Báo Đồng Nai điện tử
En

Vừa ăn vừa lo

09:05, 24/05/2013

Từ đầu năm đến nay, Đồng Nai đã có hơn 10 vụ thực phẩm bẩn với số lượng lớn và hàng chục vụ giết mổ lậu, vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc, sử dụng thực phẩm hư thối trong chế biến… được phát hiện.

Từ đầu năm đến nay, Đồng Nai đã có hơn 10 vụ thực phẩm bẩn với số lượng lớn và hàng chục vụ giết mổ lậu, vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc, sử dụng thực phẩm hư thối trong chế biến… được phát hiện.

Theo nhận định của Ban Chỉ đạo bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (AT-VSTP) tỉnh, số lượng thực phẩm bẩn bị phát hiện, thu giữ, tiêu hủy chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

* Khó quản thực phẩm bẩn

Mới đây, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường  (Công an Đồng Nai) phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh kiểm tra, phát hiện cơ sở của bà Trần Thị Xoan ở phường Tân Hòa (TP. Biên Hòa) đang chế biến 150 kg nội tạng đã ở tình trạng hôi thối, không rõ nguồn gốc. Nếu không được ngành chức năng phát hiện, tiêu hủy, chỉ qua 1-2 ngày, những nội tạng này sau khi được xử lý bằng hóa chất sẽ biến thành những món ăn trong các hàng quán và bữa ăn gia đình của nhiều người dân.

Ngày 6-5, cơ quan chức năng phát hiện cơ sở chế biến măng tươi ở phường Hố Nai, TP.Biên Hòa chế biến rất mất vệ sinh. Ảnh: Đình Biên
Ngày 6-5, cơ quan chức năng phát hiện cơ sở chế biến măng tươi ở phường Hố Nai, TP.Biên Hòa chế biến rất mất vệ sinh. Ảnh: Đình Biên

Trước đó, Công an xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất) đã phát hiện và bắt giữ đối tượng Nguyễn Đức Duy ở phường Long Bình (TP.Biên Hòa) chở 80 kg thịt và nội tạng heo đã thối. Hoặc vụ hộ ông Cao Ngọc Tuấn, ở xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) bị phát hiện khi đang chế biến khoảng 1 tấn nội tạng, đầu, xương, lưỡi bò, mỡ bò không rõ nguồn gốc, đã bốc mùi thành thực phẩm sử dụng hàng ngày của nhiều người.

Hiện nay, vấn đề quản lý AT-VSTP được giao cho 3 ngành: Công thương, nông nghiệp - phát triển nông thôn và y tế. Nhưng việc quản lý “cắt khúc” và phối hợp giữa 3 ngành không phải lúc nào cũng nhịp nhàng và hiệu quả.

“Vấn đề xử lý thực phẩm bẩn gặp rất nhiều khó khăn. Một thực tế đặt ra là, không thể xử lý triệt để thực phẩm bẩn. Dù có sự phối hợp, nhưng rõ ràng, mỗi ngành đều có những khó khăn và hạn chế riêng. Các đoàn thanh tra, lực lượng quản lý thị trường dù có cố gắng lắm cũng chỉ hạn chế phần nào lượng thực phẩm kém chất lượng ra thị trường, chứ khó có thể diệt tận gốc việc lưu hành, chế biến thực phẩm bẩn” - ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, nói.

* Loay hoay giải bài toán khó

Tại buổi làm việc với Đồng Nai về công tác bảo đảm AT-VSTP mới đây, ông Đỗ Thanh Lam,  Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương về AT-VSTP, thừa nhận: “Việc kiểm soát chất lượng thực phẩm tại các địa phương đang gặp nhiều khó khăn. Đã có những lúc, những nơi, ngành chức năng bị “qua mặt” bởi thủ đoạn vận chuyển, chế biến thực phẩm bẩn rất tinh vi. Bên cạnh đó, việc bất cập, chồng chéo trong hệ thống văn bản pháp luật, cũng là một trong những rào cản khiến việc xử lý khó triệt để”.

Khó lòng dẹp bỏ thực phẩm bẩn!

“Không ít người dân chưa có ý thức tự bảo vệ mình, vì ham rẻ mà mua loại thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không quan tâm đến chất lượng nên ngành chức năng nỗ lực mấy cũng khó lòng dẹp bỏ được thực phẩm bẩn” - ông Nguyễn Đình Bình, Chi cục trưởng Chi cục An toàn - vệ sinh thực phẩm tỉnh.

Ông Đinh Gia Hiến, Chánh thanh tra Chi cục AT-VSTP tỉnh, cho hay: “Việc quản lý AT-VSTP là vấn đề nhạy cảm và khó khăn. Hiện công cụ quản lý là các văn bản pháp luật. Nhưng chính các văn bản này cũng còn nhiều bất cập, chồng chéo”.

Ông Hiến đưa ra một ví dụ cụ thể: Hành vi “sử dụng các loại thuốc thú y, hóa chất, phụ gia chế biến bị cấm sử dụng, không được phép lưu hành ở Việt Nam hoặc sử dụng không đúng quy định của pháp luật” thì Điều 16, khoản 1, điểm c của Nghị định số 128/CP phạt từ 3-5 triệu đồng. Trong khi đó cũng hành vi này, thì Điều 15, khoản 5, điểm c của Nghị định số 45/CP lại có mức phạt từ 10-15 triệu đồng. Ông Hiến cho rằng, đó chỉ là một trong những bất cập của các văn bản pháp luật, khiến cho việc xử phạt vừa khó, lại vừa không thể hiện tính chất nghiêm minh của pháp luật.

Phương Liễu

 

 

 

Tin xem nhiều