Báo Đồng Nai điện tử
En

Dạy trước lớp 1 là phản khoa học

09:04, 05/04/2013

Các nhà giáo dục và tâm lý học cho rằng: “Dạy trước khi vào lớp 1 là phản khoa học. Ở lứa tuổi chuyển tiếp từ giai đoạn mầm non sang tiểu học có vai trò rất quan trọng, trẻ cần phải được tập dần cho thích nghi với môi trường mới.

Các nhà giáo dục và tâm lý học cho rằng: “Dạy trước khi vào lớp 1 là phản khoa học. Ở lứa tuổi chuyển tiếp từ giai đoạn mầm non sang tiểu học có vai trò rất quan trọng, trẻ cần phải được tập dần cho thích nghi với môi trường mới. Dạy trước rất dễ dẫn đến việc trẻ nhàm chán, lơ là trong học tập vì các kiến thức đã biết, đã được dạy, từ đó dẫn đến tâm lý chán học, chủ quan, ít tập trung, chỉ lo ngồi chọc phá bạn, thiếu ý thức, không có nề nếp học tập... và đến một thời gian nào đó trẻ sẽ bị tụt lại phía sau. Trái non chín ép sẽ khó được như sự kỳ vọng. Ở tuổi này, trẻ cần được vui chơi và chỉ nên cho làm quen với chữ cái và số là đủ”.

Thế nhưng, tại sao phụ huynh vẫn cho con học trước? Có hai nguyên nhân chính khiến trẻ phải học trước là từ phía nhà trường và gia đình. Đó là do giáo viên lớp 1 thường dạy lướt khi học sinh đã biết chữ, ít chú trọng đến những học sinh còn là “tờ giấy trắng” khiến nhiều học sinh phải tự “bơi”. Chính điều đó đã đánh vào tâm lý của không ít phụ huynh. Cha mẹ không yên tâm, sợ con không theo kịp chương trình, thua kém bạn bè. Bên cạnh đó, cha mẹ quá kỳ vọng vào điểm số của con, thích thành tích, lo con mình không giỏi bằng con người khác..., vậy là cho con đi học trước.

Trả lời báo chí về việc chấn chỉnh việc học thêm trước khi vào lớp 1, ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho biết: “Bộ sẽ xem xét để có công văn yêu cầu các địa phương phổ biến đến các trường về việc giáo viên không được chấm điểm đối với học sinh lớp 1 trong học kỳ I. Việc thay đổi cách đánh giá hy vọng sẽ làm giảm bớt áp lực trong việc học thêm của phụ huynh, học sinh tiểu học”. Đây chỉ là biện pháp chữa cháy hay phần ngọn của vấn đề bởi hơn 10 năm trước, Bộ cũng đã có thông tư quy định chỉ đánh giá học sinh lớp 1 bằng định tính ở học kỳ 1, không cho điểm số.

Để những giải pháp mà Bộ GD-ĐT sắp đưa ra sẽ được thực hiện có hiệu quả, theo các nhà giáo có kinh nghiệm, thì phải làm triệt để, kiên quyết từ nhà trường và giáo viên, nếu không thực trạng này vẫn còn kéo dài chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt!

Hưng Nhân

 

 

Tin xem nhiều