hội cải tiến, các hội thi cải tiến mang tính chuyên đề, như: tiết kiệm năng lượng, chất lượng, thiết kế logo, khẩu hiệu...

Nguyễn Thị Như Ý, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, nhận định 41/208 sáng kiến được tôn vinh là con số không lớn, nhưng đã thể hiện được tinh thần sáng tạo, ham học hỏi của nữ công nhân lao động. Đồng thời, qua đó đã khẳng định vai trò, vị thế của nữ trong các phong trào thi đua sáng kiến, sáng tạo của các đơn vị, doanh nghiệp.

Không dừng lại ở các hội thi, giải thưởng, Công đoàn ở các đơn vị, doanh nghiệp còn thực hiện đầy đủ chính sách chăm lo cho lao động nữ. Chị Trần Thị Mỹ Lệ cho hay ngoài việc tổ chức các hoạt động vào ngày kỷ niệm của giới, lao động nữ ở bộ phận sản xuất của công ty những ngày kinh nguyệt luôn được ưu tiên nghỉ 30 phút/ngày, phụ nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi được nghỉ 60 phút/ngày...

Nhờ đó, phong trào phát huy sáng kiến sáng tạo trong các đơn vị, doanh nghiệp ngày càng thu hút đông đảo công nhân lao động tham gia, nhất là đối với lao động nữ.

Nga Sơn

 

Tin xem nhiều