Báo Đồng Nai điện tử
En

Lao động nông thôn: Gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm

09:04, 22/04/2012

Sau 2 năm triển khai đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, toàn tỉnh đã tổ chức dạy nghề cho trên 15 ngàn lao động.

 

Sau 2 năm triển khai đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, toàn tỉnh đã tổ chức dạy nghề cho trên 15 ngàn lao động.

Khảo sát trên 4.978 người học nghề thì có khoảng 88,3%  có việc làm sau đào tạo. Tuy nhiên, vẫn còn những ngành đào tạo không phù hợp dẫn đến việc người lao động không kiếm được việc làm.

* Hiệu quả của các lớp đào tạo nghề

Theo ông Lâm Duy Tín, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, một trong những kết quả nổi bật qua hai năm triển khai thực hiện đề án đào tạo nghề chính là nhận thức của người lao động có chuyển biến rõ rệt, nhiều mô hình sản xuất hoạt động hiệu quả hơn khi bản thân người lao động được trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản về nghề nghiệp của mình.

Nhiều lao động ở huyện Vĩnh Cửu tìm được việc làm nhờ học nghề may. Ảnh: N.Tuyết
Nhiều lao động ở huyện Vĩnh Cửu tìm được việc làm nhờ học nghề may. Ảnh: N.Tuyết

Từ hộ gia đình sống phụ thuộc vào nghề làm rẫy, chăn nuôi nhỏ lẻ, thu nhập không ổn định, đến nay gia đình ông Trần Tấn Minh, ấp 2, xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) đã có thu nhập từ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng. Ông Minh cho biết: “Lúc trước chăn nuôi theo kinh nghiệm, không có kiến thức nên nhiều lần lỗ trắng tay. Sau khi tham gia học kỹ thuật chăn nuôi gà thả vườn, tôi đã biết phòng chống các bệnh thường gặp ở gà, cách vận hành và sử dụng máy ấp trứng... Giờ đây, với 2 máy ấp trứng công suất 2 ngàn trứng/lần, mỗi năm nuôi 2-3 lứa gà thịt nên kinh tế gia đình tôi vì thế ổn định hơn”.

Nhận thấy hiệu quả của việc học nghề, gia đình ông Vũ Đình Trung, xã Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất) đã mạnh dạn tham gia lớp học nghề kỹ thuật sản xuất rau sạch. Từ mô hình trồng rau tự phát, sản phẩm không đạt năng suất, giá thành thấp, đến nay diện tích rau của gia đình ông đã cho năng suất cao hơn, tới vụ thương lái vào đặt mua tại vườn.

Hay như chị Đoàn Thị Đỗ Quyên, từ một hộ nghèo của xã Phú Hòa (huyện Định Quán), nhờ học nghề may, đến nay qua việc nhận hàng gia công làm tại nhà, thu nhập của chị bình quân từ 1,5-1,8 triệu đồng/tháng. Còn  anh Lê Mạnh Toàn (thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom) cho biết, gia đình khó khăn, không có điều kiện để tiếp tục đến trường, anh khao khát có được cái nghề để giúp đỡ gia đình vượt qua khó khăn. Nhờ học  nghề mộc, anh đã có  một công việc ổn định với mức lương hiện tại trên 4,5 triệu đồng/tháng.

* Phải gắn với giải quyết việc làm

Bên cạnh một số ngành nghề tương đối phù hợp giúp người lao động có việc làm, tạo thu nhập ổn định thì vẫn còn một số ngành nghề được tổ chức đào tạo nhưng chưa gắn với yêu cầu của thị trường và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, như: các nhóm ngành nghề dịch vụ thẩm mỹ, dịch vụ nhà hàng - khách sạn, công nghệ thông tin… dẫn đến việc giải quyết việc làm sau đào tạo chưa cao và thiếu ổn định.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Trí cho biết: “Dạy nghề phải gắn với giải quyết việc làm, do đó trong năm 2012 này tỉnh sẽ  tiến hành kiểm tra, giám sát, đánh giá đúng thực chất nhu cầu đào tạo nghề; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng các mô hình hiệu quả, động viên khen thưởng kịp thời; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề; tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư cải tiến trang thiết bị dạy nghề. Bên cạnh đó, cần  mở rộng đối tượng đào tạo nghề là bộ đội xuất ngũ và nạn nhân, con em nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin”.

 

Ông Trần Quang Tú, Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán cho biết: “Định Quán là huyện được chọn làm điểm dạy nghề cho lao động nông thôn. Trong 2 năm triển khai đề án, đã có trên 3.200 lao động được đào tạo, với các nghề, như: chăn nuôi gà thả vườn, trồng trọt, chăn nuôi heo, kỹ thuật hàn, xây dựng, sửa chữa xe gắn máy… Trong đó, mới chỉ có khoảng 2.300 học viên các ngành nghề chăn nuôi, trồng trọt có việc làm tại chỗ, chiếm tỷ lệ 72%, lao động học nghề thủ công vào làm trong các cơ sở sản xuất đạt 80%. Một số ngành, như: điện gia dụng, sửa chữa xe máy, tin học có tỷ lệ việc làm còn thấp”. Ông Tú cũng cho biết thêm, sở dĩ những ngành này có việc làm thấp bởi với thời gian học ngắn, chỉ từ 3 - 5 tháng nên học viên chưa đủ tay nghề để hành nghề, cần phải học thêm nhiều từ thực tiễn.

Còn theo ông Lê Minh Tuấn, Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Trảng Bom, mặc dù trung tâm đào tạo theo đơn đặt hàng của Sở Lao động - thương binh và xã hội nhưng quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, trong đó, trình độ của người học không đồng đều, chủ yếu học vào ban đêm, cơ sở vật chất dạy thực hành chưa đáp ứng yêu cầu, kinh phí đầu tư cho các hoạt động còn thiếu, chế độ cho đội ngũ giáo viên chưa đảm bảo,… dẫn đến chất lượng đào tạo nghề chưa cao.

Nga Sơn    

 

 

 

Tin xem nhiều