Những năm qua, Đồng Nai là một trong những địa phương được đánh giá tốt trong ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào quản lý và điều hành hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước.
Những năm qua, Đồng Nai là một trong những địa phương được đánh giá tốt trong ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào quản lý và điều hành hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước.
* Hiệu quả từng ứng dụng
Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, việc ứng dụng CNTT vào hoạt động của ngành, nhất là trong tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết đã mang lại nhiều hiệu quả to lớn, tiết kiệm được về thời gian và tiền bạc. Tùy theo các đối tượng, nội dung, yêu cầu về tiến độ thời gian mà có thể ứng dụng CNTT vào tổ chức các hội nghị phù hợp, như: hình thức online nội bộ, truyền hình trực tiếp, sử dụng phương tiện truyền hình ứng dụng internet hoặc ghi các đĩa CD, VCD tài liệu để phát hành xuống cơ sở…Các hội nghị sinh hoạt chuyên đề gắn với sinh hoạt chi bộ thường kỳ hàng tháng, hàng quý được truyền hình trực tuyến đã trở thành nề nếp của các chi, Đảng bộ trong toàn tỉnh.
Ứng dụng công nghệ thông tin tại Sở Tài nguyên - môi trường. Ảnh: C.NGHĨA |
Từ nhiệm kỳ 2004-2011, Thường trực HĐND tỉnh cũng đã chủ trương đổi mới điều hành công tác phục vụ HĐND thông qua việc ứng dụng CNTT vào các hoạt động quản lý và từng bước xây dựng “Văn phòng điện tử”. Website của HĐND tỉnh luôn được cập nhật các thông tin mới, như: Nghị quyết kỳ họp HĐND các khóa, chuyên mục trao đổi thông tin với cử tri, trả lời của các cơ quan chức năng về những vẫn đề cử tri quan tâm.
Ông Trần Minh Hùng, Hiệu trưởng Trường đại học Đồng Nai cho biết, trước đây có rất nhiều loại văn bản giấy tờ trường phải in ra rồi chuyển cho các đối tượng cần tiếp nhận văn bản. Riêng với sinh viên, mỗi khi tổ chức thi, thông báo kết quả thi đều phải dán lên các bảng thông báo… Tuy nhiên, nhiều năm nay trường đã không còn phải làm việc này khi phần lớn các văn bản đều đã được niêm yết trên trang điện tử của trường, từ các thông báo nội bộ, điểm thi, lịch công tác của cán bộ, giáo viên đến lịch học của sinh viên. Mỗi sinh viên đều được cấp một mã số để truy cập nhằm đảm bảo tính bảo mật riêng tư của sinh viên.
* Cần nhiều giải pháp
PGS. TS. Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ cho rằng, ngoài ứng dụng CNTT vào cải cách hành chính thì Đồng Nai cần phấn đấu nhiều để hướng tới mô hình chính quyền điện tử trong thời gian tới. Muốn xây dựng được mô hình chính quyền điện tử sẽ phải làm quyết liệt, bởi trên thực tế, nhiều sở ngành của tỉnh mới chỉ dừng lại ở mức độ ứng dụng tốt CNTT vào nội bộ sở, ngành mình chứ chưa tạo ra được sự kết nối giữa toàn bộ hệ thống các sở ngành, nhất là những sở ngành có liên quan mật thiết với nhau.
Ông Lê Hoàng Ngọc, Phó giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông cho biết, sắp tới tỉnh sẽ xây dựng một Trung tâm tích hợp dữ liệu để phục vụ cho các cơ quan Đảng và Nhà nước; đầu tư nâng cấp trang thiết bị ở các cơ quan hành chính Nhà nước; xây dựng trang thông tin điện tử. Theo chỉ đạo của Chính phủ thì từ nay đến năm 2015, có 100% cơ quan hành chính Nhà nước cấp huyện và tương đương phải có trang thông tin điện tử. Đồng Nai cũng đang triển khai hệ thống thông tin một cửa liên thông để phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp cũng như các tổ chức chính trị - xã hội nhằm đảm bảo sự công khai, minh bạch trong cải cách hành chính. Tỉnh cũng đang triển khai các dịch vụ công trên cổng thông tin điện tử để đảm bảo tiêu chí mà Chính phủ đưa ra, đến năm 2015 sẽ có từ 5-10 dịch vụ công đạt mức 4 (người dân và doanh nghiệp hoàn toàn thực hiện công việc hành chính trên cổng thông tin điện tử mà không cần đến cơ quan hành chính Nhà nước). Vân Nam |
Trong khi đó, Công an tỉnh cho biết, thời gian tới Công an tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như quản lý hộ khẩu, cấp đổi chứng minh thư nhân dân, xuất nhập cảnh. Để ứng dụng tốt CNTT vào các hoạt động của ngành, Công an tỉnh rất cần sự hỗ trợ ngày càng nhiều hơn nữa từ các sở ngành, đặc biệt là trong công tác đào tạo cán bộ CNTT.
Đại diện Trung tâm phát triển phần mềm Đồng Nai cho biết, cùng với phát triển và ứng dụng CNTT, các sở, ngành trên địa bàn tỉnh cần đặc biệt coi trọng việc quản lý rủi ro trong lĩnh vực này, bởi các mối đe dọa an ninh thông tin ngày một nhiều và phức tạp. Để giảm được các yếu tố rủi ro trong ứng dụng CNTT, các sở, ngành cần đầu tư mạnh cho nguồn nhân lực có trình độ cao về CNTT.
Đặng Công