Hiện nay, hôn nhân có tự do hơn trước nhưng mâu thuẫn lại gia tăng, có xu hướng tan rã sớm, tỷ lệ ly hôn tăng, số năm chung sống ngắn.
Hiện nay, hôn nhân có tự do hơn trước nhưng mâu thuẫn lại gia tăng, có xu hướng tan rã sớm, tỷ lệ ly hôn tăng, số năm chung sống ngắn.
Đó là chia sẻ của Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm văn hóa lý luận và ứng dụng, Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh trong buổi nói chuyện chuyên đề “Giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình” do Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tổ chức tại Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh, ngày 26-6.
* Nguy cơ ở gia đình hiện đại
Ông Phạm Xuân Diện, ngụ tại tổ 7, KP1, phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa băn khoăn: “Tôi không hiểu tại sao hiện nay giới trẻ kết hôn nhanh mà cũng chia tay nhanh. Phải có một giải pháp nào đó để hạn chế tình trạng này nhằm giữ gìn hạnh phúc gia đình”.
Một gia đình tham gia chế biến món ăn trong liên hoan ẩm thực do TP. Biên Hòa tổ chức nhân Ngày Gia đình 28-6-2013. |
Về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Thêm phân tích: Hiện nay, xuất hiện ngày càng nhiều gia đình hạt nhân (chỉ có 2 thế hệ: cha mẹ, con cái). Các gia đình này có xu hướng sống riêng hoàn toàn, chủ yếu sống ở thành thị (cao gấp hai lần ở nông thôn). Riêng tại Đồng Nai, phần lớn các gia đình là gia đình hạt nhân. Ưu thế của gia đình hạt nhân là tính độc lập, tự do cao, phù hợp với xã hội công nghiệp nhưng nhược điểm là giáo dục truyền thống kém, dễ xảy ra xung đột.
Theo thống kê của ngành tòa án, 5 năm trở lại đây, mỗi năm Đồng Nai có khoảng 5 ngàn vụ án ly hôn, chiếm tỷ lệ trên 40% trong tổng số các loại án. Cũng trong 5 năm qua, án ly hôn đã tăng từ 10-23%. Điều đáng nói là phần lớn vụ ly hôn thuộc về những gia đình trẻ. |
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Thêm phân tích, ở khu vực Đông Nam bộ, trong đó có Đồng Nai là một trong những khu vực có tỷ lệ ly hôn, ly thân cao so với cả nước. 3 nguyên nhân chính dẫn đến ly hôn là mâu thuẫn về lối sống, ngoại tình và kinh tế khó khăn. Cụ thể như, nguyên nhân không hài lòng, bất hòa về ứng xử chiếm gần 45% các vụ ly hôn; khó khăn về kinh tế chiếm gần 43%; không hòa hợp về sinh lý và ngoại tình chiếm 10%. Tuy nhiên, nguyên nhân cốt lõi là không biết giải quyết tốt các xung đột. Phần lớn xung đột gia đình là do sự khác biệt về giới; không ít trường hợp vợ bị chồng đánh do nói nhiều, do cằn nhằn vô lý hoặc ghen tuông vô cớ...
* Giải quyết xung đột
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Thêm, 3 nguyên tắc chung để giải quyết và giảm thiểu xung đột gia đình đó là cần có sự hiểu biết về sự khác biệt; phải bao dung để chấp nhận chung sống với sự khác biệt; đồng thời phải có sự hợp tác, đồng cảm và chia sẻ. Khi có xung đột thì việc cần làm đầu tiên là tìm chỗ đúng của người và chỗ sai của mình để cả hai cùng khắc phục sửa chữa. Ngoài ra, ngay khi chọn bạn đời cũng cần chú ý 3 tiêu chuẩn sau: biết cách cư xử, tư cách đạo đức tốt; khỏe mạnh; biết cách làm ăn. Trong đó, tiêu chí biết cách ứng xử phải đứng đầu.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao, Trưởng bộ môn tâm lý Đại học Sài Gòn, chia sẻ bí quyết để gìn giữ gia đình là phải sống có trách nhiệm. Giới trẻ ngày nay thường chạy theo cảm xúc của bản thân nhiều hơn so với cảm xúc của người khác. Những ai sống có trách nhiệm sẽ biết kìm chế, triệt tiêu cảm xúc ngoài luồng vì gia đình. Do đó, các bậc phụ huynh cần chú trọng giáo dục cho con em mình sống có trách nhiệm với gia đình, cha mẹ và với cả bản thân ngay khi còn bé.
Bữa cơm gia đình - Kết nối yêu thương Trong buổi nói chuyện chuyên đề: “Bữa cơm gia đình - Kết nối yêu thương” do Phòng Văn hóa - thông tin TP.Biên Hòa tổ chức ngày 26-6, Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao, Trưởng bộ môn tâm lý Đại học Sài Gòn, chia sẻ hiện nay, nhiều gia đình xem nhẹ các bữa cơm gia đình, nhất là các gia đình trẻ. Trong khi đó, bữa ăn gia đình là cơ hội để các thành viên trong gia đình kết nối, chia sẻ, quan tâm nhau hơn. Để duy trì được bữa ăn gia đình, ngoài vai trò tổ chức của người phụ nữ thì sự hợp tác, chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình, nhất là các đấng mày râu rất quan trọng. Ngoài ra, phụ huynh cần cho con em mình tham gia nấu ăn để các em có sự trải nghiệm và rèn luyện kỹ năng tự lập trong cuộc sống. Chúng ta hãy xem bữa ăn gia đình là một phương tiện kết nối yêu thương chứ đừng quá khắt khe theo một quy chuẩn nào đó. Trong bữa ăn phải tạo không khí cởi mở, ấm cúng; tránh nói đến những vấn đề liên quan đến tiền bạc, kỷ luật con cái... |
Ngọc Thư