Báo Đồng Nai điện tử
En

Đưa thông tin khoa học về nông thôn

08:07, 29/07/2013

Sau 10 năm triển khai, toàn tỉnh hiện có 133/171 xã, phường, thị trấn  có điểm thông tin khoa học - công nghệ (KH-CN). Mỗi điểm được trang bị 2 bộ máy vi tính kết nối mạng internet, 1 máy in, tủ đựng băng đĩa, bản tin, tạp chí về KH-CN.

Sau 10 năm triển khai, toàn tỉnh hiện có 133/171 xã, phường, thị trấn  có điểm thông tin khoa học - công nghệ (KH-CN). Mỗi điểm được trang bị 2 bộ máy vi tính kết nối mạng internet, 1 máy in, tủ đựng băng đĩa, bản tin, tạp chí về KH-CN.

Cán bộ Điểm thông tin KHCN xã Quảng Tiến (bên phải) chỉ cách truy cập thông tin cho chị Nguyễn Thị Anh Tri.
Cán bộ Điểm thông tin KHCN xã Quảng Tiến (bên phải) chỉ cách truy cập thông tin cho chị Nguyễn Thị Anh Tri.

Chị Nguyễn Thị Tuyết (nông dân ở ấp 4, xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ), cho biết năm 2010, Điểm thông tin KH-CN xã Sông Nhạn đi vào hoạt động và từ đó đến nay, chị đều đặn tới đây để tìm hiểu thông tin, xem các video hướng dẫn cách chăm sóc heo thịt, gà, vịt; học hỏi những mô hình hay để về thực hành.

* Thông tin giúp làm giàu

Chị Tuyết bộc bạch: “Trước kia chưa có mạng internet, tôi chẳng biết phải hỏi ai, nay thì chuẩn bị nuôi con gì, tôi đều lên điểm thông tin KH-CN của xã để tìm hiểu. Từ cách lựa chọn giống, diện tích chuồng nuôi, cách cho ăn thế nào... tôi đều ghi chép lại cẩn thận, lấy đó làm tài liệu tham khảo. Cứ vài ngày, tôi lại lên mạng tìm thông tin một lần, hoặc cũng có khi cán bộ quản lý điểm thông tin KH-CN tìm tài liệu, in ra rồi mang đến tận nhà. Lứa heo tới chuẩn bị xuất chuồng, tôi phải lên mạng tìm hiểu giá cả trước, nếu mình không biết thì dễ bị thương lái ép giá lắm”.

Nhờ học hỏi từ những thông tin tại điểm thông tin KH-CN, đến nay chị đã xây thêm chuồng, mở rộng đàn chăn nuôi.  Mỗi năm, chị Tuyết xuất 4 lứa heo, gà, vịt,  trồng thêm 2 sào lúa, 4 sào bắp. Trừ chi phí, chị Tuyết còn lời khoảng 100 triệu đồng.

“Tuần vừa qua đã có 22 lượt nông dân đến yêu cầu cung cấp thông tin về các loại kỹ thuật trồng dừa xiêm, bắp, tiêu, chăm sóc cải bẹ xanh, nuôi ba ba, nuôi gà thịt, nuôi nhím; 15 lượt truy cập các loại thông tin khác trên Báo Đồng Nai, Pháp lut, Tui Tr, Tạp chí KH-CN...; các câu hỏi đáp về dịch hại cũng được bà con rất quan tâm” - chị Nguyễn Thị Sa Pha (cán bộ quản lý Điểm thông tin KH-CN xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc) cho biết.

Không chỉ tìm hiểu tài liệu về kỹ thuật trồng trọt, chị Nguyễn Thị Anh Tri (ấp Quảng Hòa, xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom) còn đến điểm thông tin KH-CN của xã để tìm đọc tài liệu hay liên quan đến cách nấu ăn, chế độ dinh dưỡng, cách phòng chống bệnh tật và những câu chuyện hay trong cuộc sống.

* Đến gần hơn nữa với nông dân

Điểm thông tin KH-CN xã Phước Thái (huyện Long Thành) mới tổ chức buổi chiếu phim về cách phòng chống dịch bệnh heo tai xanh cho 75 người xem. Anh Trần Đình Lành, cán bộ quản lý điểm, cho rằng: “ Bà con có nhu cầu rất lớn được xem phim về cách phòng, trị bệnh cho gia súc, gia cầm; kỹ thuật chăn nuôi cá bống bóp vùng nước lợ và kỹ thuật nuôi tôm càng xanh; kỹ thuật trồng trọt cây ăn quả, cây công nghiệp…”.

Đến nay, 17 xã, thị trấn của huyện Trảng Bom đã có điểm thông tin KH-CN. Hoạt động hiệu quả nhất trong số đó là 2 điểm tại các xã Đông Hòa và Quảng Tiến. Cán bộ quản lý ở các điểm đều rất thành thạo tin học, có nhiều sáng kiến trong việc áp dụng tiến bộ của KH-CN vào lĩnh vực công tác; nhiệt tình giúp đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi khi người dân đến điểm truy cập, tìm sách báo, tài liệu, sao chép băng đĩa... Tuy nhiên, còn không ít điểm, người dân vẫn chưa khai thác hết được nguồn thông tin phong phú, dồi dào ở  các điểm thông tin KH-CN. Do đó, các điểm thông tin KH-CN vẫn chưa phát huy hết hiệu quả và tiềm năng sẵn có của mình.

Các cơ sở dữ liệu được xây dựng, tích hợp thành một chương trình “Cơ sở dữ liệu 10 vạn câu hỏi đáp khoa học và kỹ thuật - Đồng Nai”. Đây là một cơ sở dữ liệu về KH-CN phong phú, đa dạng, vừa cung cấp cho hệ thống các điểm thông tin KH-CN phục vụ nông dân, vừa cung cấp cho các trường THCS, THPT trong toàn tỉnh để phục vụ cho việc giảng dạy và học tập.

Với những xã vùng sâu, vùng xa của các huyện Tân Phú, Định Quán, Cẩm Mỹ thì việc người dân đến truy cập mạng  internet tại điểm thông tin KH-CN chưa nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là do khoảng cách từ các ấp tới điểm thông tin còn xa, người dân ngại đi lại; công tác tuyên truyền, phổ biến, khuyến khích nhân dân tiếp cận với thông tin KH-CN chưa thực sự rộng khắp. Ở các điểm này, đối tượng thường xuyên truy cập mạng là cán bộ tại xã, ấp, giáo viên, học sinh tìm hiểu điểm thi, đáp án các kỳ thi đại học, cao đẳng, thông tin tuyển sinh…

Ông Nguyễn Thành Chín, Giám đốc Trung tâm Tin học và thông tin KH-CN (Sở KH-CN), cho biết ngoài các cơ sở dữ liệu được lưu trữ trong 2 máy vi tính, mỗi điểm thông tin còn được trang bị 1 website nằm trong Cổng thông tin KH-CN Đồng Nai với các thông tin hữu ích giúp bà con nông dân chủ động trong việc phòng ngừa dịch bệnh, phát triển cây trồng, vật nuôi, thay đổi lối canh tác theo hướng áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật để tăng năng suất, đạt chất lượng. Những hoạt động của các ấp, xã, như: hội họp, công bố điểm tái định cư, hiến máu tình nguyện, xây nhà tình thương… đều được cán bộ ở các điểm đưa lên trang web và hàng tuần có báo cáo về Sở.

“Để các điểm thông tin KH-CN phát huy hơn nữa hiệu quả, thời gian tới Sở sẽ tiếp tục cập nhật các thông tin cho các cơ sở dữ liệu; bổ sung thêm các phim tài liệu, khoa học, tuyên truyền phổ biến những lợi ích thiết thực của điểm thông tin KH-CN để bà con nông dân tiếp cận đông đảo, chất lượng” - ông Chín nhấn mạnh.

An Yên

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều