Báo Đồng Nai điện tử
En

Đổi mới phương pháp dạy và học ngoại ngữ: Tạo hứng khởi, tăng chất lượng

10:10, 01/10/2013

“Đây là lần đầu tiên em được tiếp xúc với cách giảng dạy này, nó rất sinh động, dễ nhớ, dễ hiểu và giúp em tiếp thu bài tốt hơn, nhanh hơn”.

“Đây là lần đầu tiên em được tiếp xúc với cách giảng dạy này, nó rất sinh động, dễ nhớ, dễ hiểu và giúp em tiếp thu bài tốt hơn, nhanh hơn”.

Em Vòng Ánh Tuyết, học sinh lớp 6A3 Trường THCS Ngô Thời Nhiệm (huyện Định Quán) đã nói như vậy khi được học Anh văn theo chương trình mới, với phòng học chuẩn có sự hỗ trợ của các thiết bị công nghệ thông tin hiện đại.

* Tăng sự tương tác

Thầy Vũ Văn Minh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hùng Vương (huyện Xuân Lộc), cho hay: “Qua đổi mới phương pháp học môn Anh văn có sự hỗ trợ của các thiết bị giảng dạy hiện đại, chất lượng dạy và học ngoại ngữ của giáo viên và học sinh trong trường được nâng lên rất nhiều”.

Thầy  Matthew Hicks - giáo viên dạy tiếng Anh trong giờ lên lớp tại Trường THCS Hùng Vương  (TP. Biên Hòa).
Thầy Matthew Hicks - giáo viên dạy tiếng Anh trong giờ lên lớp tại Trường THCS Hùng Vương (TP. Biên Hòa).

Theo thầy Minh, sau gần 1 năm được học với giáo viên người Philippines, kỹ năng nghe, nói, đọc, hiểu của học sinh đã chuyển biến rất tốt. Nhiều em đã tự tin trao đổi với giáo viên, bạn bè bằng tiếng Anh. Riêng học sinh trong câu lạc bộ tiếng Anh của trường đã có thể giao tiếp bằng tiếng Anh rất lưu loát. Năm học vừa qua, đội tuyển câu lạc bộ tiếng Anh của trường đã đoạt được 8 huy chương trong kỳ thi Olympic tiếng Anh cấp huyện và cấp tỉnh. Đặc biệt, trường còn sử dụng giáo viên người Philippines vào các hoạt động ngoại khóa.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Trí cho biết: “Việc đưa thiết bị hiện đại vào sử dụng trong giảng dạy, tuyển dụng giáo viên nước ngoài về dạy thí điểm tại một số trường đã khẳng định được hướng đầu tư đúng đắn của tỉnh cho môn tiếng Anh. Tuy nhiên, để đề án này được triển khai ra tất cả các trường, phải cần đến giải pháp xã hội hóa”.

Thầy Lê Văn Nhậm, Hiệu trưởng Trường THCS Long Thành, cho biết: “Được trang bị thiết bị dạy học tiên tiến với một phần mềm tích hợp các bài giảng, âm thanh, hình ảnh chuyển động... đã giúp học sinh thích thú với môn học. Ngay cả giáo viên của trường cũng phải thay đổi phương pháp giảng dạy khi tiếp cận với các thiết bị tiên tiến”.

Còn cô Lê Thị Hiên, giáo viên Anh văn Trường tiểu học Tân Phong B (TP.Biên Hòa) thì nói. Sau khi sử dụng phần mềm học Anh văn này, có nhiều hình thức sinh động để thu hút học sinh hơn”.

* Hướng tới hoàn thiện các kỹ năng

Lâu nay, việc học tiếng Anh ở trường chỉ được tập trung học từ vựng và ngữ pháp để đáp ứng nhu cầu thi cử, chứ chưa được hướng dẫn nhiều khả năng nghe, nói: Bên cạnh đó, lượng kiến thức tiếng Anh ở sách giáo khoa tương đối nhiều, trong khi thời lượng mỗi tiết học ít, khó đáp ứng tất cả các yêu cầu nghe, nói, học từ vựng và ngữ pháp.

Ngoài ra, dù giáo viên dạy tiếng Anh ở các cấp học đều đạt chuẩn về bằng cấp, nhưng chất lượng không đồng đều, phương pháp giảng dạy chưa đổi mới, nhiều giáo viên phát âm tiếng Anh chưa chuẩn, ít có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với giáo viên nước ngoài. Vì thế, việc đổi mới phương pháp dạy và học Anh văn theo chương trình mới đã khắc phục được khá tốt những hạn chế trên.

Năm học 2010-2011, có 4 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh thực hiện thí điểm dạy tiếng Anh theo chương trình mới. Sang năm học 2012-1013, quy mô thí điểm được triển khai rộng hơn với 115 đơn vị trường học tham gia (82 trường tiểu học, 12 trường THCS và 21 trường THPT). Riêng năm học 2013-2014, chương trình thí điểm tiếp tục được duy trì ở cấp tiểu học và dần mở rộng quy mô ở cấp THCS và THPT với 982 lớp của hơn 150 đơn vị trường học tham gia.

Theo ông Lê Minh Hoàng, Giám đốc Sở GD-ĐT, từ năm 2010, Đồng Nai thực hiện thí điểm đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” của Bộ GD-ĐT. Thực hiện đề án  này, Đồng Nai đã triển khai đề án “Đầu tư thiết bị phòng học ngoại ngữ, bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục phổ thông giai đoạn 2012-2015” với tổng kinh phí đầu tư hơn 497,7 tỷ đồng. Năm 2012, Sở GD-ĐT phối hợp với Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) tổ chức 161 lớp tập huấn nâng cao năng lực ngoại ngữ cho các giáo viên; đầu tư trang thiết bị các phòng học ngoại ngữ, thiết bị hỗ trợ giáo viên dạy ngoại ngữ và hợp đồng tuyển dụng 23 giáo viên người Philippines về giảng dạy tiếng Anh tại các trường phổ thông công lập.

Với dự án này, các giáo viên ngoại ngữ được tập huấn sử dụng phần mềm thiết kế giảng dạy theo chuẩn quốc tế, phương pháp giảng dạy tích cực theo hướng tương tác trên hệ thống thiết bị thông minh, có sự tích hợp nội dung văn bản, phim, hình ảnh, âm thanh nhằm thu hút học sinh. Và thực tế đã chứng minh, việc đầu tư đúng hướng cho việc dạy và học tiếng Anh theo chuẩn quốc tế đã đem lại hiệu quả bước đầu không chỉ cho thầy và trò, mà còn nâng cao được chất lượng giảng dạy môn ngoại ngữ...

Phương Liễu

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích