Báo Đồng Nai điện tử
En

Kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008-2012: Chậm do chưa quyết tâm

09:09, 17/09/2012

Để xóa tình trạng thiếu trường lớp, học sinh phải học ca ba, hoặc phải học ở các trường lớp có cơ sở vật chất đã xuống cấp; giáo viên từ địa phương khác đến công tác không có nơi ở, ngay từ giữa năm 2008, Đồng Nai đã xây dựng đề án kiên cố hóa trường lớp học, nhà công vụ cho giáo viên (gọi tắt là chương trình kiên cố hóa) giai đoạn 2008-2012.

Để xóa tình trạng thiếu trường lớp, học sinh phải học ca ba, hoặc phải học ở các trường lớp có cơ sở vật chất đã xuống cấp; giáo viên từ địa phương khác đến công tác không có nơi ở, ngay từ giữa năm 2008, Đồng Nai đã xây dựng đề án kiên cố hóa trường lớp học, nhà công vụ cho giáo viên (gọi tắt là chương trình kiên cố hóa) giai đoạn 2008-2012.

Trường THCS Cẩm Đường (huyện Long Thành) được xây dựng khang trang từ chương trình kiên cố hóa trường lớp. Ảnh: T.Thúy
Trường THCS Cẩm Đường (huyện Long Thành) được xây dựng khang trang từ chương trình kiên cố hóa trường lớp. Ảnh: T.Thúy

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Minh Hoàng, Phó trưởng ban chỉ đạo đề án, trong tổng số 121 công trình thuộc đề án (gồm 85 trường với 780 phòng học và 36 nhà công vụ có sức chứa 583 người), từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh xây dựng được 55 trường học (đạt tỷ lệ 65%) và 13 nhà công vụ (đạt tỷ lệ 39%). Với tiến độ thực hiện quá chậm như trên, chắc chắn chương trình kiên cố hóa khó có thể hoàn thành mục tiêu vào cuối năm nay.

* Nơi nào cũng kêu thiếu vốn

Nói về nguyên nhân chậm tiến độ, ông Nguyễn Văn Quang, Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ cho biết, toàn huyện có 15 công trình (9 trường học, 6 nhà công vụ) với tổng vốn đầu tư là 80 tỷ đồng. Ngoài 19 tỷ đồng được phân bổ từ ngân sách tỉnh, huyện cố gắng lắm cũng chỉ bổ sung được 7 tỷ đồng, vẫn còn thiếu 54 tỷ đồng. Vì thế, cho đến nay Cẩm Mỹ chỉ mới khởi công được 5/15 công trình (3 trường học, 2 nhà công vụ). Là huyện nghèo, nguồn thu ngân sách rất hạn chế, đặc biệt trong năm 2012 càng khó khăn hơn nên theo ông Quang, nếu không có sự hỗ trợ vốn thêm từ ngân sách tỉnh thì dù có kéo dài đề án đến hết năm 2013, huyện Cẩm Mỹ cũng không thể hoàn thành chỉ tiêu.

Tương tự, ở huyện Định Quán, Phó chủ tịch UBND huyện Trần Quang Tú cho biết, toàn huyện có 19 công trình cần hoàn thành (8 trường học, 11 nhà công vụ) với tổng vốn đầu tư 62 tỷ đồng. Nhưng “xoay xở” lắm địa phương cũng vẫn thiếu 32 tỷ đồng, vì thế vẫn còn 35% công trình đang chờ vốn, trong khi đó Định Quán lại là địa phương tập trung nhiều giáo viên từ các nơi khác về, thiếu nhà công vụ phải ở nhờ tại nhà dân, một số trường lại tiếp tục xuống cấp, rất khó khăn.

 Ở huyện Tân Phú, Phó chủ tịch UBND huyện Võ Tuấn Dũng cho biết tình hình cũng khó khăn không kém. Theo dự toán, địa phương cần đến 110 tỷ đồng để hoàn thành chương trình kiên cố hóa, nhưng song song đó huyện cũng còn 10 công trình xây dựng cơ bản rất cấp bách với kinh phí lên đến 200 tỷ đồng, nên dù tiến độ thực hiện đề án đến nay đạt chưa đến 50% nhưng khó thể thực hiện tiếp, kể cả được gia hạn thời gian.

* Tìm cách gỡ khó

Theo bà Nguyễn Thị Hương, Phó trưởng phòng Văn xã Sở Kế hoạch - đầu tư, nguyên nhân khiến vốn đầu tư cho chương trình kiên cố hóa tăng vọt so với ngân sách địa phương và của tỉnh là do địa phương nào cũng muốn “tiện thể” để xây dựng luôn trường đạt chuẩn quốc gia, gắn với tiêu chí nông thôn mới trong khi tiêu chí của chương trình là xóa phòng học tạm, lớp ca ba. Vì thế, nhiều trường dự toán ban đầu chỉ khoảng 3 tỷ đồng/trường, nhưng nay với thiết kế mới đã “đội” lên đến 20-25 tỷ đồng/trường, mà điển hình là công trình xây dựng Trường mầm non Phú Vinh (huyện Định Quán).

Huyện Long Thành là một trong những địa phương sẽ hoàn thành chương trình kiên cố hóa theo mục tiêu đề ra vào cuối năm 2012. Bà Nguyễn Thị Hoàng Trinh, Phó chủ tịch UBND huyện cho biết, kinh nghiệm của địa phương là cần có sự phân kỳ chương trình hàng năm, xây dựng kế hoạch trình HĐND huyện đưa vào nghị quyết, từ đó sẽ có sự chủ động về bố trí vốn. “Năm 2011 do vướng Nghị quyết 11/CP, một số trường trên địa bàn huyện xây dựng xong nhưng không được đầu tư về trang thiết bị, như có nhà mà không có đồ dùng. Chúng tôi bèn chụp ảnh, đưa lên trình bày trực tiếp với UBND tỉnh và các sở, ngành. Thấy hợp lý, các sở, ngành sau đó đã đồng ý cho chúng tôi mua sắm trang thiết bị”, bà Trinh chia sẻ kinh nghiệm.

Trưởng phòng Đầu tư Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưỡng cho biết, vốn ngân sách hàng năm đầu tư cho GD-ĐT khá lớn, như năm 2011 trong tình hình thực hiện Nghị quyết 11/CP về cắt giảm đầu tư công, ngân sách dành cho xây dựng cơ bản là 700 tỷ đồng thì trong đó đầu tư cho GD-ĐT là 462 tỷ đồng. Sang năm 2012, ngân sách chi cho xây dựng cơ bản là 1.910 tỷ đồng thì trong đó hơn 500 tỷ đồng là chi cho GD-ĐT, trong đó tổng kinh phí cho chương trình kiên cố hóa là 356 tỷ đồng. Nếu các địa phương tập trung mạnh cho chương trình thì sẽ không đến nỗi thiếu vốn. Ông Lưỡng đề nghị các địa phương cần sắp xếp đưa các công trình kiên cố hóa vào diện ưu tiên để sớm hoàn thành mục tiêu đề ra.

Để đẩy mạnh chương trình kiên cố hóa nhằm có thể hoàn thành vào cuối năm 2013, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Trí cho biết, trong năm 2012 đã bổ sung thêm 145 tỷ đồng từ ngân sách cho các địa phương. Tuy nhiên, do đã phân cấp nên sự chủ động để hoàn thành vẫn tùy thuộc vào quyết tâm của từng nơi. Các địa phương cần quyết liệt hơn nữa, nhất là 5 huyện đang chậm tiến độ. Trước mắt, cần xem xét cân đối vốn để phân bổ ngân sách nhằm có đủ kinh phí để thực hiện rốt ráo trong năm 2013, bên cạnh đó cần chọn các nhà thầu có tiềm lực mạnh để có thể ứng vốn thực hiện trước công trình. Ngoài ra, các địa phương cũng cần phải tính toán đầu tư trang thiết bị cho các trường, tránh tình trạng “có vỏ mà không có ruột” làm giảm hiệu quả đầu tư của công trình, gây lãng phí.

Thanh Thúy

 

 

 

Tin xem nhiều