Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiến kế… đổi mới giáo dục

11:07, 20/07/2012

Gần 100 chuyên gia nghiên cứu và nhà quản lý giáo dục đã trao đổi và đưa ra những giải pháp tâm huyết cho ngành giáo dục Việt Nam nói chung, Đồng Nai nói riêng tại hội thảo “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam” do Hội Cựu giáo chức Đồng Nai cùng Sở GD-ĐT, Hội Khuyến học, Hội Khoa học tâm lý giáo dục tỉnh tổ chức.

Gần 100 chuyên gia nghiên cứu và nhà quản lý giáo dục đã trao đổi và đưa ra những giải pháp tâm huyết cho ngành giáo dục Việt Nam nói chung, Đồng Nai nói riêng tại hội thảo “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam” do Hội Cựu giáo chức Đồng Nai cùng Sở GD-ĐT, Hội Khuyến học, Hội Khoa học tâm lý giáo dục tỉnh tổ chức.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Thị Hải cho hay, nền giáo dục Việt Nam nói chung, Đồng Nai nói riêng, cần tìm ra giải pháp đột phá nhằm đẩy mạnh đổi mới về quản lý giáo dục, chất lượng đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật chất trường học.

* 3 giải pháp đổi mới giáo dục…

Cũng theo bà Phạm Thị Hải, thời gian qua, mặc dù việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục công lập đã được triển khai nhưng vẫn chưa được đồng bộ và triệt để từ cơ quan quản lý liên quan, nhất là các cơ sở giáo dục trực thuộc cấp huyện. Vấn đề này cần được tiến hành tích cực hơn để việc đổi mới quản lý giáo dục có hiệu quả. Bên cạnh đó, cần phải khắc phục tình trạng quản lý giáo dục nhiều bất cập, còn mang tính bao cấp ôm đồm, sự vụ và chồng chéo, phân tán; trách nhiệm và quyền hạn quản lý chuyên môn chưa đi đôi với trách nhiệm, quyền hạn quản lý về nhân sự và tài chính.

Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo.        Ảnh: Tr.Hiệu
Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo. Ảnh: Tr.Hiệu

Về chất lượng đội ngũ nhà giáo, theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Thị Hải, đội ngũ nhà giáo hiện nay vừa thừa vừa thiếu, không đồng bộ về cơ cấu chuyên môn. Thực hiện nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo cần thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, nhất là chính sách tiền lương và chế độ chính sách đãi ngộ nhằm khuyến khích nhà giáo, đồng thời thu hút những người có năng lực và trình độ cao, có tài năng vào đội ngũ nhà giáo. Thực hiện cơ chế thu hút các nhà khoa học, các trí thức trong và ngoài nước có uy tín và kinh nghiệm tham gia giảng dạy và nghiên cứu trong các lĩnh vực ngoại ngữ, khoa học, tự nhiên, kỹ thuật công nghệ cao tại Đồng Nai trong các trường THPT.

Về giải pháp đổi mới cơ sở vật chất trường học, phải từng bước giải quyết tình trạng cơ sở trường lớp đang còn thiếu và lạc hậu. Đầu tư ngân sách có trọng điểm, không bình quân dàn trải cho các cơ sở công lập, đầu tư đến đâu đạt chuẩn đến đó. Từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất, phấn đấu đạt tỷ lệ trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia đến 2015 là 48,5%, đến năm 2020 là 65%.

* Quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo…

TS. Nguyễn Minh Thức (Hội Khoa học tâm lý giáo dục Đồng Nai) cho rằng: Thời gian qua, giáo dục tỉnh Đồng Nai đạt được những kết quả quan trọng trên ba mặt: nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Sự phát triển của đội ngũ giáo viên cả về số lượng và chất lượng là một điểm sáng của ngành. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Minh Thức, xét về mặt chuyên môn thì nhiều nhà giáo chưa tích cực đổi mới phương pháp dạy học, rất khó khăn trong nghiên cứu khoa học và tiếp cận với các phương pháp dạy học tiên tiến. Trong quản lý giáo dục, hiểu biết về tâm lý người học thiếu sâu sắc và toàn diện. “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, trước hết phải quan tâm xây dựng đội ngũ giáo viên có phẩm chất năng lực toàn diện và nhân cách mẫu mực” - TS. Thức nhấn mạnh.

Giờ học Anh văn ở Trường THCS Hùng Vương (TP.Biên Hòa).
Giờ học Anh văn ở Trường THCS Hùng Vương (TP.Biên Hòa).

Đồng tình với những vướng mắc trong đội ngũ giáo viên, TS. Đinh Quang Minh (Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh) cho rằng, hiện nay năng lực của giảng viên còn yếu kém về sự tự tin, tư duy kiến thức để giảng dạy tốt, hướng dẫn hình thành nhân cách cho học sinh. Trong khi tình trạng chương trình giảng dạy còn nhiều điều bất cập.

TS. Minh đề nghị cần cho giáo viên chịu trách nhiệm hơn về chương trình giảng dạy để phù hợp các đối tượng mà giáo viên truyền thụ. Cần thay đổi cách đào tạo giáo viên trong môi trường sư phạm. “Cần thiết có một cuộc điều tra tổng thể về giáo dục trong xã hội, chẳng hạn về sự hài lòng của các đối tượng giáo dục (học sinh, giáo viên, phụ huynh) với thực trạng giáo dục hiện nay ra sao. Cơ sở việc điều tra giáo dục là để điều chỉnh các hoạt động giáo dục được phát triển tốt đẹp hơn” - TS. Minh nhấn mạnh.

Xem xét lương giáo viên

Tiến sĩ Lương Cần Liêm (Chủ tịch Hội Pháp - Việt tâm thần và tâm lý y học): Nếu lương giáo viên không đủ sống mà họ chỉ biết nghề dạy học thì buộc họ phải dạy thêm ngoài giờ để đủ sống. Điều này không ai trách họ được. Trước đây, học thêm là để theo kịp chuẩn bài dạy trong lớp. Còn bây giờ học thêm là để có được những gì hơn mà trong lớp không dạy. Tổ chức UNESCO nói rõ: “Lương giáo viên là cơ bản cho một nền giáo dục có tương lai”. Đề nghị ngành giáo dục xem xét vấn đề quan trọng này.

Mặt khác, TS. Minh cũng đề nghị các nhà hoạch định chính sách giáo dục cần xem lại chương trình từng môn học hiện nay trong các cấp học. Nên giảm tải những môn học bằng những quy định rõ ràng hơn. Xây dựng môi trường học tập sao cho có nhiều niềm vui, chú ý tới văn hóa phổ quát trong giáo dục THPT.

* Lệch hướng dạy chữ - dạy người - dạy nghề!

Sau khi chỉ rõ những mối quan hệ lệch hướng trong việc tổ chức “dạy chữ - dạy người - dạy nghề” hiện nay, ông Phạm Văn Khanh (Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục tỉnh Tiền Giang) nêu hệ quả: Về dạy người, điều xã hội cần nhưng học sinh không có. Đó là nhiều học sinh phổ thông không có thói quen cám ơn khi được giúp đỡ; không có thói quen xin lỗi khi làm người khác phiền lòng; không có thói quen lễ phép, chào hỏi người lớn khi gặp gỡ, tiếp xúc.

Trong khi đó, điều xã hội không cần thì học sinh lại có. Đó là hành vi bạo lực với bạn bè ngày càng có khuynh hướng gia tăng, thái độ thờ ơ vô cảm trước những điều thương tâm, nhân văn. Còn đối với việc dạy nghề thì điều mà xã hội cần nhưng học sinh không có. Chẳng hạn như nhiều học sinh phổ thông không có tinh thần sẵn sàng tham gia lao động và chọn nghề phù hợp với mình sau khi học xong trung học.

Từ những sai lệch trong phương hướng giáo dục trên, ông Phạm Văn Khanh nhận định: “Dạy chữ - học chữ phải nằm trong mối tương tác với dạy người, dạy nghề thì mới phát huy được hiệu quả, mới nâng cao được chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh phổ thông. Nếu nhà trường chỉ chăm chút dạy chữ mà bỏ quên dạy người, dạy nghề thì việc dạy chữ có cố gắng đến đâu cũng không thể thành công”.

* Coi trọng giáo dục tư tưởng, ý thức công dân

Thạc sĩ Nguyễn Thị Khánh (Cựu nhà giáo huyện Nhơn Trạch): Cần coi trọng giáo dục tư tưởng và ý thức công dân; kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Nội dung giáo dục cần đảm bảo tính căn bản, toàn diện, thiết thực. Nội dung môn học cần phải là những kiến thức tinh giản, chọn lọc, học sinh được tiếp thu một cách có hệ thống và chắc chắn để có thể “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong cuộc đời. Những kiến thức được học một cách cốt lõi, căn bản ấy sẽ được học sinh ghi nhớ lâu dài, trở thành nền tảng cho việc tự học. Nếu không nắm vững kiến thức nền tảng, người học sẽ rơi vào tình trạng mà giáo viên hay than phiền là “mất căn bản”.

* Cần giáo dục giá trị sống cho học sinh

Đặng Xuân Sơn (Giảng viên Khoa sư phạm Trường đại học Tiền Giang): Thời gian qua việc giáo dục học sinh còn nhiều khiếm khuyết, bất cập, vì vậy không phải ai cũng nhận thức đúng các giá trị của cuộc sống, nhất là đối với thanh thiếu niên. Không ít thanh thiếu niên hiện nay đang thay đổi theo chiều hướng mỗi ngày một đa dạng, mang tính toàn cầu, nhưng đôi khi phù phiếm. Vì vậy giáo dục để các bạn trẻ, các em học sinh nhận diện đúng đâu là giá trị đích thực của cuộc sống, vừa mang tính thời đại vừa phản ánh bản sắc dân tộc là điều hết sức cần thiết và vô cùng cấp bách.

* Tăng cường hợp tác giáo dục quốc tế

Thạc sĩ Phạm Văn Luân (Trường cao đẳng Bến Tre): Nền giáo dục phát triển toàn diện cần hướng đến hội nhập quốc tế. Bộ GD-ĐT cần sớm tổ chức cuộc khảo sát quy mô toàn quốc đánh giá thực trạng tổ chức, hoạt động hợp tác quốc tế tại các trường địa phương. Từ đó, nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển hợp tác quốc tế về giáo dục với một cơ chế chính sách phù hợp, tăng tính chủ động cho các trường địa phương. Tăng cường giao lưu trao đổi học giả, học sinh, sinh viên để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trương Hiệu

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều