Anh Phạm Công Đăng (49 tuổi) ở ấp 11, xã Bình Sơn, huyện Long Thành bị liệt cả 2 chân nhưng là người giàu nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Anh Phạm Công Đăng (49 tuổi) ở ấp 11, xã Bình Sơn, huyện Long Thành bị liệt cả 2 chân nhưng là người giàu nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Anh Phạm Công Đăng bên các con trong căn nhà mới được hỗ trợ xây dựng. |
Anh Đăng kể: “Năm 10 tuổi, thấy các bạn cùng trang lứa đến trường, tôi ước ao được đi học. Ước mơ của tôi đã được cha mẹ đáp ứng. Dù bị liệt cả hai chân, khó tránh khỏi sự tò mò, trêu chọc của bạn bè, nhưng tôi vẫn quyết tâm theo học”. Học hết lớp 9, anh chuyển sang học nghề sửa chữa điện tử và khi đã đầy đủ kinh nghiệm, anh đã mở tiệm sửa chữa điện tử tại nhà. Tuy nhiên, do đặc thù công việc là phải nhớ các thao tác kỹ thuật nhưng do trí nhớ không tốt nên anh không tiếp tục nghề.
Năm 1998, anh kết hôn với chị Phạm Thị Kim Hòa, cũng là lúc anh xác định mình phải có trách nhiệm chăm lo gia đình. Không tiếp tục nghề sữa chữa điện tử, anh nghĩ đến việc buôn bán nhỏ sẽ hợp với sức khỏe của mình. Với mặt hàng được chọn bán là băng đĩa, hàng ngày anh đều có mặt ở chợ để bán. Bằng sự chăm chỉ, vượt khó, anh đã cùng vợ kiếm thêm được thu nhập trang trải cho gia đình.
Khi ba con lần lượt ra đời, thu nhập từ việc bán băng đĩa không đảm bảo cuộc sống, anh lại bàn với vợ phát triển thêm chăn nuôi. Ban đầu, vợ chồng anh mua 30 con gà để gây giống. Dần dần đàn gà của anh đã phát triển lên gần 100 con và đã cho thu nhập. Đầu năm 2012, anh được chương trình xóa đói giảm nghèo của xã hỗ trợ thêm 100 con gà và Công ty cổ phần dinh dưỡng Anco hỗ trợ 4 con heo. Đến nay, nhờ khoản thu từ phát triển chăn nuôi đã giúp gia đình anh ổn định cuộc sống.
Anh Đăng chia sẻ: “Tôi chỉ coi người khuyết tật thiếu đi một bộ phận cơ thể, gây khó khăn trong cuộc sống, chứ không mặc cảm. Chính gia đình là động lực giúp tôi phấn đấu, lấy lại niềm tin ở cuộc sống ”.
Gia Nhi