Báo Đồng Nai điện tử
En

Khó khăn nghề cấp dưỡng

09:10, 15/10/2012

Công việc nặng nhọc, áp lực công việc cao, thu nhập lại quá thấp khiến nhiều người nản lòng, muốn bỏ nghề. Đó là tình trạng phổ biến hiện nay đối với công việc cấp dưỡng tại các trường mầm non (MN) trên địa bàn.

 

Công việc nặng nhọc, áp lực công việc cao, thu nhập lại quá thấp khiến nhiều người nản lòng, muốn bỏ nghề. Đó là tình trạng phổ biến hiện nay đối với công việc cấp dưỡng tại các trường mầm non (MN) trên địa bàn.

Đã 32 năm nay, một ngày làm việc của cô Chu Thị Thanh Bằng, cấp dưỡng tại Trường MN Hoa Sen (TP. Biên Hòa) đều bắt đầu từ lúc 4 giờ sáng với các công việc tuần tự: nhận thực phẩm để nấu ăn trong ngày cho 584 cháu đang theo học ở đây, hầm xương heo, xương bò hoặc luộc gà, gọt rau củ chuẩn bị cho bữa ăn sáng...

* Làm việc 12 tiếng/ngày

Khoảng 7 giờ, cô Bằng cùng các cô cấp dưỡng khác bắt đầu đẩy xe đưa bữa ăn sáng đến 16 lớp học cho các cháu. Những lớp học trên lầu, các cô cấp dưỡng phải bê từng xô thức ăn lên tận lớp. Sau khi các cháu ăn xong, thu dọn và rửa chén bát, đồ dùng nhà bếp sử dụng cho bữa sáng, các cô lại nhanh chóng lo phục vụ cho bữa trưa.

Các cô cấp dưỡng ở Trường mầm non Hoa Sen (TP. Biên Hòa) chuẩn bị buổi ăn trưa cho các cháu.  Ảnh: T. Thúy
Các cô cấp dưỡng ở Trường mầm non Hoa Sen (TP. Biên Hòa) chuẩn bị buổi ăn trưa cho các cháu. Ảnh: T. Thúy

10 giờ, quy trình đưa thức ăn đến các lớp lại tiếp tục. Lần này có cực hơn do phải đi lại nhiều lần vì bữa trưa có nhiều món hơn so với bữa sáng, gồm: cơm, canh, món mặn, món xào, tráng miệng. Các cháu còn bé, nhiều cháu ăn chậm, bữa ăn vì thế đôi khi kéo dài, các cháu ăn xong, làm vệ sinh rồi ngủ trưa thì mới đến lượt các cô và nhân viên ăn trưa. Có hôm, đến gần 13 giờ các cô ở trường MN mới bưng được chén cơm ăn vội vàng. Xong bữa trưa, các cô lại bắt đầu lo cho bữa ăn xế của các cháu, thường diễn ra vào khoảng 14 giờ 30. Dù là bữa phụ với các món ăn nhẹ, như: phở, bún, bánh canh… nhưng các cô cấp dưỡng cũng phải chuẩn bị chu đáo. Xong bữa xế, lại tiếp tục dọn dẹp, vệ sinh bếp núc, túi bụi với hàng đống công việc, đến khi ngơi tay cũng phải 15 giờ 30 - 16 giờ.

Không chỉ vất vả, nặng nhọc, những người làm nghề cấp dưỡng ở trường MN còn luôn bị áp lực với việc lo bữa ăn tươm tất, hợp vệ sinh. Cô Trương Thị Tuyết Duyên, cấp dưỡng được giao nhiệm vụ tiếp phẩm ở Trường MN Họa Mi (huyện Vĩnh Cửu) cho biết, mỗi lần nhận thực phẩm từ nhà cung cấp, cô phải kiểm tra hết sức thận trọng, các loại rau lá có dấu hiệu bị dập, hay thực phẩm nghi ngờ không tươi là cô cương quyết không nhận hàng, yêu cầu đổi ngay. Trong quá trình chế biến thức ăn cũng vậy, cô Duyên và các cấp dưỡng luôn nhắc nhau cố gắng thực hiện đúng quy trình chế biến để món ăn giữ được chất dinh dưỡng, đồng thời đảm bảo vệ sinh.

“Nấu ăn cho các cháu vất vả hơn cho người lớn, các loại cá đều phải lọc xương thật kỹ, các loại thịt thì phải xay nhuyễn, các loại củ cũng phải cắt nhỏ hết, các cháu mới ăn được.  Làm mà tụi tôi cứ lo ngay ngáy. Mình ráng đảm bảo đúng quy trình đã được tập huấn rồi, nhưng ai biết được thực phẩm bây giờ chất lượng ra sao? Cứ nghe nói hết thứ này có chất bảo quản, đến thứ kia có dư lượng thuốc trừ sâu gì đó, rồi chỗ này chỗ kia bị ngộ độc thực phẩm, tụi tôi cứ hồi hộp lo cho mấy đứa nhỏ”, cô Duyên tâm sự.

* Lương bọt bèo

Quần quật 12 tiếng/ngày không hề ngơi tay, đổi lại, cô Nguyễn Thị Ánh Tuyết, cấp dưỡng Trường MN Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu) được nhận khoảng 1,4 triệu đồng/tháng. “Đó là nhờ cô Tuyết có thâm niên trong nghề đã 6 năm nên mới được vậy, nếu không, còn thấp hơn nữa”, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Cúc cho biết. Theo quy định, hệ số lương cấp dưỡng mới vào nghề chỉ có 1.0, tức chỉ 1.050.000 đồng/tháng, trừ đi tiền đóng bảo hiểm xã hội, thực nhận của cấp dưỡng chỉ hơn 900 ngàn đồng/tháng. “Ở đây, nếu xin vào làm công nhân của Công ty Chang Shin, làm 8 giờ/ngày mà lương được xấp xỉ 3 triệu đồng/tháng. Vì vậy, các trường MN rất khó tuyển cấp dưỡng. Trường MN Bình Hòa hiện vẫn thiếu 2 cấp dưỡng, tuyển từ năm trước đến nay mà chưa có ai chịu làm”, cô Cúc than thở.

Không chỉ có cấp dưỡng, mà biên chế, mặt bằng thu nhập của nhân viên bảo vệ tại các trường MN hiện nay cũng thấp và  bất hợp lý. Theo quy định, mỗi trường chỉ có 1 biên chế bảo vệ, nên phải làm việc 24 giờ/ngày, 7 ngày/tuần. “Không ai có thể làm việc được như thế vì đó là vi phạm Luật Lao động”, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu Phạm Minh Phước nhận xét. Mới đây, vụ người ngoài xâm nhập vào trường bắt cóc, uy hiếp 2 cháu bé ở một trường MN tại TP. Hồ Chí Minh đã khiến nhiều trường ở Đồng Nai rất lo lắng vì tình trạng thiếu nhân viên bảo vệ như hiện nay.

Để giữ chân cũng như tuyển dụng được người chịu theo công việc cấp dưỡng vất vả lại ít tiền, những năm trước hầu hết các trường đều linh động thu thêm các khoản để nâng thêm phần nào thu nhập cho các cô cấp dưỡng, như: tiền tổ chức ăn sáng, tiền tăng ca làm ngày thứ bảy, tiền làm ngoài giờ nếu trường tổ chức giữ cháu thêm giờ... Các khoản phụ cấp này đều từ nguồn đóng góp của phụ huynh học sinh, mỗi cấp dưỡng được lãnh từ 300-500 ngàn đồng/tháng. Như vậy, với các khoản phụ cấp, hỗ trợ trên, bình quân thu nhập của cấp dưỡng cũng chỉ từ 1,5-2 triệu đồng/tháng (chưa tính phụ cấp thâm niên). Một vài trường ở địa bàn TP. Biên Hòa thì thu nhập có cao hơn, khoảng 2,5 triệu đồng/tháng, dù vẫn thấp hơn so với mặt bằng thu nhập chung của xã hội, nhưng cũng phần nào giúp người cấp dưỡng yên tâm với công việc của mình. Tuy nhiên, mới đây Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 55, quy định không được sử dụng nguồn quỹ của phụ huynh học sinh để chi cho các hoạt động của nhà trường, khiến khoản hỗ trợ cho cấp dưỡng cũng bị cắt, đời sống của người cấp dưỡng càng khó khăn hơn. “Cố gắng từ nhiều nguồn, thu nhập của cấp dưỡng mới vào làm việc tại trường là 2,5 triệu đồng/tháng, nhưng hiện vẫn còn thiếu 2 người chưa làm sao tuyển được. Đầu năm học, trường tuyển được 1 cấp dưỡng, nhưng mới làm được 1 tháng đã nghỉ việc vì kham không nổi”, Hiệu trưởng Trường MN Hoa Sen Lưu Thị Bích Nụ cho biết.

Thanh Thúy

 

 

 

 

Tin xem nhiều