Báo Đồng Nai điện tử
En

Khó quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm

09:08, 12/08/2013

Thực phẩm là mặt hàng được người dân sử dụng hàng ngày. Nhưng đây cũng là thứ khiến người ta lo ngại nhất bởi sự mất an toàn của nó.

Thực phẩm là mặt hàng được người dân sử dụng hàng ngày. Nhưng đây cũng là thứ khiến người ta lo ngại nhất bởi sự mất an toàn của nó.

Không quản lý xuể, kiểm đâu dính đó, chạy theo xử lý từng vụ việc... là kết quả của việc thiếu phối hợp trong quản lý tận gốc thực phẩm.

* Người dùng hoang mang, người bán ế ẩm

Thông tin 4/5 mẫu bún tươi được sản xuất và bán tại một số chợ bị nhiễm chất tẩy trắng huỳnh quang (tinopal), 22/32 mẫu giò chả ở chợ được phát hiện có chứa hàn the đậm đặc… khiến người dân “ớn lạnh”. Chị Nguyễn Thị Tươi ở phường Tân Phong (TP.Biên Hòa), cho biết: “Mỗi sáng tôi thường ăn bún riêu, nhưng giờ  “ngán” quá, không dám ăn bún cả tuần nay. Tôi nghĩ, thực phẩm ô nhiễm, chứa các chất độc hại đã nói đến rất nhiều, nhưng hình như chẳng “ép phê” gì với những người sản xuất thiếu lương tâm”.

Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm kiểm tra hóa chất thu được tại một điểm làm giò chả ở thị trấn Long Thành (huyện Long Thành). Ảnh: P. Liễu
Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm kiểm tra hóa chất thu được tại một điểm làm giò chả ở thị trấn Long Thành (huyện Long Thành). Ảnh: P. Liễu

Còn bà Nguyễn Thị Bảy ở phường Tân Hiệp (TP.Biên Hòa), cho biết: “Đi chợ bây giờ chẳng biết mua gì, ăn gì vì thực phẩm nào không chứa chất nọ thì cũng bị lạm dụng chất kia…”. Chị Nguyễn Ngọc Minh ở phường Trung Dũng, lại cho rằng: “Những thông tin, như: cá bị ướp urê, bún có huỳnh quang, bánh phở có formol, giò chả có hàn the, hành tỏi và ngay cả gạo cũng có chất chống ẩm mốc… mà chất nào cũng có nguy cơ gây ung thư, khiến tôi rất hoang mang. Dù đã lựa chọn như mua thực phẩm có nguồn gốc, có bao bì sạch sẽ… nhưng tôi cũng chưa chắc thực phẩm đó đã thực sự sạch”.

Khi người tiêu dùng e ngại thì những người bán các mặt hàng thực phẩm cũng điêu đứng vì ế ẩm. Bà Tư Tâm bán bún ở chợ Biên Hòa, cho biết: “Mấy hôm nay bún bán rất chậm. Nếu trước đây tôi bán mỗi ngày khoảng 50 kg, thì nay chỉ lấy 20 kg mà vẫn không bán hết. Ngay cả những tiệm ăn, hàng quán lấy mối cũng giảm đi khá nhiều. Tôi mong các cơ quan xử lý nghiêm các hộ chế biến thực phẩm có sử dụng chất phụ gia bị cấm để trả lại công bằng cho những người làm ăn chân chính”.

* Xử phần ngọn, buông phần gốc

Hiện tại, việc quản lý chuỗi thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn được giao cho 3 ngành là: Nông nghiệp - phát triển nông thôn, công thương và y tế. Tuy nhiên, việc phối hợp quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn nhiều điều đáng bàn.

Một trong những bất cập hiện nay của công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm là tình trạng quản lý “cắt khúc” - mỗi ngành quản lý một đoạn trong chuỗi thực phẩm, là nguyên nhân dẫn đến tình trạng không thể kiểm soát khép kín. Ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, cho hay: “Trong dây chuyền sản xuất thực phẩm, bắt đầu từ khi nông sản là cây - con được nuôi trồng cho đến lúc thu hoạch, giết mổ, chế biến và sau đó nằm trên bàn ăn, thực phẩm đã đi qua rất nhiều khâu. Phải làm tốt các khâu, nếu không nguy cơ ô nhiễm vẫn phát sinh”.

“Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về lựa chọn, sử dụng thực phẩm an toàn” đã được Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Trí, Trưởng ban Chỉ đạo bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, nhấn mạnh tại nhiều cuộc họp của ban chỉ đạo.

Cũng theo ông Báu, để xác định cây - con đó có an toàn, phải kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng và các loại vi khuẩn hiện diện trong thực phẩm. Hiện trên địa bàn Đồng Nai vẫn chưa có những phòng thí nghiệm đủ sức kiểm tra tất cả các loại mẫu. Vì thế, việc quản lý mới chỉ theo dõi được ở phần ngọn - lúc các mặt hàng ra đến chợ hoặc đã lên bàn ăn, mà không theo dõi phần gốc, tức là nơi sản xuất.

Ông Nguyễn Đình Bình, Chi cục trưởng Chi cục  An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, cho biết: “An toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề nhạy cảm, cần được quản lý, kiểm tra nghiêm ngặt và thường xuyên... Nhưng thực tế, lực lượng kiểm tra của các ngành còn quá mỏng. Chẳng hạn như chi cục cần có nguồn nhân lực là 45 người nhưng hiện chỉ có 23 người, trong đó lực lượng thanh tra không đủ sức để quản lý bao quát. Trong khi đó, Đồng Nai là tỉnh đông dân cư, số lượng bếp ăn tập thể cũng như hàng quán quá nhiều. Đây cũng là địa bàn có lượng thực phẩm sản xuất và tiêu thụ lớn, là địa bàn trung chuyển nhiều loại thực phẩm với số lượng lớn từ các tỉnh, thành khác đến và đi”.

Bác sĩ Nguyễn Văn Trai, Phó giám đốc Trung tâm y tế Biên Hòa cũng cho hay: “Nếu ngày nào cũng kiểm tra thì cả năm cũng chỉ được vài trăm cơ sở, trong khi Biên Hòa có đến cả ngàn cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm lớn, nhỏ. Do đó, để quản lý hiệu quả, cần phải giao trách nhiệm cho chính quyền các phường, xã. Bởi hơn ai hết, địa phương là cấp cơ sở gần dân nhất, nắm địa bàn và mọi hoạt động trong địa bàn mình nhất”.

Phương Liễu

 

 

Tin xem nhiều