Cháu tôi đang học lớp 1. Sắp thi học kỳ 2, cháu mang về 2 tập đề cương cho 2 môn Toán và Tiếng Việt nhờ tôi giúp cháu ôn.
Cháu tôi đang học lớp 1. Sắp thi học kỳ 2, cháu mang về 2 tập đề cương cho 2 môn Toán và Tiếng Việt nhờ tôi giúp cháu ôn. Mỗi tập 9-10 trang đánh máy A4. Phải nói các thầy cô giáo đã rất tận tâm, chu đáo khi soạn bài tập tỉ mỉ, kỹ lưỡng và còn thêm những câu nhắc nhở phụ huynh kèm cặp, động viên học trò ôn tập tốt cùng với hình mặt cười tạo cảm giác phấn chấn cho trò. Song thú thực, đọc xong nhiều chỗ người lớn cũng thấy choáng chứ đừng nói gì đến con trẻ, nhất là ở môn Toán.
Tôi nghĩ ở lứa tuổi các cháu, tư duy cụ thể, tư duy bằng hình ảnh là chủ yếu. Cuối lớp 1 các cháu mới đọc thông viết thạo nhưng các đề Toán trắc nghiệm như đưa các cháu vào mê hồn trận của ngôn từ. Ví dụ như câu số 55, 59, 60 kiểm tra kiến thức“Các ngày trong tuần lễ”. Cùng một lúc các cháu phải vừa tính thứ vừa tính ngày và lựa chọn đáp án đúng nhất. Hay các câu hỏi về giờ (kiến thức bài “Đồng hồ - Thời gian) cũng vậy. Lẽ ra về cách xem giờ chỉ nên thực hành bằng đồng hồ giấy (phụ huynh làm cho con mình, mỗi cháu một cái) dễ hiểu hơn qua từ ngữ. Ngay trong sách giáo khoa, mỗi câu hỏi về giờ đều kèm theo hình vẽ. Các đề về phép tính cộng, trừ cũng quá khó với trình độ các cháu như ở bài tập 6: điền số vào ô trống trong các phép tính với các số quá lớn, đành rằng vẫn trong phạm vi 100. Nhiều phép tính có những 2 ô trống và vừa cộng vừa trừ tới 3 số có 2 chữ số, có thể tìm rất nhiều kết quả cho mỗi ô trống. Cháu tôi không tự làm được khá nhiều bài mặc dù cháu là học sinh giỏi. Tôi cố giảng giải cho cháu từ những số nhỏ với những ví dụ cụ thể để cháu hiểu về bản chất của phép cộng - phép trừ, mối liên quan giữa chúng rồi từ từ nâng cao. Nhưng đến khi để cháu tự làm những bài khó thì nhìn cháu thật thương: gương mặt ngơ ngác, bất lực và buồn bã. Cháu lắc đầu: “Không hiểu!”.
Tôi nghiên cứu sách giáo khoa thì thấy chương trình không yêu cầu cao đến thế. Nếu đó là kiến thức chuẩn bị cho các cháu tham gia những kỳ thi học sinh giỏi Toán (như giải Lê Quý Đôn, Trạng nguyên) thì còn chấp nhận được nhưng đây là thi đại trà. Chương trình hiện tại đang bị dư luận kêu nặng, cần giảm tải nhưng tôi thấy yêu cầu của trường còn nặng hơn và bắt các cháu phải nhớ cả những kiến thức không cần thiết nhớ. Ở môn Tiếng Việt cũng vậy, phần trắc nghiệm đưa ra các câu hỏi chi tiết của từng bài đọc để các cháu lựa chọn câu đúng nhất. Ví dụ: Cây hoa ngọc lan mọc ở đâu? (3 đáp án). Nụ hoa lan màu gì? (3 đáp án)… Các cháu phải nhớ những chi tiết ấy để làm gì? Nếu là những câu hỏi ngay sau bài đọc còn hiểu được. Đằng này…
Thầy cô nào cũng mong trò mình học giỏi, thi tốt nhưng có phải cứ dạy nâng cao, ra đề khó là trò giỏi đâu. “Thái quá bất cập”! Theo thiển ý của tôi, đề ra cần vừa sức các cháu, cao quá sẽ làm các cháu sợ hãi, mất tự tin dẫn đến sợ học. Khổ cả thầy lẫn trò!
Lan Hương
(TP.Biên Hòa)