Báo Đồng Nai điện tử
En

Hội Khoa học tâm lý giáo dục Đồng Nai: Những hoạt động tích cực ngay từ nhiệm kỳ đầu

11:08, 10/08/2012

Hội Khoa học tâm lý giáo dục Đồng Nai được thành lập năm 2006. Thành viên của Hội là những người đang công tác hoặc giảng dạy trong lĩnh vực tâm lý và giáo dục học trên địa bàn tỉnh.

 

Hội Khoa học tâm lý giáo dục Đồng Nai được thành lập năm 2006. Thành viên của Hội là những người đang công tác hoặc giảng dạy trong lĩnh vực tâm lý và giáo dục học trên địa bàn tỉnh.

Theo TS. Phạm Văn Thanh, Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Đồng Nai, sau 5 năm thành lập, đến nay Hội đã tập hợp được trên 150 hội viên, đa số hội viên có trình độ đại học, trong đó 50% hội viên có trình độ sau đại học. Nhờ làm tốt công tác phát triển hội viên, nên đến nay Hội đã có 5 chi hội trực thuộc tại các đơn vị, như: Bệnh viện tâm thần Trung ương 2, Trường đại học Đồng Nai, Trung tâm tư vấn tâm lý (thuộc Sở Lao động - thương binh và xã hội), chi hội các cơ quan quân đội và chi hội các trường THPT. Phần lớn hội viên của Hội đều hoạt động tích cực và có những đóng góp nhất định trên nhiều lĩnh vực, như: giảng dạy, nghiên cứu khoa học, giáo dục - đào tạo, quân đội, chăm sóc sức khỏe nhân dân... góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, một số thành viên của Hội đã có những công trình nghiên cứu khoa học tâm lý học mang tính ứng dụng cao đã được đăng ký đề tài cấp tỉnh, như: “Hệ thống giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục giới tính trong các trường THPT trên địa bàn Đồng Nai” của TS. Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch Hội và TS. Nguyễn Minh Thức (Trường sĩ quan lục quân 2). Đồng thời, TS. Nguyễn Văn Thọ cũng là người đã hoàn thành cuốn sách chuyên khảo Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần…

Theo TS. Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Đồng Nai, để Hội hoạt động tốt hơn trong thời gian tới, Hội sẽ chú trọng vào công tác củng cố tổ chức và phát triển hội viên; tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; đồng thời phổ biến các kiến thức vào thực tiễn, nhất là việc ứng dụng tâm lý vào ngành giáo dục - đào tạo cho học sinh, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần…

Ngoài ra, một số thành viên khác của Hội đã có những đề tài nghiên cứu mang tính giải thích và ứng dụng để giải quyết những vấn đề phát sinh trong xã hội hiện đại, như: đề tài “Hỗ trợ thanh thiếu niên cai nghiện internet và game online”, “Xây dựng kỹ năng sống cho học sinh THCS tại TP.Biên Hòa”… Hội cũng là thành viên chủ chốt, phối hợp với Sở GD-ĐT chủ trì đề tài cấp tỉnh: “Xây dựng mô hình hoạt động tâm lý học đường tỉnh Đồng Nai”…

ThS. Phạm Thị Hòa, Tổng thư ký Hội Khoa học tâm lý giáo dục Đồng Nai cho biết, không chỉ là nơi để các hội viên trao đổi kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực tâm lý, Hội còn tổ chức nhiều hoạt động để lấy ý kiến chuyên sâu của các chuyên gia trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là tại TP.Hồ Chí Minh.

Cũng theo bà Hòa, Hội thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm để bàn về các vấn đề của xã hội, như: “Hỗ trợ tâm lý cho học sinh, sinh viên - thực trạng và giải pháp”, “Tính tự chủ của học sinh trong thế giới đa truyền thông”… Tại các buổi tọa đàm, ngoài các hội viên của Hội, còn có chuyên gia trên các lĩnh vực và các em học sinh - đối tượng chịu nhiều tác động nhất của internet, game online…

Chị Lương Thị Thúy Vy (phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) đã nhiều lần tham gia các buổi tọa đàm, hội thảo do Hội Khoa học tâm lý giáo dục Đồng Nai tổ chức có liên quan đến giáo dục trẻ em chia sẻ, nhiều kiến thức tiếp thu được từ các hoạt động của Hội đã giúp chị dạy bảo con tốt hơn, không chỉ dạy bảo theo kinh nghiệm vốn có mà phải hiểu được bản chất và có tính hệ thống khoa học dựa trên độ tuổi và sự tiếp thu của con. Chị Vy cũng bày tỏ mong muốn Hội sẽ có nhiều hoạt động nhằm phổ biến kiến thức liên quan đến giáo dục tâm sinh lý của trẻ mới lớn cho các bậc làm cha, làm mẹ dạy bảo con tốt hơn.

C.Nghĩa - L.M.Công

 

 

Tin xem nhiều