Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiện thực hóa chính quyền điện tử

10:08, 24/08/2012

Xây dựng thành công mô hình chính quyền điện tử sẽ mở ra nhiều bước đột phá lớn trong quản lý, điều hành các hoạt động của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, để thực hiện thành công mô hình chính quyền điện tử sẽ cần rất nhiều giải pháp cả về công nghệ lẫn yếu tố con người, đặc biệt là cần một quyết tâm chính trị thật sự chứ không phải chỉ dừng lại ở hô hào khẩu hiệu.

Xây dựng thành công mô hình chính quyền điện tử sẽ mở ra nhiều bước đột phá lớn trong quản lý, điều hành các hoạt động của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, để thực hiện thành công mô hình chính quyền điện tử sẽ cần rất nhiều giải pháp cả về công nghệ lẫn yếu tố con người, đặc biệt là cần một quyết tâm chính trị thật sự chứ không phải chỉ dừng lại ở hô hào khẩu hiệu.

Quang cảnh cuộc hội thảo.  Ảnh: C.Nghĩa
Quang cảnh cuộc hội thảo. Ảnh: C.Nghĩa

Đó là nhận định của hầu hết các đại biểu khi tham dự hội thảo hợp tác phát triển công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) Việt Nam lần thứ XVI do Đồng Nai đăng cai tổ chức, trong hai ngày 24  và 25-8.

* Tiện ích chính quyền điện tử

Tiến sĩ Phùng Văn Ổn, Giám đốc Trung tâm tin học Văn phòng Chính phủ, Phó chủ tịch Hội Tin học Việt Nam cho rằng: Đổi mới phương thức làm việc chủ yếu từ giấy tờ sang phương thức làm việc qua mạng với các văn bản điện tử là một quá trình tất yếu cần phải nhanh chóng hướng tới. Những giấy tờ, văn bản, như: lịch công tác, giấy mời, tài liệu phục vụ hội họp, văn bản báo cáo… hoàn toàn có thể gửi qua thư điện tử. Lợi ích của việc gửi văn bản điện tử có thể đạt hiệu quả tối đa cả về thời gian, tiền bạc, độ chính xác. Khi gửi các loại văn bản điện tử qua mạng sẽ không phải gửi thêm bất cứ một loại văn bản giấy nào. Ngoài ra, tất cả các đơn vị từ các bộ, ngành trực thuộc Trung ương đến các địa phương như xã, phường, thị trấn còn có thể tận dụng các trang thông tin điện tử đơn vị mình để thông báo các loại văn bản, giấy tờ, kết quả giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân một cách hiệu quả và ít tốn kém.

TP.Đà Nẵng là địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số ứng dụng CNTT. Chiến lược CNTT của TP.Đà Nẵng đang hướng tới chuẩn mực ngang bằng các quốc gia phát triển khi có kế hoạch xây dựng mạng diện rộng kết nối từ UBND thành phố đến các sở, ban, ngành xuống tận các phường, xã. TP.Đà Nẵng đã và đang đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu chủ động trong kết nối, tính bảo mật cao, băng thông đủ lớn phục vụ truy cấp, đa dịch vụ. Theo ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở Thông tin - truyền thông TP.Đà Nẵng, hiện thành phố đã xây dựng được trung tâm giao dịch CNTT, đây được coi là cầu nối cung cấp các thông tin và thủ tục hành chính, dịch vụ công và giải đáp các thắc mắc của người dân và doanh nghiệp. Hiện 100% cơ quan Nhà nước tại TP.Đà Nẵng có mạng nội bộ, tỷ lệ cán bộ công chức được trang bị máy tính đạt 1 người/máy. TP.Đà Nẵng đã đầu tư 58 điểm truy cập internet ở 11 xã, nhằm hỗ trợ người dân sử dụng các dịch vụ trực tuyến, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân… Ông Sơn cho biết thêm: Hiện người dân TP.Đà Nẵng có thể sử dụng các dịch vụ trực tuyến, như: đăng ký hải quan, thuế, cấp giấy phép lái xe, vận tải, lưu trú, kinh doanh… Hướng tới người dân và khách du lịch của TP.Đà Nẵng có thể sử dụng internet không dây miễn phí tại nhiều tụ điểm công cộng.

Trong khi đó, PGS.TS. Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ Đồng Nai cho biết, chỉ sau 2 năm tách từ tên gọi Sở Khoa học - công nghệ và môi trường cũ (năm 2003), Sở đã xây dựng được mạng nội bộ, mạng không dây, mạng riêng ảo, hệ thống camera hội trường và các phòng ban để theo dõi, chỉ đạo và chủ trì hội thảo, hội nghị từ xa với gần 20 phần mềm ứng dụng. Năm 2004, Sở đã xây dựng và ứng dụng thành công mô hình văn phòng điện tử E-Office và đã nâng cấp lên thành văn phòng di động M-Office. Từng bước đầu từ nghiên cứu, đến năm 2004 cán bộ của Sở đã nghiên cứu thành công khóa điện thông minh, ứng dụng chữ ký điện tử cho các loại giấy tờ, văn bản. “Sở Khoa học - công nghệ Đồng Nai đã trở thành nơi tiên phong dùng các chữ ký điện tử ở Việt Nam” - ông Sáng nói. Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng mô hình văn phòng điện tử, chỉ từ năm 2006 đến cuối năm 2010, Sở đã đào tạo trình độ A tin học cho trên 7 ngàn cán bộ phường, xã; 600 cán bộ công chức cấp tỉnh được đào tạo trình độ B tin học; xây dựng  171 điểm truy cập thông tin khoa học - công nghệ.  

* Đầu tư nhân lực xứng tầm

Để xây dựng mô hình chính quyền điện tử sớm đi đến thành công rất cần có sự đầu tư bài bản, nghiêm túc ngay từ những bước đi đầu tiên, trong đó người đứng đầu có vai trò đầu tàu quan trọng. Ông Nguyễn Hữu Chính, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Bộ Tài nguyên - môi trường chia sẻ: Lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên và môi trường mà Bộ đang quản lý là vô cùng rộng và phức tạp, do đó ứng dụng CNTT  là chìa khóa quan trọng giúp Bộ quản lý ngày một tốt hơn các lĩnh vực này. Những cán bộ làm công tác CNTT không chỉ giỏi về CNTT mà còn phải am hiểu kiến thức về từng lĩnh vực liên quan đến đất đai, tài nguyên và môi trường. Ngoài chính sách thu hút nguồn nhân lực CNTT có trình độ cao, Bộ còn tranh thủ sự giúp đỡ của các nước tiên tiến đi đầu về ứng dụng CNTT vào quản lý đất đai, tài nguyên và môi trường, đồng thời gửi đi đào tạo ở nước ngoài nhiều cán bộ ngành CNTT có trình độ sau đại học để phục vụ công tác quản lý và điều hành các lĩnh vực của Bộ.

Ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông cho rằng, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã có sự đầu tư thích đáng cho lĩnh vực CNTT và hướng đến xây dựng mô hình chính quyền điện tử. Những năm qua, Đồng Nai là một trong số 15 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số ứng dụng CNTT và lọt vào top 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực CNTT. Ông Hồng bày tỏ mong muốn, tại hội thảo hợp tác và phát triển CNTT - TT Việt Nam lần thứ XVI này, Đồng Nai sẽ chia sẻ với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước kinh nghiệm về đầu tư, phát triển và ứng dụng CNTT trong điều hành và quản lý nhà nước, hướng đến mô hình chính quyền điện tử trong tương lai gần.

Là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu đang phấn đấu xây dựng mô hình chính quyền điện tử để giúp không chỉ việc quản lý, điều hành các hoạt động của cơ quan Nhà nước tốt hơn mà còn tạo sự hài lòng của người dân vào bộ máy Nhà nước. Ông Phạm Văn Trừ, Giám đốc Sở Thông tin - truyền thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Hàng năm, tỉnh đều dành một khoản ngân sách không nhỏ để đầu tư cho lĩnh vực CNTT, riêng năm 2012, tỉnh đầu tư ngân sách cho lĩnh vực CNTT là gần 29 tỷ đồng, trong đó chi cho các hoạt động, như: cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực… Về các bước triển khai mô hình chính quyền điện tử của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đạt hiệu quả vững chắc, ông Trừ cho biết thêm, tỉnh chọn mô hình cụ thể để tiến hành từng bước, có đánh giá sau đó là nhân rộng và liên thông, cuối cùng là tích hợp và cung cấp dịch vụ công. Các quản trị mạng CNTT của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngoài lương còn được nhận thêm các khoản phụ cấp tùy theo trình độ, ngoài ra còn được tạo điều kiện để đi học nâng cao trình độ.

Đồng Nai là tỉnh công nghiệp nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có dân số đông và đặc biệt là việc thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp FDI đứng đầu cả nước, do vậy việc ứng dụng CNTT trong cải cách thủ tục hành chính, hướng đến chính quyền điện tử là một trong những ưu tiên của tỉnh. Tại Đồng Nai, hầu hết các sở, ban, ngành và nhiều địa phương, các cơ quan, trường học… đã xây dựng được cổng thông tin điện tử để cung cấp các thông tin cho người dân. Không chỉ dừng lại ở đó, Đồng Nai còn có chính sách thu hút và đào tạo nguồn nhân lực cán bộ CNTT trẻ có trình độ, chú trọng đào tạo trình độ CNTT cho cán bộ các cấp từ tỉnh tới xã. Một trong những đơn vị được đánh giá tốt về đầu tư bài bản trong ứng dụng CNTT và hướng đến xây dựng chính quyền điện tử, như: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Văn phòng HĐND tỉnh, Sở Khoa học - công nghệ, Cục Hải quan Đồng Nai, Cục Thuế Đồng Nai, Sở Tài nguyên - môi trường… Theo ông Nguyễn Thành Trí, Phó chủ tịch UBND tỉnh, việc đầu tư, phát triển và ứng dụng CNTT vào quản lý, điều hành các hoạt động của Nhà nước là một trong những ưu tiên trọng tâm, đảm bảo sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh được cụ thể hóa trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, góp phần xây dựng tỉnh Đồng Nai trở thành tỉnh cơ bản công nghiệp hóa vào năm 2015.

Công Nghĩa

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích