Giải đáp những thắc mắc của bạn đọc liên quan đến quyền lợi về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) của người lao động, bà Lê Ngọc Mai, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, cho biết:
Bà Lê Ngọc Mai. |
Giải đáp những thắc mắc của bạn đọc liên quan đến quyền lợi về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) của người lao động, bà Lê Ngọc Mai, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, cho biết:
- Chính phủ vừa ban hành Nghị định 44/2013/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động (có hiệu lực ngày 1-7). Nghị định nêu rõ trách nhiệm tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và BHYT của doanh nghiệp sử dụng lao động và người lao động.
* Thưa bà, nghị định có những điểm mới nào đáng chú ý?
- Một trong những điểm mới có lợi cho người lao động (NLĐ) là họ có thể ký hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động (SDLĐ). Khi đó, nếu cả hai phía đều thuộc đối tượng tham gia BHXH thì NLĐ và người SDLĐ của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên phải tham gia đóng BHXH theo quy định của pháp luật. Còn người SDLĐ của các hợp đồng lao động còn lại không phải đóng bảo hiểm mà có trách nhiệm chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của NLĐ khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm thuộc trách nhiệm của người SDLĐ.
* Việc đóng BHYT được tính như thế nào, thưa bà?
- Nghị định 44/2013/NĐ-CP quy định cụ thể trách nhiệm tham gia BHYT bắt buộc của người SDLĐ và NLĐ. Theo đó, nếu cả hai phía đều thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc thì hợp đồng lao động có mức tiền cao nhất phải có trách nhiệm tham gia BHYT. Khi hợp đồng lao động có sự thay đổi hoặc chấm dứt thì NLĐ và người SDLĐ thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc của hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất trong số các hợp đồng còn lại chịu trách nhiệm tham gia BHYT theo quy định của pháp luật về BHYT.
* Trường hợp NLĐ bị tai nạn lao động khi làm nhiệm vụ theo hợp đồng không có tham gia BHXH và BHYT thì được giải quyết chế độ ra sao?
Người lao động được hướng dẫn làm hồ sơ tại Bảo hiểm xã hội tỉnh. Ảnh: K.Liễu |
- Nếu NLĐ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong quá trình thực hiện công việc trong hợp đồng lao động với người SDLĐ đang tham gia BHXH bắt buộc thì người SDLĐ và tổ chức BHXH có trách nhiệm giải quyết các chế độ cho NLĐ theo quy định của pháp luật. Trường hợp NLĐ bị tai nạn, bệnh khi quá trình thực hiện công việc, theo hợp đồng lao động không tham gia BHXH, BHYT bắt buộc thì đơn vị SDLĐ phải có trách nhiệm: Thanh toán chi phí từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với NLĐ. Bên cạnh đó, người SDLĐ trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho NLĐ bị tai nạn lao động hoặc bị bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị. Người SDLĐ còn phải bồi thường hoặc trợ cấp cho người lao động theo quy định.
* Người SDLĐ ở các hợp đồng khác, khi NLĐ bị tai nạn có trách nhiệm gì?
- Theo quy định thì người SDLĐ của các hợp đồng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với NLĐ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời gian điều trị, trừ trường hợp NLĐ bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn; đã điều trị 6 tháng liên tục. Quy định này được áp dụng cả với NLĐ làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục. Khi sức khỏe của NLĐ bình phục thì người SDLĐ và NLĐ thỏa thuận tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động hoặc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động hoặc chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết.
* Xin cảm ơn bà!
Kim Liễu (thực hiện)