Báo Đồng Nai điện tử
En

Đổi thay vùng rốn lũ

09:12, 31/12/2012

Vài năm trở lại đây, tình hình kinh tế - xã hội ở xã Đắk Lua (huyện Tân Phú) đã có nhiều khởi sắc. Theo ông Nguyễn Ngọc Nhì, Phó chủ tịch UBND xã Đắk Lua, nếu như năm 2011 toàn xã có  611 hộ nghèo trên tổng số 1.515 hộ, thì đến năm 2012, số hộ nghèo giảm chỉ còn 324 hộ, đời sống người dân đang dần được cải thiện và nâng cao.

Vài năm trở lại đây, tình hình kinh tế - xã hội ở xã Đắk Lua (huyện Tân Phú) đã có nhiều khởi sắc. Theo ông Nguyễn Ngọc Nhì, Phó chủ tịch UBND xã Đắk Lua, nếu như năm 2011 toàn xã có  611 hộ nghèo trên tổng số 1.515 hộ, thì đến năm 2012, số hộ nghèo giảm chỉ còn 324 hộ, đời sống người dân đang dần được cải thiện và nâng cao.

* Từng bước chuyển mình

Từ trung tâm huyện Tân Phú, để vào được địa phận xã Đắk Lua phải qua các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên của tỉnh Lâm Đồng và vượt qua sông Đồng Nai với quãng đường gần 80km. Ở một nơi gần như biệt lập, với những con dốc cao, những khúc cua khúc khuỷu và để vào được địa phận xã, tất cả phương tiện cùng con người còn phải lụy vào những chuyến phà, con đò già cỗi.

Nhiều con đường giao thông của xã Đắk Lua đã được bê tông hóa tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân. Ảnh: S. THAO
Nhiều con đường giao thông của xã Đắk Lua đã được bê tông hóa tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân. Ảnh: S. THAO

Ông Nguyễn Ngọc Nhì cho biết, toàn xã hiện có 13 ấp, trong đó có ấp cách xa UBND xã hơn 6km, trước đây việc đi lại giữa các ấp với nhau rất khó khăn do các trục đường liên ấp chưa được đầu tư xây dựng mà chủ yếu là những đường mòn nhỏ hẹp do người dân đi lâu mà thành: mùa mưa thì sình lầy trơn trượt, mùa nắng thì bụi bay mịt mù. Thế nhưng đến nay, nhiều trục đường giao thông chính trong xã đã được bê tông hóa, rộng rãi, bằng phẳng hơn. Ngoài ra, những trục kênh mương bê tông hóa đưa nước tưới đến các khu đất gò cao được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động ngày càng nhiều, thay thế cho những mương đất, tạo thuận lợi rất lớn cho hoạt động nông nghiệp: từ sản xuất 1 - 2 vụ lúa (bắp)/năm, nay có thể gieo trồng quanh năm với nhiều loại cây lương thực, rau màu đa dạng, đáp ứng được nhu cầu lương thực, thực phẩm tại chỗ của người dân và tạo ra một khối lượng hàng nông sản lớn cung cấp cho các vùng lân cận.

Một số công trình quan trọng đang được xây dựng ở xã Đắk Lua đáp ứng mong đợi của người dân, như: xây mới cơ sở 1 của Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc tại ấp 1 với quy mô 12 phòng học, đáp ứng nhu cầu học tập cho 400 học sinh; thực hiện bê tông hóa thêm 4km đường giao thông nối liền ấp 1 đến ấp 11.  

Bà Nguyễn Thị Loan, Trưởng ấp 1 cho biết: “Song song với các loại cây nông nghiệp truyền thống, hiện nay nhiều khu vực trong xã cũng đã bắt đầu được các công ty giống cây trồng trong và ngoài tỉnh đầu tư để hình thành các vùng chuyên canh cây lấy hạt giống chất lượng cao, với hàng trăm hécta bao gồm nhiều loại giống cây trồng, như: dưa hấu, mướp đắng, bí đỏ, bắp… với thu nhập gấp 3 - 5 lần so với các loại truyền thống. Nhờ đó, đời sống vật chất của người dân trong xã đã có nhiều chuyển biến tích cực”. 

Ở Đắk Lua, 13/13 ấp đều hình thành được các đội bóng đá, bóng chuyền nam nữ, đội văn nghệ ấp. Hàng tháng, các đội này đều tiến hành thi đấu giao lưu và biểu diễn văn nghệ phục vụ bà con. Các câu lạc bộ, như: người cao tuổi, cựu giáo chức, kỹ năng thanh niên, múa truyền thống…cũng bắt đầu hình thành và phát triển mạnh. “Sau những giờ lao động, học tập căng thẳng, thanh niên và học sinh trong xã lại tìm đến với các hoạt động văn nghệ, thể dục - thể thao này như một hình thức thư giãn bổ ích” - em Nguyễn Lê Như Ngọc, học sinh lớp 10 Trường THCS - THPT Đắk Lua cho biết.

* Còn đó nhiều khó khăn

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Nhì, Phó chủ tịch UBND xã Đắk Lua, bên cạnh một số trục đường chính đã được bê tông hóa, toàn xã hiện vẫn còn trên 70km đường giao thông liên ấp chưa được xây dựng và cải tạo. Hệ thống kênh mương nội đồng tuy đã được đầu tư xây dựng nhiều nhưng chỉ mới đáp ứng một phần nhỏ diện tích đất canh tác trong mùa khô. Do đó, mặc dù nhu cầu tăng vụ của người dân vào các tháng mùa khô là rất lớn nhưng nhiều nơi vẫn không thể triển khai thực hiện được. Chính điều này đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp của một bộ phận không nhỏ người dân trong xã.

Những ruộng dưa hấu trồng theo phương thức lấy hạt, đem lại thu nhập khá cho bà con nông dân Đắk Lua.
Những ruộng dưa hấu trồng theo phương thức lấy hạt, đem lại thu nhập khá cho bà con nông dân Đắk Lua.

Ông Trần Văn Xuân, Trưởng ấp 5A cho biết: “Ngoài ra, do phương thức vận chuyển nông sản từ xã đi các địa phương khác vẫn phải phụ thuộc hoàn toàn vào các chuyến phà, đò nên đến mùa thu hoạch, nông sản bị ứ đọng do việc vận chuyển qua sông rất chậm chạp và thường xuyên bị ách tắc, dẫn đến hiện tượng thương lái ép giá thu mua nông sản của dân”.

Bên cạnh đó, Trạm y tế xã nhiều năm nay vẫn trong tình trạng không có bác sĩ, cơ sở vật chất đang ngày một xuống cấp. Điều này đã gây nên nhiều lo lắng cho người dân. “Mong mỏi lớn nhất của người dân Đắk Lua bây giờ là sẽ sớm có được một cây cầu bắc qua sông Đồng Nai để con đường giao thông buôn bán và đi lại nơi đây được dễ dàng, thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, xã cũng rất cần được bổ sung cán bộ y tế để hướng dẫn người dân phòng bệnh và chữa bệnh kịp thời” - ông Nhì chia sẻ.

Sông Thao

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều