Năm 2013 đánh dấu tròn 10 năm Trường cao đẳng nghề số 8 (Bộ Quốc phòng) được tỉnh Đồng Nai phối hợp để đào tạo nghề và quản lý học viên dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Năm 2013 đánh dấu tròn 10 năm Trường cao đẳng nghề số 8 (Bộ Quốc phòng) được tỉnh Đồng Nai phối hợp để đào tạo nghề và quản lý học viên dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Đại tá Trần Anh Thu, Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề số 8 nhớ lại, năm 2002 nhà trường bắt đầu nhận đào tạo nghề và quản lý học viên dân tộc thiểu số trong điều kiện còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất. Tuy nhiên, bằng sự chủ động và kiên trì trong việc phối hợp giữa nhà trường và các sở, ngành của tỉnh nên 10 năm qua đã có hơn 3,8 ngàn học sinh dân tộc thiểu số được đào tạo nghề, trong đó có trên 85% học viên sau khi tốt nghiệp được giới thiệu việc làm.
* Đưa học viên đến trường nghề
Theo Ban giám hiệu Trường cao đẳng nghề số 8, việc đưa học sinh đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đến trường nghề những năm đầu triển khai đề án gặp không ít khó khăn, dù hầu hết các học viên đều được đào tạo nghề miễn phí, được rèn luyện trong môi trường có tính kỷ luật cao và được hưởng nhiều chế độ ưu đãi của Đảng và Nhà nước. Thượng tá Phạm Hoài Bắc, Phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo cho biết, năm học 2002-2003 - năm đầu tiên tiến hành chiêu sinh, cán bộ của trường xuống tận các gia đình của 7 huyện, tuyển được 100 học viên thuộc 15 dân tộc, trong đó đông nhất là học viên dân tộc Tày, Nùng, Chơro… Số lượng học viên học nghề những năm tiếp theo thường năm sau cao hơn năm trước, trong đó cao nhất là năm 2010 với 507 học viên.
Học viên ngành công nghệ ô tô trong giờ thực hành. Ảnh: C. Nghĩa |
Số lượng học viên tăng lên hàng năm, đồng nghĩa với quy mô các ngành nghề đào tạo cho học viên dân tộc thiểu số cũng được mở rộng. Nếu như năm 2002, Trường cao đẳng nghề số 8 mới chỉ đào tạo được 4 nghề cơ bản, gồm: điều dưỡng viên căn bản, sửa chữa xe máy, gia công cơ khí, cơ điện tử dân dụng thì đến nay, học viên dân tộc thiểu số có thể lựa chọn học tới 10 ngành nghề khác nhau, trong đó có nhiều nghề dễ kiếm việc làm, thu nhập ổn định, như: may công nghiệp, hàn, điện lạnh, kế toán, công nghệ ô tô… Ngoài ra, trường còn mở các lớp bổ túc văn hóa trình độ THCS và THPT.
Khi ra trường, học viên dân tộc vừa có bằng nghề trình độ từ trung cấp đến cao đẳng, vừa có bằng tốt nghiệp THPT và được giới thiệu việc làm. Theo thống kê của trường, có trên 85% học viên tốt nghiệp đã được giới thiệu việc làm với mức thu nhập mỗi tháng từ 3 - 3,5 triệu đồng trở lên.
* Nâng cao chất lượng đào tạo
Trung tá Nguyễn Xuân Quế, Trưởng phòng Đào tạo Trường cao đẳng nghề số 8 cho biết, thời gian qua nhà trường đã được Bộ Quốc phòng đầu tư hiện đại về cơ sở vật chất, đặc biệt là các máy móc phục vụ thực hành của học viên. Ngoài 1.684 học viên đã tốt nghiệp, hiện trường tiếp tục đào tạo 1.122 học viên dân tộc, trong đó có 80 học viên trình độ cao đẳng, 854 hệ trung cấp, còn lại là đang học văn hóa trình độ lớp 6 đến lớp 9 bậc THCS. Hướng tới trường sẽ không chỉ tiếp tục nâng chỉ tiêu tuyển sinh, mà còn đẩy mạnh nâng cao chất lượng đào tạo, gắn với nhu cầu thực tế của thị trường lao động, đặc biệt là một số ngành sẽ đạt đến trình độ đào tạo nghề quốc tế.
Để những học viên đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh yên tâm học nghề, học văn hóa, mỗi năm tỉnh dành kinh phí hỗ trợ học phí 5,4 triệu đồng cho học viên nghề hệ cao đẳng, trên 4,1 triệu đồng dành cho học viên trung cấp và trên 2,4 triệu đồng dành cho học sinh học lớp văn hóa phổ thông. Ngoài ra, tỉnh cũng hỗ trợ 830 ngàn đồng tiền ăn cùng tư trang, vật dụng, như: sách vở, quần áo, giày dép, thuốc… Theo Đại tá Trần Anh Thu, 10 năm chung sức với tỉnh Đồng Nai trong đào tạo nghề và quản lý học viên dân tộc thiểu số, trường đã dành kinh phí trên 7,3 tỷ đồng hỗ trợ thêm cho học viên. |
Ông Lâm Duy Tín, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội cho biết, Đồng Nai là một trong số các tỉnh đầu tiên trong cả nước sớm có chương trình hỗ trợ đào tạo nghề và quản lý học viên dân tộc thiểu số. Việc được đào nghề gắn với bồi dưỡng trình độ văn hóa và giới thiệu việc làm sau khi ra trường sẽ tạo điều kiện cho các học viên có điều kiện thay đổi nhận thức và phát triển kinh tế gia đình.
Không ít học viên dân tộc sau khi học nghề, học văn hóa tại Trường cao đẳng nghề số 8 trở về địa phương công tác còn góp phần nâng cao đội ngũ cán bộ cơ sở, đặc biệt trong 10 năm qua đã có 23 học viên dân tộc được kết nạp Đảng. Điển hình trong số đó là chị K’Thơm (xã Thanh Sơn, huyện Tân Phú) hiện đang công tác tại Bệnh viện đa khoa huyện Tân Phú; anh Dương Văn Mụm hiện đang đảm nhiệm chức Xã đội trưởng xã Phước Bình (huyện Long Thành).
Công Nghĩa