Chưa đầy 2 tháng nữa, học sinh lớp 12 trong toàn tỉnh sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố 6 môn thi tốt nghiệp, Sở GD-ĐT đã có văn bản gửi các trường chỉ đạo về việc tổ chức ôn tập cho học sinh chuẩn bị ôn thi.
Chưa đầy 2 tháng nữa, học sinh lớp 12 trong toàn tỉnh sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố 6 môn thi tốt nghiệp, Sở GD-ĐT đã có văn bản gửi các trường chỉ đạo về việc tổ chức ôn tập cho học sinh chuẩn bị ôn thi.
Ông Lê Minh Hoàng, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, trong 6 môn thi tốt nghiệp đã có 3 môn: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ cố định, thầy cô và học sinh các trường trong quá trình học tập đã vừa học vừa củng cố kiến thức. Còn 3 môn: Hóa học, Sinh học, Địa lý, các trường cần họp các tổ chuyên môn, giáo viên đảm nhiệm môn học để trao đổi, thống nhất chương trình, tạo điều kiện ôn thi khoa học, không dồn dập, đảm bảo sức khỏe để học sinh thi đạt kết quả tốt.
* Chủ động và khoa học
Cũng theo ông Lê Minh Hoàng, với những môn không thi tốt nghiệp, các trường có thể chủ động sắp xếp, phân bổ số tiết sao cho phù hợp với thực tiễn, cân đối với đặc điểm kiến thức lớp 12, đảm bảo đúng tiến độ chương trình một cách khoa học, hợp lý. Các trường tuyệt đối không được cắt xén, bỏ các môn phụ. Với những môn thi tốt nghiệp, các trường có thể tăng tiết lên hoặc dạy phụ đạo, đặc biệt, đối với những học sinh yếu, kém tăng ít nhất là 2 tiết/ môn/tuần.
Học sinh lớp 12A1 Trường THPT Thống Nhất A (huyện Trảng Bom) trong giờ ôn tập môn Anh văn. Ảnh: V. Chính |
Cũng như những năm trước, nội dung ôn trọng tâm tập trung vào kiến thức lớp 12, đặc biệt là sách giáo khoa, học sinh cần nắm chắc, hiểu để vận dụng kiến thức. Nhà trường và phụ huynh học sinh cần có sự thống nhất về chương trình, kế hoạch ôn thi nhằm đảm bảo cho các em ôn tập đạt chất lượng cao nhất. Phụ huynh nên quan tâm, chăm sóc các em chu đáo, tạo điều kiện nghỉ ngơi, không nên tạo áp lực quá lớn cho các em, tránh ảnh hưởng đến tâm lý trước kỳ thi.
Ông Lê Minh Hoàng, Giám đốc Sở GD- ĐT: Xem xét đổi môn thi cho một số trường Đối với môn thi Ngoại ngữ, Sở đang xem xét, cân nhắc, chú ý tới một số trường THPT ở vùng sâu, vùng xa, như: Đắk Lua (huyện Tân Phú), Huỳnh Văn Nghệ (huyện Vĩnh Cửu)…là những nơi có điều kiện học môn Anh văn khó khăn. Nếu học sinh ở các trường này có nhu cầu, đăng ký đổi môn thi Anh văn thành môn Vật lý thì Sở sẽ báo cáo lên Bộ GD-ĐT để chuyển đổi. Còn những em không có nhu cầu đổi môn thi Anh văn thì vẫn giữ nguyên. Các trường có thể tổ chức thi thử để kiểm tra kiến thức, rút kinh nghiệm, rèn cho học sinh kỹ năng làm bài nhưng không nên tổ chức quá nhiều đợt. |
“Về phía học sinh, các em cần hết sức chủ động trong học tập, lên kế hoạch ôn tập cho chính mình ở trường cũng như ở nhà, đề cao tinh thần tự học. Các em cân đối việc ôn tập, nghỉ ngơi, thư giãn, bình tĩnh, tự tin, học đều, đủ là sẽ thi đậu. Các em cũng cần xác định là học cho mình, học để lấy kiến thức, không nên học tủ, học lệch. Đây là đợt ôn tập để củng cố kiến thức cho cả kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi đại học, cao đẳng”- ông Lê Minh Hoàng nhấn mạnh.
* Dạy đến đâu chắc đến đó
Ông Trần Thanh Thiên, Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD- ĐT) cho hay: “Để đạt kết quả ôn tập hiệu quả nhất, các trường và những giáo viên bộ môn phụ trách ôn thi tốt nghiệp phải phân loại từng đối tượng học sinh để có sự điều chỉnh, thống nhất nội dung giáo án cho phù hợp. Với đối tượng học sinh yếu, kém phải có chương trình dạy riêng và chỉ dạy trong phạm vi kiến thức cơ bản thi tốt nghiệp. Dạy đến đâu chắc đến đó, nâng dần trình độ học sinh lên để đảm bảo đủ kiến thức cho kỳ thi; không dạy các chương trình nâng cao quá sức đối với đối tượng học sinh này. Các đối tượng khác có thể vừa ôn thi tốt nghiệp, vừa củng cố kiến thức thi đại học trong cùng thời điểm”.
Kỳ thi học kỳ II vào tháng 5 sắp tới, Sở sẽ trực tiếp ra đề thi 6 môn thi tốt nghiệp, các môn còn lại do nhà trường tự ra đề. Đây là đợt kiểm tra, đánh giá chất lượng rất quan trọng, qua kết quả thi nhằm điều chỉnh cách dạy, nội dung giáo án của giáo viên và cách học của học sinh. Những thầy cô trong tổ bộ môn được phân công ôn tập thi tốt nghiệp phải bám sát tình hình thực tế học lực của học sinh xem yếu, kém điểm nào để kịp thời khắc phục.
Đề cao tinh thần tự học Theo ghi nhận từ các trường, hầu hết học sinh đều tập trung hệ thống lại kiến thức, chuẩn bị sẵn sàng bước vào kỳ thi. Các em cũng được các thầy cô cho làm thử đề thi tốt nghiệp những năm trước. “Em học khối A nên các môn khối tự nhiên không lo ngại mấy, chỉ còn môn Ngữ văn và Địa lý, nhưng Địa lý được mang theo Atlat và nội dung trong sách giáo khoa đều là những kiến thức cơ bản, có thể học thêm trên ti vi, sách báo… nên em tin có thể vượt qua. Hầu hết các bạn trong lớp em đều đề cao tinh thần tự học ở nhà, không đi học ôn quá nhiều” - Trần Hoàng Nhật Linh, lớp 12 Toán Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh bộc bạch. |
Trên tinh thần của Sở, ngay từ đầu học kỳ II, việc ôn tập, phụ đạo, tăng tiết đối với học sinh lớp 12 đã được các trường chú trọng. Trường THPT Vĩnh Cửu đã dạy tăng 18 tiết/tuần đối với 6 môn thi. Trường THPT Điểu Cải (huyện Định Quán) ngoài việc ôn tổng thể cho tất cả học sinh còn tổ chức ôn tập 2 buổi đối với học sinh yếu, kém. Mỗi môn thi sẽ học tăng 4 tiết/tuần vào các buổi chiều. Thầy Trần Nghĩa Dũng, Phó hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền (TP. Biên Hòa) cho hay: “Trường sẽ tiến hành kiểm tra toàn khối 12 trong tuần này để từ kết quả đánh giá lại xem những học sinh nào chưa đạt yêu cầu nhằm tăng cường kèm cặp, dạy phụ đạo. Đối với những em học lệch, trường sẽ có kế hoạch giảng dạy riêng, tránh tình trạng học tủ, đối phó. Các môn không thi tốt nghiệp vẫn được học bình thường đến khi kết thúc chương trình học”.
“Để đạt được kết quả thi tốt nghiệp cao nhất, ngoài việc triển khai vừa học vừa ôn cho các em ngay từ đầu năm, trường sẽ triển khai đợt cao điểm ôn thi bắt đầu từ tháng 5, học sinh sẽ học cả ca tối. Những em nào có học lực yếu, kém, trường sẽ bố trí một lớp riêng để dạy đến khi nào nắm được kiến thức cơ bản thì thôi”- cô Phạm Thị Ngọc Lý, Phó hiệu trưởng Trường TH-THCS- THPT Bùi Thị Xuân (TP. Biên Hòa) cho biết.
Hạnh Dung