Cô Hoàng Diệu Thúy (giáo viên dạy môn Giáo dục công dân Trường THPT Long Khánh) là một trong 16 cá nhân được UBND tỉnh trao bằng khen vì có những đóng góp tích cực trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhà trường.
Cô Hoàng Diệu Thúy (giáo viên dạy môn Giáo dục công dân Trường THPT Long Khánh) là một trong 16 cá nhân được UBND tỉnh trao bằng khen vì có những đóng góp tích cực trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhà trường.
Trong hơn 10 năm đứng lớp, cô Thúy luôn tìm tòi, thực hành các tiết dạy sinh động, gần gũi, hấp dẫn để những quy phạm pháp luật đi vào tâm trí học sinh nhẹ nhàng mà hiệu quả.
* Khơi dậy sự sáng tạo
Với tiêu chí đề ra là phải phát huy tối đa khả năng sáng tạo của học sinh, trong mỗi giờ lên lớp, cô Thúy đều tăng cường cho học sinh làm việc theo nhóm, gắn kết các thành viên lại với nhau, chia sẻ ý tưởng cùng thực hiện. “Cô cho chúng em sử dụng kỹ thuật sơ đồ tư duy để hiểu biết về dân số, việc làm; sử dụng kỹ thuật “khăn trải bàn” để chúng em bày tỏ ý kiến cá nhân về hành vi thân thiện với môi trường, về những vấn đề vô cảm đang xảy ra trong xã hội. Ý kiến đóng góp của mỗi người đều được cô xem xét, trân trọng, đánh giá và đưa ra để cả lớp cùng bàn luận. Mỗi tuần, chúng em đều mong ngóng đến tiết học của cô” - em Nguyễn Ngọc Tú, lớp 11A3, vui vẻ cho biết.
Học sinh thuyết trình về bảo vệ môi trường. |
Đối với những vấn đề nóng bỏng của xã hội, như: biến đổi khí hậu, văn hóa giao thông, các quyền cơ bản của công dân..., cô Thúy khuyến khích học sinh viết các bài tiểu luận cá nhân. Qua đó thúc đẩy các em có ý thức, trách nhiệm tìm hiểu thông tin về các văn bản pháp luật hiện hành. Đây cũng là những bước đi đầu tiên để các em làm quen dần với việc viết những bài luận nhằm rèn luyện khả năng lập luận, phân tích, đánh giá vấn đề, làm tiền đề cho việc xây dựng phương pháp học tập mới chủ động, tích cực hơn.
* Học đi đôi với hành
Để học sinh nắm rõ tình hình đời sống xung quanh mình, cô Diệu Thúy thường tổ chức cho các em đi khảo sát thực tế, hoạt động ngoại khóa, chụp hình, quay phim, phỏng vấn sau đó về cắt dán, vẽ hình ảnh, báo cáo và thuyết trình trước lớp. Những đề tài, như: “Hãy giữ lấy màu xanh của trái đất”, “Tài nguyên động, thực vật - thực trạng và giải pháp”, “Thực trạng ô nhiễm môi trường tại địa phương nơi em ở”, “Những hành vi có văn hóa trong tham gia giao thông trên đường em đến trường”… đã được các em thực hiện, qua đó, các em tự học, tự tìm hiểu sâu hơn về pháp luật, hiểu thêm vì sao phải quản lý xã hội bằng pháp luật. Những chỗ nào chưa hiểu sẽ được cô giảng giải kỹ hơn.
“Những chuyến đi thực tế là những trải nghiệm vô cùng quý giá đối với cả học sinh và giáo viên. Học sinh được tìm hiểu kỹ năng mềm, được nhìn tận mắt những điều đã học trong sách vở. Giáo viên nắm bắt được tâm lý, hiểu được học sinh nhiều hơn, có thêm kiến thức để minh họa cho nhiều bài giảng sau này”- cô Thúy bộc bạch.
Ông Lê Minh Hoàng, Giám đốc Sở GD-ĐT, Trưởng ban Điều hành đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường”, cho rằng: “Những phương pháp dạy hiệu quả như của cô Thúy cần được nhân rộng nhiều hơn nữa để học sinh hiểu biết rõ hơn về pháp luật, làm những việc tốt, có ích trong cuộc sống”.
Hạnh Dung