Nhiều loại dịch bệnh đang bùng phát trên địa bàn tỉnh. Nguy cơ dịch chồng dịch đang rất cao, khiến ngành y tế như “ngồi trên lửa”. Trong khi đó, không chỉ người dân thờ ơ, mà ngay cả chính quyền địa phương nhiều nơi vẫn đủng đỉnh với công tác phòng dịch…
Nhiều loại dịch bệnh đang bùng phát trên địa bàn tỉnh. Nguy cơ dịch chồng dịch đang rất cao, khiến ngành y tế như “ngồi trên lửa”. Trong khi đó, không chỉ người dân thờ ơ, mà ngay cả chính quyền địa phương nhiều nơi vẫn đủng đỉnh với công tác phòng dịch…
Do quá tải, bệnh nhi phải nằm điều trị ở hành lang của Khoa nhiễm Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: P. Liễu |
Bác sĩ Cao Trọng Ngưỡng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, cho biết: “Năm nay, dự báo khả năng bệnh tay chân miệng (TCM) và sốt xuất huyết (SXH) tiếp tục diễn biến phức tạp ở diện rộng với tỷ lệ mắc bệnh cao; sự lưu hành và nguy cơ kháng thuốc của bệnh sốt rét cũng như khả năng xuất hiện và lây lan của một số bệnh truyền nhiễm gây dịch khác trong cộng đồng, như: cúm A, tả, lỵ, thương hàn… khiến cho công tác phòng dịch hiện nay là rất cấp bách”.
* Nguy cơ dịch chồng dịch
Theo bác sĩ Huỳnh Cao Hải, Phó giám đốc Sở Y tế, Đồng Nai hiện ở tốp 5 trong số những tỉnh, thành có nhiều ca bệnh TCM và SXH nhất cả nước. Theo ghi nhận của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, bệnh TCM đang gia tăng rất nhanh. Chỉ trong 3 tháng đầu năm đã có gần 1,5 ngàn ca bệnh, tăng hơn 450 ca so với cùng kỳ. Còn bệnh SXH tuy giảm 380 ca so với cùng kỳ nhưng vẫn đang ở mức cao; bệnh sốt rét sau nhiều năm “vắng bóng” đã xuất hiện trở lại với gần 60 ca bệnh, trong đó có 3 ca ác tính. Một số dịch bệnh khác như tiêu chảy cũng tăng khoảng 20% so với cùng kỳ; bệnh viêm họng hạt bóng nước (thuộc chủng EV71 như virus gây bệnh TCM), tuy nhẹ hơn nhưng cũng đang lây lan khá nhanh. Đặc biệt, nguy cơ lây lan của dịch cúm A/H5N1 là rất cao do trên địa bàn có đàn gia cầm lớn cùng hệ thống giao thông thông thương với nhiều tỉnh, thành. Dịch cúm A/H7N9 với nguồn lây từ gia cầm tuy chưa xuất hiện nhưng ngành y tế cũng đang hết sức lo ngại bởi điều kiện để dịch này tràn vào Việt Nam là không quá khó.
* Cần một chế tài nghiêm ngặt
Để đối phó với tình trạng dịch bệnh bùng phát và lây lan rộng, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Song thực tế hiện nay, công tác phòng dịch gần như được “khoán trắng” cho ngành y tế.
Bác sĩ Nguyễn Đức Phước, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Trảng Bom, cho biết: “Trảng Bom có nhiều khu công nghiệp, số lượng công nhân ở nhà trọ cũng rất đông nhưng nhận thức của đối tượng này về phòng chống dịch rất hạn chế. Ngành y tế không thể đi rửa tay cho từng cháu bé, tiêu độc khử trùng cho từng hộ gia đình, không thể đi đổ từng chai, hũ, chậu chứa nước đọng cho từng hộ dân. Phòng dịch là trách nhiệm của toàn dân. Việc người dân thờ ơ để dịch bệnh lây lan cũng cần có biện pháp kiên quyết hơn và việc này phải là trách nhiệm của chính quyền địa phương”.
Trong chuyến về công tác tại Đồng Nai mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Đồng Nai là một trong những “điểm nóng” về dịch bệnh. Do đó, việc phòng chống cần có sự phối hợp của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và người dân. Nếu “khoán trắng” cho y tế thì việc phòng chống chắc chắn sẽ thất bại. Vì vậy, Ban chỉ đạo tỉnh cần có sự chỉ đạo xuyên suốt và “buộc” trách nhiệm cho từng địa phương. Khi dịch bệnh còn nằm trong diện được kiểm soát thì cần tích cực phối hợp ngăn chặn. Nếu lơ là, để bùng phát mạnh rồi, chỉ ngành y tế không thể kham nổi”. |
Đồng ý với ý kiến này, bác sĩ Nguyễn Hồng Vân, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Cẩm Mỹ, cho rằng: “Lâu nay công tác phòng chống dịch bệnh tốn nhiều công sức, tiền bạc nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn. Đã đến lúc cần sử dụng những biện pháp chế tài nghiêm ngặt hơn bởi tại Điều 6, 7, 8 và 9 Luật Phòng chống các bệnh lây nhiễm đã quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm; nghiêm cấm những hành vi không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm”.
Về công tác phối hợp chống dịch, bác sĩ Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Trung tâm y tế TP. Biên Hòa, chia sẻ: “Biên Hòa là địa bàn có số ca mắc các dịch bệnh cao do mật độ dân cư đông. Việc phối hợp trong công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn hiện khá tốt, nhưng vẫn cần sự thống nhất trong ban chỉ đạo từ trên xuống, bởi chống dịch là vấn đề cấp bách. Khi dịch xuất hiện cần phải phối hợp ngay để dập dịch, nhưng yêu cầu phối hợp đột xuất này thường không được các đơn vị hưởng ứng vì… thiếu kế hoạch gửi trước. Lúc này, y tế phải “xuống nước” năn nỉ”.
Phương Liễu