Năm học 2013 - 2014 đang cận kề, phụ huynh có con học các lớp đầu cấp cần chuẩn bị những gì giúp trẻ có tâm thế tự tin đến trường?
Năm học 2013 - 2014 đang cận kề, phụ huynh có con học các lớp đầu cấp cần chuẩn bị những gì giúp trẻ có tâm thế tự tin đến trường?
* Làm quen với môi trường mới
Đối với trẻ vào học mầm non, đi học quả là rất khó khăn. Trẻ sợ đi học, khóc đòi về, thậm chí giãy giụa. Ăn uống thì nôn mửa, có bé không ăn, có khi còn bị bệnh. Đây là những biểu hiện thường thấy ở những trẻ chưa được cha mẹ chuẩn bị cho một tâm thế tốt để đến trường. Những nguyên tắc cơ bản giúp con làm quen với môi trường mới là cha mẹ phải hiểu tâm sinh lý trẻ; tìm hiểu kỹ lưỡng về giờ giấc, sinh hoạt, nghỉ ngơi... của trường; thủ thỉ với bé về trường lớp, cô giáo, bạn bè, những điều thú vị sẽ học, như: được cô dạy hát, kể chuyện cổ tích, chơi trò chơi... Trước khi đi học, cha mẹ dắt bé thăm trường, làm quen với khuôn viên trường, chơi một số trò chơi có sẵn ở trường, nói chuyện với cô giáo để bé cảm thấy trường lớp không có gì là xa lạ.
Ảnh minh họa |
Ở trẻ 6 tuổi vào lớp 1, cha mẹ cần thường xuyên nói chuyện với trẻ về những gì sẽ được học, được sinh hoạt, vui chơi, cho trẻ biết về trường lớp, thầy cô giáo, có thêm nhiều bạn mới, niềm vui đang chờ đợi khiến tâm trạng bé háo hức, ham muốn đến trường. Dắt trẻ đi mua sắm quần áo, sách vở, đồ dùng học tập. Cho trẻ làm quen với chữ, số, tìm hiểu về môi trường xung quanh, cách sử dụng đồ dùng học tập. Cha mẹ dẫn trẻ đến thăm trường để làm quen với khuôn viên, sân trường, lớp học, thư viện, lối đi, khu vệ sinh, bán trú... Cha mẹ cũng cần tránh tạo những áp lực học hành, thành tích hay kỳ vọng cho trẻ. Chính sức ép này sẽ gây nên khó khăn, làm trẻ căng thẳng và rất sợ đi học.
Học sinh lớp 5 bước vào lớp 6 là bước ngoặt quan trọng của cuộc đời. Lên THCS các em học khác xa với tiểu học. Được học nhiều môn học, nội dung kiến thức khó hơn, rất phong phú, đa dạng, trẻ phải học với nhiều thầy cô, mỗi người một phương pháp giảng dạy khác nhau, đòi hỏi các em phải cố gắng, có cách học phù hợp để đạt kết quả trong học tập. Cha mẹ hãy nói cho trẻ biết được những khó khăn, lo lắng để các em chuẩn bị tâm lý, tránh được hụt hẫng. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên dắt trẻ thăm trường, làm quen trước với môi trường học tập mới.
* Trang bị kỹ năng sống cho trẻ
Ở mầm non, trẻ quen với sự chăm sóc của gia đình, cô giáo, nhưng bước vào trường tiểu học thì trước hết trẻ phải được rèn kỹ năng tự chăm sóc bản thân, tự bảo vệ mình, thói quen tự lập. Cha mẹ cần luôn theo sát, chỉ bảo con cái từ giờ giấc, ăn, ngủ đến cách tự mặc quần áo, sắp xếp đồ đạc, đồ dùng học tập, sách vở... Trẻ biết giữ an toàn cho chính mình, gặp khó khăn sẽ biết cách giải quyết. Việc hòa đồng và thân thiện với bạn bè là rất cần thiết để trẻ cảm thấy vui thích, thoải mái, hứng thú trong học tập. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần rèn cho trẻ các kỹ năng khác.
Theo các nhà tâm lý, giáo dục học thì, gia đình và nhà trường cần chú ý hình thành và rèn cho học sinh lớp 6 những kỹ năng sống cơ bản, cần thiết và hết sức quan trọng, như: tự phục vụ bản thân, quản lý thời gian hiệu quả...
* Giúp trẻ tự tin học tập
Buổi đầu tiên đi học với trẻ mầm non và lớp 1 là hết sức quan trọng. Cha mẹ hãy đưa con tới trường trong ngày khai giảng, dắt vào tận cửa lớp và nói chuyện với cô giáo về tính tình, điểm mạnh, điểm yếu của trẻ. Tối về nên hỏi trẻ về niềm vui, cả những khó khăn. Chia sẻ với bé những niềm vui trong ngày học đầu tiên, lắng nghe những khó khăn mà trẻ gặp phải, động viên kịp thời để trẻ không còn lo lắng và cảm thấy yên tâm hơn. Cùng trẻ chuẩn bị những thứ cần thiết cho buổi học ngày mai.
Với trẻ mới bước vào lớp 6, cha mẹ cần quan tâm, theo dõi, động viên và dìu dắt con vượt qua giai đoạn đầu vô cùng khó khăn này. Theo sát việc học, chỉ bảo cách học, giúp trẻ kiểm tra bài học, bài tập phải chuẩn bị cho ngày mai. Dần dần các em hòa nhập, thích nghi với môi trường lạ lẫm, quen dần với phương pháp học tập mới.
Đào Khởi