Nhiều người ở TX.Long Khánh đã được đào tạo nghề theo đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn (giai đoạn 2010-2020). Tuy nhiên, việc đào tạo nghề ở đây chưa gắn với giải quyết việc làm, còn chạy theo phong trào dẫn đến lãng phí.
Nhiều người ở TX.Long Khánh đã được đào tạo nghề theo đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn (giai đoạn 2010-2020). Tuy nhiên, việc đào tạo nghề ở đây chưa gắn với giải quyết việc làm, còn chạy theo phong trào dẫn đến lãng phí.
Đoàn giám sát HĐND tỉnh đến tìm hiểu tại gia đình chị Nguyễn Thị Vinh (thứ 2 từ phải qua), người tham gia học nghề nấu ăn phục vụ nhà hàng, khách sạn. |
Chị Nguyễn Thị Vinh là một trong những phụ nữ của xã Xuân Tân đã được đào tạo nghề nấu ăn phục vụ nhà hàng, khách sạn. Tuy nhiên, học nghề xong đã lâu nhưng chị không biết kiếm việc làm ở đâu, chưa nói đến việc nâng cao thu nhập với nghề mà mình đã học.
* Học theo phong trào
Là một xã nông nghiệp, nhưng chỉ trong năm 2012 Xuân Tân đã có tới 48 người tham gia học nghề nấu ăn (chiếm tới 40% tổng số người học nghề của xã). Ngoài ra, từ năm 2010 - 2012, xã có tới 143 người đăng ký học nghề lái xe. Trong số hơn 30 người đã được cấp bằng thì chỉ có 10 người được cho là đã có việc làm.
Phó chủ tịch UBND xã Bảo Vinh Võ Thị Thủy cho biết, từ năm 2010 đến nay, xã đã chiêu sinh được 4 lớp đào tạo nghề với 206 học viên tham gia, trong đó học nghề lái xe có tới 36 người. Xã có 146 người được cấp giấy chứng nhận đã qua đào tạo nghề. Cũng theo bà Thủy, người được đào tạo nghề xong, có việc làm ở xã đạt tỷ lệ rất cao, tới 99,99%. Tuy nhiên, trong buổi làm việc với đoàn giám sát của HĐND tỉnh mới đây, lãnh đạo xã đã không thể dẫn đoàn đi thăm thực tế một trường hợp cụ thể nào được học nghề và kiếm được việc làm từ chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn!
Từ năm 2010 đến nay, TX.Long Khánh đã đào tạo nghề cho 1.350 lao động nông thôn, trong đó có 1.044 người được giải quyết việc làm, đạt tỷ lệ 77%. Ngân sách tỉnh chi cho TX.Long Khánh phục vụ công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn với số tiền 3,15 tỷ đồng, trong đó thị xã đã tiến hành quyết toán trên 2,784 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại buổi giám sát của Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh vừa qua cho thấy, trong khi hầu hết các xã báo cáo tỷ lệ lao động sau đào tạo có việc làm đạt tới 95%, thậm chí có xã lên tới 99,99% thì báo cáo tổng hợp chung của thị xã về kết quả này chỉ là 77%. |
Ngoài 2 xã Xuân Tân và Bảo Vinh, TX.Long Khánh hiện đang triển khai đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại 7 xã còn lại. Được biết, vào tháng 4-2013, Thanh tra Sở Lao động - thương binh và xã hội đã tiến hành thanh tra công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại TX.Long Khánh, và đã yêu cầu địa phương này cần phải chấn chỉnh, khắc phục một số hạn chế, như: người học cần đúng đối tượng, nghề học phải gắn với nhu cầu của địa phương... Tuy nhiên, đến nay thị xã mới chỉ có văn bản chỉ đạo chứ chưa tiến hành kiểm tra xem việc chấn chỉnh, khắc phục được thực hiện tới đâu.
* Còn lỏng lẻo
Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động được triển khai từ năm 2010. Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo thực hiện đề án của TX.Long Khánh chỉ mới được kiện toàn, ban hành quy chế tổ chức, hoạt động và phân công nhiệm vụ cho các thành viên vào cuối tháng 11-2012 (tức là 2 năm sau triển khai đề án).
Chính việc chậm trễ này đã dẫn đến hiệu quả của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở TX. Long Khánh còn thấp. Nhiều xã triển khai công tác này còn lúng túng do cán bộ xã không nắm rõ các quy định về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nên chính sách áp dụng còn chưa thống nhất, hồ sơ quản lý học viên thiếu đồng bộ giữa xã với trung tâm dạy nghề thị xã.
“Được xã vận động đi học nghề nấu ăn và thấy nhiều người học nên tôi cũng tham gia học... cho vui. Học xong lâu rồi mà chưa có việc làm, nên trước mắt về nấu ăn cho gia đình để nâng cao chất lượng bữa ăn” - chị Nguyễn Thị Vinh nói. |
Ông Đỗ Hữu Trương, Giám đốc Trung tâm dạy nghề TX.Long Khánh, cho biết từ năm 2010 đến nay, thị xã đã mở được 55 lớp với 1.656 học viên, số người có việc làm sau đào tạo đạt trên 80%. “Năm 2013 trung tâm dự kiến đào tạo 500 - 600 học viên, nhưng thị xã lại giao cho chúng tôi chỉ tiêu phải đào tạo nghề được từ 700 - 800 người. Tuy nhiên, khó để đạt được mục tiêu này do nhận thức của người học chưa cao và khả năng tìm việc làm không dễ” - ông Trương nói.
Ông Phốn Khen Song, Phó chủ tịch HĐND TX.Long Khánh, thừa nhận chưa thể an tâm với tỷ lệ trên 80% người được đào tạo nghề có việc làm mà các xã báo lên, bởi con số trên là chưa thuyết phục. “Việc cán bộ xã yếu kém trong triển khai đào tạo nghề có cả phần lỗi của lãnh đạo thị xã, do đó chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm và chấn chỉnh công tác này” - ông Phốn Khen Song nhấn mạnh.
Công Nghĩa