Báo Đồng Nai điện tử
En

Đưa văn hóa đọc về cơ sở

09:09, 27/09/2012

Trong những năm qua, hệ thống các thư viện, tủ sách cơ sở trên địa bàn tỉnh đã phát huy được vai trò của mình trong việc đưa văn hóa đọc đến với đông đảo người dân, góp phần nâng cao hiểu biết, làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho nhân dân.

Trong những năm qua, hệ thống các thư viện, tủ sách cơ sở trên địa bàn tỉnh đã phát huy được vai trò của mình trong việc đưa văn hóa đọc đến với đông đảo người dân, góp phần nâng cao hiểu biết, làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho nhân dân.

Tuy nhiên, trước sự phát triển của công nghệ thông tin, việc đưa văn hóa đọc về cơ sở đang đứng trước những khó khăn, thách thức đòi hỏi có sự cải tiến cho phù hợp.

* Từ thư viện kết hợp nông trường - xã...

Bên cạnh hệ thống thư viện huyện, các tủ sách tại các cơ quan, đoàn thể, trường học, xã, phường, bưu điện văn hóa xã… thì mô hình thư viện kết hợp nông trường - xã đang ngày càng phát huy hiệu quả trong công tác đưa văn hóa đọc về cơ sở. Đây là mô hình thư viện được tổ chức trên cơ sở phối hợp nhiều nguồn lực xã hội để phục vụ rộng rãi nhu cầu đọc của nhân dân.

Người dân đọc sách báo tại thư viện kết hợp nông trường - xã thuộc Trung tâm văn hóa Suối Tre (TX. Long Khánh). Ảnh: V. Truyên
Người dân đọc sách báo tại thư viện kết hợp nông trường - xã thuộc Trung tâm văn hóa Suối Tre (TX. Long Khánh). Ảnh: V. Truyên

Từ năm 1994, Thư viện tỉnh phối hợp với Phòng Văn hóa thông tin các huyện, TX. Long Khánh và các nông trường cao su xây dựng và đưa vào hoạt động 1 thư viện trung tâm và 10 thư viện kết hợp nông trường - xã trên địa bàn 3 huyện Long Thành, Thống Nhất, Cẩm Mỹ và TX. Long Khánh. Đến nay, tổng số sách các thư viện kết hợp nông trường - xã có là 28.948 bản các loại. Chỉ tính từ năm 2009 đến năm 2011, các thư viện đã thu hút trên 106 ngàn lượt người.

Chị Nguyễn Thị Thùy Lê, cán bộ phụ trách thư viện kết hợp nông trường - xã Bình Sơn (huyện Long Thành) cho biết, để đáp ứng nhu cầu giải trí của công nhân, ngoài tủ sách đặt tại xã, thư viện còn phân bổ và đặt 5 tủ sách tại các lô cao su, mỗi tủ có khoảng 300 bản, được luân chuyển thường xuyên. Trong đó, các loại sách, chủ yếu là sách báo về hôn nhân - gia đình, pháp luật, khoa học kỹ thuật… đáp ứng nhu cầu đọc của công nhân sau giờ làm việc.

Còn anh Hồ Xuân Quang, Trưởng thư viện Tổng công ty cao su Đồng Nai thì cho biết, khi đến với các thư viện này, người dân nói chung và công nhân cao su nói riêng được trang bị thêm vốn kiến thức về khoa học - kỹ thuật, đời sống… đồng thời hiểu hơn các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu tốt hơn của bạn đọc, thời gian tới thư viện kết hợp nông trường - xã sẽ đẩy mạnh công tác giới thiệu sách mới, sách chuyên đề trên loa truyền thanh của xã và nông trường định kỳ 1 tháng/lần. Hàng quý, sau khi nhận sách luân chuyển, sách tài trợ của tỉnh, huyện, xã, phụ trách thư viện sẽ tập hợp thành danh mục sách mới gửi UBND xã, các đơn vị trường học, trạm y tế, cơ quan đóng trên địa bàn xã nhằm thông tin rộng rãi cho người đọc biết. Đây là cách làm đang được kỳ vọng thu hút được bạn đọc đến thư viện nhiều hơn.

*... Đến thư viện số

Hàng năm, Thư viện tỉnh luôn chú trọng đến việc bổ sung sách, đĩa CD và các loại báo, tạp chí mới. Trong 9 tháng của năm 2012, từ các nguồn mua, tặng, thư viện đã bổ sung thêm trên 10 ngàn bản sách mới, 73 đĩa CD, trên 400 loại báo và tạp chí mới. Bên cạnh đó, các thư viện cấp huyện cũng bổ sung thêm trên 13 ngàn bản, nâng tổng số sách hiện có lên trên 264 ngàn bản.

Hiện nay, ngoài Thư viện tỉnh, Đồng Nai còn có 11 thư viện cấp huyện; 626 thư viện cơ quan, đoàn thể và trường học; 78 bưu điện văn hóa xã, 30 tủ sách được xây dựng tại cấp xã, phường, thị trấn; 11 thư viện kết hợp nông trường - xã; 119 tủ sách ấp; 171 tủ sách pháp luật.

Cùng với việc bổ sung sách, tạp chí mới, Thư viện tỉnh còn duy trì việc luân chuyển hàng ngàn bản sách đến các tủ sách ở cơ sở, đáp ứng thường xuyên nhu cầu đọc với số lượng sách phong phú cả về chủng loại và nội dung, như: sách tìm hiểu về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; sách phục vụ cho việc học và giải trí của thanh thiếu niên; sách về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; sách y học với những bài thuốc hay; sách giới thiệu về thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam… Dù nguồn sách khá phong phú, chất lượng phục vụ tốt nhưng hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên tỷ lệ người đọc đến với thư viện còn hạn chế. Do vậy, theo ông Nguyễn Văn Tám, Phó giám đốc phụ trách  Thư viện tỉnh, để đáp ứng nhu cầu đọc sách của người dân, bên cạnh thư viện truyền thống phục vụ như hiện nay, thư viện tỉnh đang xin chủ trương xây dựng thư viện số - thư viện điện toán đám mây. Với chương trình này, người đọc ở nhà vẫn có thể đọc được tài liệu...

Nga Sơn

 

 

Tin xem nhiều