Khó khăn lớn nhất của ngành giáo dục - đào tạo TP.Biên Hòa là học sinh tăng cơ học nhanh, dẫn đến tình trạng thiếu trầm trọng trường lớp bậc mầm non và tiểu học. Năm học mới này, thành phố vẫn còn 32 lớp học ca ba ở bậc tiểu học.
Khó khăn lớn nhất của ngành giáo dục - đào tạo TP.Biên Hòa là học sinh tăng cơ học nhanh, dẫn đến tình trạng thiếu trầm trọng trường lớp bậc mầm non và tiểu học. Năm học mới này, thành phố vẫn còn 32 lớp học ca ba ở bậc tiểu học.
Trước tình trạng này, Quyền Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Trịnh Tuấn Liêm, khẳng định thành phố đã và đang rốt ráo tìm giải pháp để giải quyết vấn đề này, không thể để năm nào trường lớp cũng “chạy” theo học sinh như thế.
* Xóa chuẩn để học sinh vào lớp
Theo đó, nhiều giải pháp cấp bách đã được thành phố đưa ra nhằm hạn chế lớp học ca ba trong năm học mới này, trong đó có việc cho phép một số trường đạt chuẩn quốc gia tăng sĩ số học sinh so với quy định. Đó là các trường ở các phường, xã tăng dân số cơ học cao, như: Trảng Dài, Long Bình Tân, An Bình và Hóa An.
Trường tiểu học Trảng Dài (TP.Biên Hòa) luôn trong tình trạng quá tải học sinh, nhà trường phải tổ chức dạy ca ba từ nhiều năm nay. |
Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT TP. Biên Hòa, đó chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài nếu không có biện pháp căn cơ thì tình trạng lớp học ca ba vẫn tiếp diễn. Hiện nay, trên địa bàn thành phố xuất hiện rất nhiều khu dân cư mới nhưng lại không được đầu tư xây dựng trường lớp để phục vụ cho số trẻ em của khu dân cư đó. Do vậy, thời gian tới, UBND tỉnh cần có quy định bắt buộc các nhà đầu tư xây dựng các dự án khu dân cư có từ 300 hộ trở lên phải xây dựng trường mầm non và tiểu học công lập. Từ đó, con em người dân ở đây không đổ xô vào các trường học vốn đã có từ lâu của phường, xã đó, nhằm giảm áp lực trường lớp cho địa phương.
* Cần sự tiếp sức của tỉnh
Được biết, việc xây dựng mới 5 công trình trường học của TP. Biên Hòa cũng đang gặp khó khăn về kinh phí. Tổng kinh phí xây dựng các công trình này lên đến 173 tỷ đồng, trong khi đó, ngân sách của thành phố chỉ cân đối được khoảng 67 tỷ đồng, còn thiếu trên 100 tỷ đồng. Hiện nay, các nhà thầu đang tạm ứng vốn để thi công các trường học cho kịp tiến độ. Theo Phó giám đốc Ban Quản lý dự án TP. Biên Hòa Nguyễn Hoàng Minh, ngày 22-7-2013, UBND thành phố đã có văn bản kiến nghị tỉnh hỗ trợ 80% kinh phí còn thiếu, nếu không được tỉnh hỗ trợ kịp thời thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình.
Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ thành phố tháo gỡ các khó khăn về cơ chế liên quan đến các quy định đầu tư xây dựng trường lớp ở khu vực thành thị, như cho phép thành phố sử dụng ngân sách để nâng cấp, mở rộng các trường mầm non công lập hiện hữu và xây mới cho các phường, xã chưa có trường mầm non công lập; xây trường mầm non tại các khu công nghiệp... |
Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng cho biết, khó khăn trong việc xây dựng trường lớp ở thành phố còn do thiếu đất, mặc dù hiện nay trên địa bàn còn nhiều khu đất bỏ trống, lâu năm không sử dụng, như diện tích đất của Công ty chế biến xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Đồng Nai (Donafoods) ở phường Long Bình và nhiều khu đất thuộc đất quốc phòng... Do đó, UBND thành phố đã có đề xuất UBND tỉnh xem xét giao khu đất của Donafoods cho thành phố xây trường học tại đây. Ông Dũng cũng kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ thành phố tổ chức hội nghị chuyên đề về giáo dục với các đơn vị đóng chân trên địa bàn nhằm kêu gọi các đơn vị này chia sẻ áp lực trường lớp với địa phương, như hỗ trợ về đất đai, thậm chí đóng góp xây dựng trường lớp để phục vụ cho con em gia đình quân nhân.
* Phó chủ tịch UBND phường Long Bình Vũ Thị Thúy Hà: Hiện nay, phường Long Bình chưa có trường mầm non nên công tác phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi gặp khó khăn. Trường tiểu học và THCS của phường đều không đáp ứng đủ nhu cầu của học sinh. Trong khi đó, trên địa bàn phường còn rất nhiều khu đất bỏ trống lâu ngày không sử dụng. Tôi kiến nghị UBND tỉnh thu hồi giao cho thành phố xây trường học. * Phó chủ tịch UBND phường Trảng Dài Phạm Hùng: Trên địa bàn phường có 2 khu quy hoạch để xây trường học đã được giới thiệu địa điểm, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện được. Trên khu đất này đã có hàng chục người dân đến đây lấn chiếm xây nhà. Trong khi hiện nay, học sinh tiểu học ở phường phải đi học ca ba. Do đó, UBND phường kiến nghị tỉnh sớm triển khai các dự án này để xây dựng trường học, đáp ứng nhu cầu của học sinh trong phường, xóa lớp học ca ba trên địa bàn. * Phó chủ tịch UBND phường An Bình Lê Thị Mỹ Chi: Trong năm học mới, Trường tiểu học Lê Thị Vân tăng từ 105-300 học sinh. Nguyên nhân do trẻ 6 tuổi ở khu dân cư An Bình vào lớp 1 rất đông. UBND phường kiến nghị xây thêm 1 trường tiểu học ở khu dân cư này mới đáp ứng đủ nhu cầu. |
Ngọc Thư