Dù đã có nhiều nỗ lực mở rộng mạng lưới trường lớp trong nhiều năm qua, nhưng bước vào năm học mới 2012-2013, tình trạng thiếu trường lớp ở các cấp học tại TP. Biên Hòa ngày càng nặng nề hơn.
Dù đã có nhiều nỗ lực mở rộng mạng lưới trường lớp trong nhiều năm qua, nhưng bước vào năm học mới 2012-2013, tình trạng thiếu trường lớp ở các cấp học tại TP. Biên Hòa ngày càng nặng nề hơn.
Với dân số trên 85 ngàn người, phường Long Bình là một trong những “điểm nóng” về trường lớp bởi số công nhân có nhu cầu gửi trẻ rất lớn. Toàn phường hiện có 83 nhóm trẻ dân lập hoạt động nhưng vẫn không đáp ứng nhu cầu.
* Bức xúc vì thiếu trường, lớp
Tại phường An Bình, Phó chủ tịch UBND phường Nguyễn Thị Bằng cho biết, phường hiện có trên 2 ngàn con em của lao động nhập cư gửi vào 40 cơ sở nuôi giữ trẻ của tư nhân, nhưng vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu. Ở phường Trảng Dài, các nhóm trẻ gia đình cũng chỉ mới đáp ứng được khoảng 2/3 nhu cầu của phụ huynh, số còn lại phải gửi tại các phường lân cận. Các phường, xã khác, như: Long Bình Tân, Hóa An, Trung Dũng…cũng đang trong tình trạng thiếu trường, lớp học, nhất là bậc mầm non, tiểu học.
Một cơ sở giữ trẻ tư nhân tại phường An Bình. Ảnh: T.HIỆU |
Năm học này, TP. Biên Hòa có 54 trường mầm non và 428 nhóm lớp ngoài công lập, chỉ tăng thêm hai trường so với năm trước. Tuy nhiên, số trẻ huy động ra lớp là trên 42 ngàn em, tăng đến 2 ngàn em. Đối với bậc tiểu học, năm nay có tổng cộng 53 trường và 4 trường phổ thông tư thục nhiều cấp học có tuyển sinh hệ tiểu học. Đến nay, tổng số học sinh tiểu học tại TP.Biên Hòa là trên 65 ngàn học sinh, tăng trên 2 ngàn học sinh so với năm học 2011. Ghi nhận thực tế tại nhiều trường tiểu học có quy mô học sinh trên 2 ngàn em, thậm chí có trường trên 3.500 em học sinh, số học sinh trên một lớp học tăng lên đến 55-62 học sinh/lớp.
* Cần quan tâm đầu tư
Theo tính toán của Phòng GD-ĐT TP. Biên Hòa, hiện bình quân mỗi năm trên địa bàn tăng khoảng 3.500 học sinh, tương đương với việc lập thêm hai trường tiểu học và một trường THCS mới giải quyết hết nhu cầu chỗ học cho học sinh. Tính đến thời điểm bước vào năm học mới, một loạt công trình đã được đầu tư và đưa vào sử dụng tại các trường: THCS Trảng Dài, THCS Tam Hiệp, THCS Long Bình Tân, Tiểu học Trần Quốc Tuấn, Tiểu học An Bình, Tiểu học Tam Hòa, Tiểu học Hoàng Hoa Thám… Tổng cộng, ngành đã đầu tư thêm gần 150 phòng học thay thế và phòng học mới, hàng chục phòng bộ môn và chức năng. Ngoài ra, năm học này cũng đưa vào sử dụng Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (phường Tân Mai), là trường công lập đạt chuẩn quốc gia với quy mô 30 phòng học, khu hiệu bộ và nhà đa năng. Ngoài ra, một số công trình trường tiểu học và THCS đang thi công xây dựng mới trên 80 phòng học cũng sẽ được hoàn tất trong thời gian tới.
Tuy vậy, tốc độ phát triển trường lớp vẫn không kịp tốc độ gia tăng học sinh cơ học. Kết quả xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia còn thấp, chưa đạt được các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Điều này có nguyên nhân từ một thành phố có tỷ lệ tăng dân số cao và nhanh, kéo theo tình trạng số học sinh tăng. Việc đầu tư xây dựng trường lớp còn khó khăn do vướng đền bù, giải tỏa kéo dài nhiều năm. “Với hoàn cảnh này, UBND tỉnh cần quan tâm hỗ trợ kinh phí để thành phố đủ sức đầu tư xây dựng thêm trường học trong tình hình dân số tăng cơ học cao như hiện nay” - ông Lê Văn Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT TP. Biên Hòa đề nghị.
Trương Hiệu