Báo Đồng Nai điện tử
En

Khó quản bếp ăn tập thể

09:04, 09/04/2013

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (AT-VSTP) Nguyễn Đình Bình cho biết, Đồng Nai hiện có 31 khu công nghiệp (KCN)  với hàng ngàn nhà máy, xí nghiệp, tập trung hơn 700 ngàn lao động đang làm việc nên việc quản lý chất lượng AT-VSTP suất ăn công nghiệp là rất khó.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (AT-VSTP) Nguyễn Đình Bình cho biết, Đồng Nai hiện có 31 khu công nghiệp (KCN)  với hàng ngàn nhà máy, xí nghiệp, tập trung hơn 700 ngàn lao động đang làm việc nên việc quản lý chất lượng AT-VSTP suất ăn công nghiệp là rất khó.

Theo ông Bình, dù đã tăng cường kiểm tra, tập huấn, đôn đốc, xử phạt... nhưng mới chỉ hơn 60% bếp ăn tập thể tại các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn đạt điều kiện về AT-VSTP.

* Thiếu chế tài

Đầu tháng 4 vừa qua, tại hội nghị về “Ngộ độc bếp ăn tập thể trong các KCN” do Bộ Y tế tổ chức tại Bình Dương, ông Nguyễn Hùng Long, Cục phó Cục AT-VSTP (Bộ Y tế) cho biết: “2 năm gần đây, dù không có trường hợp nào tử vong, nhưng các bếp ăn tập thể vẫn là nơi có nguy cơ cao khi mỗi năm có từ 2-4 ngàn người bị ngộ độc thực phẩm”.

Kết quả khảo sát mới đây của Bộ Y tế tại các KCN ở Đồng Nai, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh…cho thấy, chủ doanh nghiệp không chú trọng đến việc cung cấp bữa ăn an toàn cho công nhân. Giá trị khẩu phần ăn của công nhân rất thấp, chỉ trung bình từ 7-12 ngàn đồng/suất. Do đó, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng bữa ăn của công nhân.

Đồng Nai hiện có khoảng 500 bếp ăn tập thể trong các KCN và nhu cầu sử dụng suất ăn công nghiệp trên địa bàn rất lớn. Qua đợt kiểm tra nhiều bếp ăn tại các doanh nghiệp cho thấy, mới chỉ có 61% bếp ăn tập thể đạt điều kiện bảo đảm AT-VSTP (trong đó bao gồm cơ sở vật chất, nguồn gốc thực phẩm, người làm việc có khám sức khỏe, được tập huấn quy trình bảo đảm AT-VSTP…), gần 40% bếp ăn còn lại vẫn sơ sài trong hoạt động kiểm soát nguồn thực phẩm. Ông Đinh Gia Hiến, Chánh thanh tra Chi cục AT-VSTP cho hay, hiện chỉ có một số bếp ăn lớn là có hợp đồng mua bán và nguồn gốc thực phẩm khá ổn định, còn đa phần mua ở các chợ và không chứng minh được chất lượng và nguồn gốc. Một số ít bếp ăn hợp đồng với các đầu mối cung cấp nguồn thực phẩm tươi sống, như: rau, thịt, cá ở các chợ đầu mối và chợ thông thường, mỗi sáng khi nhận hàng, nhân viên phòng y tế của doanh nghiệp đến bếp ăn để kiểm tra, chủ yếu bằng cảm quan là chính, nếu thấy nghi ngờ mới cho thử mẫu.

“Một trong những vấn đề khó hiện nay là thiếu chế tài đối với chủ doanh nghiệp về trị giá suất ăn. Hiện phần lớn các doanh nghiệp chỉ chi một suất ăn từ 7-12 ngàn đồng. Chưa tính đến lợi nhuận, thì giá trị dinh dưỡng và vấn đề AT-VSTP là khó có thể bảo đảm được với nhiêu đó tiền” - ông Nguyễn Thanh Phong, Phó cục trưởng Cục AT-VSTP cho hay.

Ông Phong cho biết thêm: “Vừa qua, Bộ Y tế cũng đã tiến hành nghiên cứu, đưa ra khẩu phần dinh dưỡng hợp lý cho lao động nhẹ, lao động vừa, lao động nặng. Chúng tôi đã kiến nghị với Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra chế tài hoặc quy định nào đó về khẩu phần ăn tối thiểu cho các doanh nghiệp nhưng không dễ. Các doanh nghiệp đưa ra lý lẽ “đã trả lương cho công nhân rồi, bữa ăn là hỗ trợ của doanh nghiệp với công nhân, tùy điều kiện  mà công ty hỗ trợ nhiều hay ít”. Vì thế, khó có thể bắt buộc hoặc chế tài ngoài việc đẩy mạnh vận động các chủ doanh nghiệp quan tâm hơn đến đời sống công nhân, bảo đảm sức khỏe cho người lao động để họ gắn bó với công ty”.

* Khó cho nhiều bên

Chị H., công nhân Công ty TNHH Bultel International Việt Nam (phường Tân Hiệp, TP. Biên Hòa) cho biết: “Mỗi tháng công ty phát tiền cơm, mỗi suất ăn 12 ngàn đồng. Do công ty không tổ chức bếp ăn trong nhà máy nên hợp đồng với một công ty cung cấp suất ăn công nghiệp đưa cơm từng bữa vào nhà máy. Khi ăn xong, công nhân tự trả tiền cho suất ăn của mình”.

Bác sĩ Huỳnh Cao Hải, Phó giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng ban chỉ đạo bảo đảm AT-VSTP tỉnh: Giảm 10% các vụ ngộ độc thực phẩm trong các bếp ăn tập thể.

Trước nguy cơ mất an toàn trong các bếp ăn tập thể, Tháng hành động vì chất lượng VS-ATTP năm nay, Chính phủ đã tập trung ngăn chặn nguy cơ ngộ độc từ các bếp ăn tập thể trong các nhà máy, xí nghiệp. Đồng Nai được chọn tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì là một tỉnh công nghiệp, có nhiều khu công nghiệp, với số lượng lao động lớn nhất nước.

Mục tiêu cụ thể của tháng hành động là trên 80% chủ doanh nghiệp có bếp ăn tập thể ký cam kết chấp hành đầy đủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm; giảm 10% các vụ ngộ độc thực phẩm trong các bếp ăn tập thể. Trong Tháng hành động, Bộ Y tế sẽ thành lập các đoàn thanh tra tại từng địa phương và ở Trung ương sẽ có 8 đoàn thanh tra liên ngành, triển khai kiểm tra tại 24 tỉnh trọng điểm, nơi tập trung nhiều các khu công nghiệp, đặc biệt chú trọng tới 3 điểm “nóng” là: Đồng Nai, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh để kiểm tra các bếp ăn tập thể.

Chủ tịch Công đoàn một công ty có gần 20 ngàn lao động trên địa bàn Biên Hòa cho biết: “Hiện mỗi suất ăn của công nhân trong công ty là 9 ngàn đồng, bao gồm gạo và thực phẩm, còn các khoản, như: chất đốt, nước, điện là do phía công ty chi trả. Nhưng trong thời bão giá, trị giá khẩu phần ăn đó của người lao động không đủ cả chất lẫn lượng. Nhiều lần, Công đoàn đề xuất với công ty tăng khẩu phần ăn cho công nhân lên 10 ngàn đồng/suất thì được Ban giám đốc giải thích: Nếu thêm 1 ngàn đồng/suất/công nhân, mỗi tháng công ty sẽ phải chi thêm khoảng trên 60 triệu đồng. Doanh nghiệp đang khó khăn về đơn đặt hàng nên kiến nghị của chúng tôi chưa được ban giám đốc công ty chấp thuận”.

Chị Đinh Thị Thanh Duyên, Phó giám đốc Công ty TNHH Phan Trí Đức - một công ty chuyên cung cấp suất ăn tập thể cho hơn 40 doanh nghiệp trên địa bàn Biên Hòa với khoảng 4-5 ngàn suất ăn mỗi ngày, cho biết: “Từ sau tết đến nay, thực phẩm luôn ở giá cao nhưng chúng tôi cũng không dám lấy hàng chất lượng kém. Bởi chỉ cần một vụ ngộ độc xảy ra thì uy tín, thương hiệu gầy dựng nhiều năm sẽ đổ sông đổ biển. Hơn nữa, phần lớn các khách hàng của công ty là doanh nghiệp Nhật Bản, họ rất kỹ về chất lượng và AT-VSTP. Họ thường ký hợp đồng với giá cố định. Để họ chấp nhận nâng giá suất ăn lên thì chỉ có một cách là mình phải làm rất tốt. Hiện công ty đang nhận cung cấp suất ăn cho các công ty với giá từ 12 đến 23.500 đồng/suất”.

Phương Liễu

 

 

Tin xem nhiều