Thành lập tháng 5-1993 theo chủ trương của UBND tỉnh về việc nuôi dạy con em đồng bào dân tộc thiểu số trong toàn tỉnh, 20 năm qua, thầy trò Trường phổ thông dân tộc nội trú (DTNT) tỉnh (xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom) đã không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn để khẳng định mình.
Thành lập tháng 5-1993 theo chủ trương của UBND tỉnh về việc nuôi dạy con em đồng bào dân tộc thiểu số trong toàn tỉnh, 20 năm qua, thầy trò Trường phổ thông dân tộc nội trú (DTNT) tỉnh (xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom) đã không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn để khẳng định mình.
Hiệu phó Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Sầm Thị Lệ Thanh (trái) chỉnh lại trang phục truyền thống cho học sinh. |
Anh Ban Văn Đạt (dân tộc Tày, ngụ xã Núi Tượng, huyện Tân Phú, cựu học sinh của trường) bồi hồi cho biết: “Tôi vào trường năm lớp 4. Những ngày đầu sống xa nhà, nhiều người khóc đòi về cho bằng được và ở trường cái gì cũng lạ lẫm. Chính nhờ sự quan tâm, động viên của các thầy cô, đặc biệt là thầy quản sinh, dần dần chúng tôi thấy an tâm, ấm áp, xem đây như chính ngôi nhà thứ hai của mình. Từ môi trường kỷ luật nghiêm minh đã rèn cho tôi cách sống tự lập, nỗ lực đi lên bằng chính sức lực của mình”.
20 năm qua, Trường phổ thông DTNT tỉnh đã tiếp nhận học sinh của 16 dân tộc trong tỉnh cùng chung sống, học tập. Hội đồng sư phạm nhà trường hiện có 62 người (trong đó có 36 giáo viên trực tiếp giảng dạy 12 lớp, 5 giáo viên người dân tộc thiểu số). Trường hiện có 14 phòng học, đảm bảo đủ để học sinh học 2 ca, mỗi lớp học được trang bị 1 máy tính có kết nối internet để học sinh truy cập mạng, 2 phòng học Tiếng Anh, 2 phòng thí nghiệm.
Học sinh ngoài việc được đảm bảo an toàn trong việc ăn ở, sinh hoạt hàng ngày còn thường xuyên được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao rèn luyện sức khỏe.
“Trường rất chú trọng tới việc tổ chức sinh hoạt văn hóa dân gian vào mỗi dịp lễ tết nhằm giữ gìn giá trị truyền thống văn hóa dân tộc thiểu số cho học sinh. Qua đó, tăng cường tinh thần đoàn kết, yêu thương, đùm bọc, tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong học tập cũng như trong cuộc sống” - thầy Nguyễn Phi Phúc, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
20 năm qua, có nhiều thế hệ học sinh của trường thành đạt trong cuộc sống, trở thành cán bộ huyện, xã, là doanh nhân, bác sĩ, điều dưỡng, y tá… Đặc biệt hơn, có những người sau khi tốt nghiệp đại học đã quay về trường giảng dạy. Thầy Thổ Sô, dân tộc K’ho dạy môn Ngữ văn là một trong số đó. Bắt đầu về lại trường năm 2003, thầy Thổ Sô hăng say hoạt động Đoàn, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho học sinh. Thầy Sô chia sẻ: “Ngoài cương vị giáo viên, tôi tự xem mình như là đàn anh của các em. Còn sống còn cống hiến, huống gì tôi lại từng lớn lên, trưởng thành từ chính ngôi trường thân thương này. Tình cảm thầy trò qua bao thế hệ vẫn còn vẹn nguyên trong tôi như mới ngày đầu”...
Hạnh Dung