Đó là câu hỏi tồn tại từ nhiều năm nay đối với nhiều gia đình và cả ngành GD-ĐT nhưng không dễ tìm được câu trả lời bởi vẫn còn “độ vênh” quá lớn giữa giáo dục và nhu cầu xã hội.
Đó là câu hỏi tồn tại từ nhiều năm nay đối với nhiều gia đình và cả ngành GD-ĐT nhưng không dễ tìm được câu trả lời bởi vẫn còn “độ vênh” quá lớn giữa giáo dục và nhu cầu xã hội.
Ai cũng biết, Bộ luật Lao động hiện hành quy định thời gian nghỉ hộ sản của phần lớn lao động nữ là 4 tháng sau khi sinh (trừ một số trường hợp đặc biệt). Nhưng trên thực tế không một cơ sở mầm non (MN) công lập nào nhận trẻ dưới 18 tháng tuổi, nên lao động nữ hiện nay rất lúng túng vì không có chỗ gửi con, nhất là giới cán bộ công chức, người làm công ăn lương, lệ thuộc vào quy định giờ giấc nơi làm việc. Một cán bộ Sở GD-ĐT cho biết, trong một buổi làm việc với Bộ GD-ĐT, địa phương cũng có nêu lên bức xúc này, nhưng bộ cho rằng đó là một trong những cách khuyến khích xã hội hóa bằng cách vận động ông bà, người thân tham gia vào việc giữ cháu.
Thực chất, đây là cách giải thích khiên cưỡng, không phù hợp thực tế địa phương. Đồng Nai là tỉnh tập trung rất đông lao động từ các địa phương khác đổ về, trong đó phần lớn là công nhân có thu nhập thấp, ở nhà thuê nên không phải ai cũng có điều kiện ở chung với ông bà, người thân để nhờ chăm sóc trẻ. Đó là chưa kể đến những gia đình hoàn cảnh neo đơn, kiếm đâu ra người giúp đỡ. Giải pháp hiện nay đối những lao động nữ không có ông bà, người thân để gửi trẻ vẫn là phải tìm đến những điểm, cơ sở tư nhân. Có cầu, ắt có cung. Đó có thể là một nhóm trẻ gia đình tự tổ chức giữ chừng trên dưới 10 cháu, hoặc chỉ là một phụ nữ quen biết, rảnh rỗi nhận giữ hộ chừng 2-3 cháu. Ở xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu), nơi có đông công nhân Công ty Chang Shin, đã xuất hiện nhiều nhóm giữ trẻ mà người giữ trẻ cũng là nữ công nhân, sau khi sinh ở nhà trông con tiện thể nhận giữ thêm vài ba trẻ của công nhân khác để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, ở những điểm giữ trẻ tự phát này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, bởi người giữ trẻ thường thiếu kiến thức chăm sóc trẻ một cách khoa học, bài bản, cơ sở vật chất không đáp ứng yêu cầu. Nhưng không có lựa chọn nào khác, những bà mẹ phải gửi con để đi làm ấy đành phải chấp nhận trong trạng thái âu lo, hồi hộp.
Mới đây, Quốc hội đã thông qua Luật Lao động (sửa đổi), trong đó quy định thời gian nghỉ hộ sản của lao động nữ được tăng thêm, lên đến 6 tháng. Một số cơ sở MN ngoài công lập cũng linh động nhận giữ trẻ từ 12 tháng tuổi. Như vậy, “độ vênh” ấy đã phần nào được rút ngắn. Nhưng, vẫn còn “khoảng trắng” đối với trẻ từ 6-12 tháng tuổi, và với cơ sở MN công lập, “khoảng trắng” này là 12 tháng dài. Làm sao lấp đầy “khoảng trắng” này vẫn còn là câu hỏi lớn của xã hội.
Nam Hà