1. Vừa rồi, gặp lại em một người bạn, tôi bất ngờ khi em nói đã nghỉ học ở trường trung cấp nghề.
1. Vừa rồi, gặp lại em một người bạn, tôi bất ngờ khi em nói đã nghỉ học ở trường trung cấp nghề. Thấy tôi ngạc nhiên, em vội giải thích, ở THCS em chỉ học trung bình nên chọn trường nghề thay vì vào THPT, sợ học không nổi. Sức học có vậy tưởng vào trung cấp để mong học được một nghề nghiệp cho tương lai, ai ngờ không hẳn là vậy. Vào trường nghề, em phải học sáng chiều, sáng học nghề, chiều văn hóa. Học được thời gian ngắn, em không theo kịp chương trình THPT vì dạy rất nhanh, kiến thức nặng. Kiến thức em bị hổng khá nhiều, vậy mà vào trường nghề học hai năm ba lớp 10, 11, 12 nên em chán nản và bỏ học. Em xin vào làm lao động phổ thông ở một công ty nước ngoài, ước mơ về nghề cơ khí phải gác lại. Em tiếc nhưng đành chịu.
2. Trong lần nói chuyện mới đây, tôi được thầy giảng viên một trường cao đẳng nghề chia sẻ đúng những băn khoăn mà em người bạn từng chia sẻ. Thầy cho biết, trường mình từ trung cấp chuyên nghiệp lên cao đẳng được vài năm nay nhưng mãi “rối bời” với bài toán tuyển sinh không đủ chỉ tiêu. Giảm học phí, khuyến mãi học bổng, tặng vé xe khi nhập học... song trường vẫn tuyển sinh không đủ. Đã vậy, vào học được ít lâu, số lượng học sinh lại giảm đáng kể. Đi tìm hiểu nguyên nhân, thầy mới vỡ lẽ ra là chương trình dạy của các trường cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp còn nhiều vấn đề đang bỏ ngỏ cần phải nghiên cứu cho thấu đáo. Học sinh không theo nổi phổ thông mới bước chân vào trường nghề, thế nhưng các trường lại bắt các em học văn hóa quá nặng nề, trong khi phổ thông mỗi năm học một lớp thì học sinh nghề ba lớp chỉ hai năm. Học vậy đến học sinh trường chuyên cũng sợ huống hồ gì các em. Vì vậy, các em chán học, bỏ ngang là đương nhiên.
3. Chương trình đào tạo của các trường trung cấp, cao đẳng nghề ở mảng văn hóa hiện nay cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS được các trường đưa vào giảng dạy chương trình THPT với thời gian học 2 năm ba lớp quả là đang làm “khó” các em. Với những hạn chế trong việc tiếp thu kiến thức, các em khó có thể vượt qua chương trình học của nhà trường, bỏ dở việc học là điều khó tránh khỏi. Và như vậy sẽ tốn của các em không ít thời gian, công sức và tiền bạc... Hơn nữa, điều đó còn làm chậm đi thời gian vào đời, làm nhọc nhằn bước đường tương lai của các em.
Bất cập nêu trên nên chăng cần được các trường cao đẳng, trung cấp nghề tháo gỡ. Nếu không, cái vòng luẩn quẩn cứ gây ra những hệ lụy kéo dài suốt vài thập niên qua là, xã hội vẫn mãi thừa thầy nhưng thiếu thợ giỏi tay nghề. Và tình trạng tuyển không đủ chỉ tiêu của các trường cao đẳng, trung cấp nghề cứ mãi là điệp khúc vào mỗi mùa tuyển sinh.
Hưng Nhân