Báo Đồng Nai điện tử
En

Bước vào “đỉnh” mùa dịch bệnh

10:10, 19/10/2012

 Theo nhận định của ngành y tế, bệnh tay chân miệng (TCM) và sốt xuất huyết (SXH) đang bước vào “đỉnh” mùa dịch và sẽ tiếp tục có những diễn biến hết sức phức tạp.

 Theo nhận định của ngành y tế, bệnh tay chân miệng (TCM) và sốt xuất huyết (SXH) đang bước vào “đỉnh” mùa dịch và sẽ tiếp tục có những diễn biến hết sức phức tạp.

Tính đến nay, số ca mắc TCM đã gần 7 ngàn, số ca mắc SXH cũng ở mức tương đương. Riêng bệnh TCM, từ tháng 8 đến nay, số ca mắc nhiều hơn tổng số ca của 7 tháng đầu năm cộng lại.

* Gian nan chống dịch

Tại cuộc họp giao ban ngành y tế tháng 10, báo cáo của trung tâm y tế (TTYT) các địa phương cho thấy số ca mắc TCM và SXH đều gia tăng nhanh chóng. Riêng TP. Biên Hòa và các huyện Trảng Bom, Long Thành, dịch bệnh diễn biến rất phức tạp với số ca tăng cao.

Chỉ có một máy lọc máu liên tục, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai gặp khó khi có nhiều ca sốt xuất huyết và tay chân miệng biến chứng nhập viện. Ảnh: P.Liễu
Chỉ có một máy lọc máu liên tục, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai gặp khó khi có nhiều ca sốt xuất huyết và tay chân miệng biến chứng nhập viện. Ảnh: P.Liễu

Bác sĩ Nguyễn Thi Văn Văn, Giám đốc TTYT huyện Long Thành cho biết: “Tháng 9 và đầu tháng 10, dịch bệnh trên địa bàn tăng nhanh. Số ca mắc TCM tăng 56% và SXH tăng 40%. Tuy giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lại tăng cao rất nhiều so với những tháng đầu và giữa năm. Điều đáng nói là năm nay, số ca mắc không tập trung như năm ngoái mà nằm rải rác tại các xã, nên việc phòng dịch khá gian nan”.

Ở huyện Trảng Bom, bác sĩ Nguyễn Đức Phước, Giám đốc TTYT huyện cho hay: “Từ tháng 8 đến nửa đầu tháng 10 này, số ca mắc TCM và SXH trên địa bàn tăng vọt, đã có 4 ca TCM ở độ nặng phải chuyển tuyến, 1 ca tử vong. Huyện đã triển khai 5 giải pháp, trong đó tập trung cho công tác truyền thông trong các buổi sinh hoạt dưới cờ tại một số trường tiểu học và tăng cường kiểm tra tại tất cả 17 xã, thị trấn trên địa bàn huyện song dịch bệnh vẫn chưa được đẩy lùi”.

TP. Biên Hòa vẫn là địa bàn có số ca mắc và tử vong cao nhất tỉnh do 2 dịch bệnh trên. Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc TTYT Biên Hòa, Biên Hòa là đô thị có mật độ dân cư cao, nhiều khu nhà trọ công nhân với điều kiện sống chật hẹp, nhận thức của người dân về phòng chống bệnh chưa cao… nên công tác tuyên truyền  về dịch bệnh gặp nhiều khó khăn”.

Tại huyện Định Quán, số ca mắc SXH giảm, nhưng TCM tăng khá cao; huyện Xuân Lộc có số ca bệnh TCM lẫn SXH đều tăng và đã xuất hiện một số ca nặng; huyện Tân Phú có số ca TCM tăng cao, tập trung nhiều ở xã Nam Cát Tiên; TX. Long Khánh có số ca TCM ở tháng 9 tăng gấp 3 lần so với tháng 8.

* Chung tay đẩy lùi dịch bệnh

Theo phản ánh của lãnh đạo các TTYT huyện, thị, thành, dịch bệnh tại các địa phương đang diễn biến rất phức tạp với số ca mắc tăng cao. Lãnh đạo khối điều trị các tuyến cũng cho rằng, bệnh viện còn gặp nhiều khó khăn trong công tác điều trị do thiếu thuốc và trang thiết bị.

Cộng tác viên y tế xã Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc) cấp phát tờ rơi phòng dịch bệnh cho người dân.
Cộng tác viên y tế xã Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc) cấp phát tờ rơi phòng dịch bệnh cho người dân.

Bác sĩ Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho biết: “Trong tháng 8 và 9 vừa qua, lượng bệnh nhi điều trị các bệnh TCM và SXH tăng gấp đôi so với những tháng trước với khoảng 1.400 ca mỗi tháng. Nhờ được tăng cường một số trang thiết bị phòng dịch năm trước mà bệnh viện có điều kiện điều trị thành công một số ca TCM và SXH có biến chứng nặng. Nhưng hiện trang thiết bị vẫn còn thiếu”.

Mới đây, Sở Y tế phối hợp với Bệnh viện nhi đồng 1 (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức tập huấn cập nhật kiến thức chẩn đoán và điều trị bệnh TCM cho 250 bác sĩ ở các khoa nội, nhi, nhiễm, hồi sức và cấp cứu của các bệnh viện, trung tâm y tế các huyện, thị, thành nhằm nâng cao năng lực chuyên môn trong công tác chẩn đoán, điều trị bệnh TCM và xử lý các ca bệnh nặng có biến chứng.

Hiện nay, ban chỉ đạo dịch bệnh các cấp tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, chỉ đạo các cơ sở y tế (kể cả y tế tư nhân) thực hiện nghiêm việc báo cáo diễn biến của các dịch bệnh. Ngành y tế cũng đã cấp gần 3 ngàn tờ áp phích rửa tay thường xuyên bằng xà phòng để phòng bệnh TCM cho trẻ và người chăm sóc trẻ; cấp 6 ngàn tờ tranh gấp, hơn 100 đĩa DVD về thông điệp phòng, chống bệnh cho người dân; đào tạo nghiệp vụ cho 25 đội cơ động, 171 tổ phòng chống dịch bệnh các phường, xã; tiến hành khử trùng khẩn trương bằng hóa chất ở những trường học, nơi phát sinh ổ dịch…

“Từ giờ đến cuối năm, các loại dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là TCM. Hiện TTYT dự phòng tỉnh đang đẩy mạnh việc hướng dẫn người dân xử lý bệnh TCM tại cộng đồng. Tuy nhiên, ngành y tế rất mong có sự vào cuộc mạnh mẽ của các đoàn thể địa ở phương vì phòng chống dịch, nếu chỉ có ngành y tế thì sẽ không thể đảm đương nổi” - bác sĩ Cao Trọng Ngưỡng, Giám đốc TTYT dự phòng tỉnh nhấn mạnh.

Phương Liễu

 

 

 

 

 

 

        

 

Tin xem nhiều