Báo Đồng Nai điện tử
En

Biến đổi khí hậu, hiểm họa khó lường

11:06, 26/06/2013

Những năm gần đây, biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nặng nề đến nước ta. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước, Việt Nam là một trong 5 nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

Những năm gần đây, biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nặng nề đến nước ta. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước, Việt Nam là một trong 5 nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

Khoảng 4-5 năm lại đây, mưa bão, lũ lụt trong cả nước diễn ra ngày càng khốc liệt và khó dự báo. Tại Đồng Nai, biến đổi khí hậu cũng đang ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp.             

Thiên tai nhiều hơn

Trong giai đoạn 2008-2012, thiên tai làm cả nước chết, mất tích 1.868 người, bị thương gần 3 ngàn người. Đồng thời, thiên tai gây thiệt hại về tài sản gần 74 ngàn tỷ đồng, tăng trên 19 ngàn tỷ đồng so với  giai đoạn 2002-2007. Như vậy, tỷ lệ thiệt hại về tài sản so với sản phẩm quốc nội là 1,48% GDP/năm.

Cơn bão số 1 năm 2012 làm Đồng Nai thiệt hại lớn về tài sản. Ảnh: K.Minh
Cơn bão số 1 năm 2012 làm Đồng Nai thiệt hại lớn về tài sản. Ảnh: K.Minh

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên 5 năm lại đây, thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra ngày càng lớn. Cụ thể trong giai đoạn 2002-2007, thiệt hại về tài sản khoảng 11 ngàn tỷ đồng/năm, nhưng từ năm 2008 đến nay, thiệt hại đã tăng lên gần 15 ngàn tỷ đồng/năm. Dự báo, năm 2013 và những năm tiếp theo, thời tiết ở Việt Nam vẫn diễn biến bất thường. Bão, áp thấp trên biển Đông ảnh hưởng trực tiếp đến trong nước ngày càng nhiều. Trong đó, hướng đi của các cơn bão, áp thấp khó dự báo hơn và sẽ có nhiều cơn bão mạnh lên thành “siêu bão” với khả năng tàn phá rất lớn. Bão, áp thấp vài năm lại đây thường đến sớm, khu vực phía Nam trong mùa khô cũng xuất hiện bão.

Đồng Nai chịu tác động nặng nề

Khoảng 4-5 năm lại đây, Đồng Nai chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, trong đó, ngành nông nghiệp chịu tác động lớn nhất. Vào cuối tháng 3-2012, đang trong mùa khô xảy ra cơn bão làm toàn tỉnh thiệt hại gần 300 tỷ đồng và kéo theo hàng loạt hệ lụy. Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng trực tiếp đến ngành nông nghiệp. Vùng Nhơn Trạch, những khu vực gần sông bị mặn xâm nhập khiến cây trồng bị chết, giảm năng suất, thu nhập của nhiều nông dân giảm mạnh. Ngoài ra, thời tiết bất thường làm cây trồng, vật nuôi thường xuyên bị sâu bệnh, dịch bệnh, đẩy chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao.          

Uyn Nhi         

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị tác động mạnh mẽ nhất bởi biến đổi khí hậu. Trong đó, là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng. Nếu mực nước biển dâng 1m, sẽ có khoảng 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển bị ngập. Trong đó, TP.Hồ Chí Minh bị ngập trên 20% diện tích và Đồng Nai sẽ có hàng ngàn hécta vùng Nhơn Trạch bị ngập. Theo ước tính của các nhà khoa học, nếu nước biển dâng khoảng 1m sẽ có 10-12% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP.

Tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam là rất nghiêm trọng và đây cũng chính là nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước. Biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực đến Việt Nam, đòi hỏi chúng ta phải tìm ra mô hình và phương thức phát triển theo hướng bền vững. Hiện nay, nhận thức về biến đổi khí hậu của cộng đồng còn hạn chế và phiến diện, mới chỉ quan tâm đến các tác động tiêu cực mà biến đổi khí hậu gây ra mà chưa quan tâm đúng mức tới việc chuyển đổi lối sống, mẫu hình sản xuất và tiêu thụ theo định hướng carbon thấp, tăng trưởng xanh.

Thích ứng với biến đổi khí hậu

Những thách thức về biến đổi khí hậu đòi hỏi Việt Nam phải có những nỗ lực hơn nữa trong các chính sách, biện pháp nhằm nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng về ứng phó với biến đổi khí hậu. Vấn đề quan trọng hàng đầu trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu đối với Việt Nam là phải thích ứng với biến đổi khí hậu, nói cách khác là vấn đề thích ứng cần phải được đặt trọng tâm. Thích ứng với biến đổi khí hậu cần được lồng ghép trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở tất cả các quy mô. Thích ứng sẽ là một quá trình liên tục trong nhiều thập kỷ với những nhu cầu riêng biệt, nhưng liên quan với nhau ở các giai đoạn ngắn hạn, trung hạn, dài hạn.

Đồng Nai triển khai diễn tập phòng chống lụt bão trước mùa mưa lũ. Ảnh: H.Giang
Đồng Nai triển khai diễn tập phòng chống lụt bão trước mùa mưa lũ. Ảnh: H.Giang

Các biện pháp thích ứng là rất cấp thiết ở cấp địa phương. Đầu tư cho các biện pháp thích ứng và cụ thể là cho những cơ sở hạ tầng (ven biển, giao thông, năng lượng, nông nghiệp) có khả năng chống chịu các hiện tượng khí hậu cực đoan sẽ giảm được những chi phí rất lớn trong tương lai. Việc này rất quan trọng để đánh giá các kế hoạch mở rộng các thành phố, các khu công nghiệp mới, các dịch vụ môi trường (đặc biệt là xử lý chất thải và nước thải), lựa chọn địa điểm xây dựng các cơ sở hạ tầng, như: cảng, đường bộ, đường sắt, hệ thống cấp thoát nước và các cơ sở hạ tầng khác trong tương lai.

Tăng cường quản lý rủi ro thiên tai (bão, lũ lụt, hạn hán) là một ưu tiên cần được các địa phương quan tâm vì hiện nay, biến đổi khí hậu đang làm cho thời tiết cả nước diễn biến tiêu cực, như: về mùa mưa, mưa nhiều nhưng chỉ tập trung trong thời gian ngắn, về mùa khô thời tiết nắng nóng hơn nên nguy cơ hạn hán ngày một tăng. Tất cả những bất lợi trên của thời tiết đều ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của các gia đình. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vẫn là những nông dân trực tiếp sản xuất. Vì vậy, áp dụng sản xuất thân thiện với môi trường sẽ làm chậm lại tiến trình của biến đổi khí hậu và như thế, thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra sẽ thấp hơn.

Hương Giang                                                            

Một số giải pháp giảm nhẹ biến đổi khí hậu

Theo Bộ Tài nguyên - môi trường, để giảm nhẹ biến đổi khí hậu, các địa phương thực hiện một số giải pháp sau:

- Thực hiện có hiệu quả phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ).

- Tăng cường công tác dự báo thời tiết và thông tin rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chủ động phòng tránh khi thời tiết tiêu cực.

- Tăng cường cơ sở vật chất và mạng lưới cứu hộ thiên tai bão, lũ.

- Quy hoạch và xây dựng các khu vực tránh bão lũ. Đồng thời, vận động những người dân có điều kiện nên xây dựng nhà kiên cố, cao tầng để hạn chế tối đa tổn thất về người, của cải. Từng địa phương phải có phương án tổ chức diễn tập cho người dân di chuyển đến nơi an toàn trước các trận bão, lũ.

- Các địa phương có giải pháp ứng phó với nguy cơ thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn ở những vùng gần sông lớn, biển bằng cách xây dựng đê, bờ bao ngăn chống lũ và xâm nhập mặn.

- Nghiên cứu và đưa các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thời tiết khắc nghiệt để hạn chế dịch bệnh và thiên tai.

- Tăng cường công tác trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn. Và đưa vấn đề biến đổi khí hậu vào chương trình học ở các cấp trung học trở lên nhằm nâng cao nhận thức của người dân về các thảm họa liên quan đến thiên tai, khí hậu.

- Tuyên truyền nông dân, doanh nghiệp ứng dụng sản xuất sạch.

H.G    

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều