Đến nay, hầu hết các trường học trong tỉnh đã ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý và giảng dạy. Tuy nhiên, toàn tỉnh chỉ có khoảng 30/524 thư viện trường học có ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý.
Đến nay, hầu hết các trường học trong tỉnh đã ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý và giảng dạy. Tuy nhiên, toàn tỉnh chỉ có khoảng 30/524 thư viện trường học có ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý.
Tại Trảng Bom, ông Trương Thanh Cường, chuyên viên Phòng GD-ĐT huyện chia sẻ: “Toàn huyện có 49/49 trường tiểu học và THCS có thư viện trường học nhưng mới chỉ có 4 thư viện thực hiện ứng dụng quản lý bằng chương trình tự tạo”.
* Còn quản lý thư viện theo kiểu thủ công
Bà Huỳnh Thị Bạch Yến, cán bộ phụ trách thư viện thiết bị của Phòng GD-ĐT huyện Cẩm Mỹ cho biết: “Toàn huyện chưa có thư viện trường học nào ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành. Một số đơn vị tự mày mò nhưng hoạt động cũng chưa hiệu quả. Khó khăn lớn của huyện là do nguồn kinh phí đầu tư còn hạn hẹp nên phần lớn các trường mới chỉ đầu tư trang bị máy tính cho kế toán, còn những việc khác đều phải ghi chép bằng tay”.
Giáo viên Trường tiểu học Xuân Trường (huyện Xuân Lộc) đọc sách trong thư viện. Ảnh: B.Hường |
Về vấn đề này, ông Hà Minh Thư, chuyên viên Phòng Giáo dục phổ thông (Sở GD-ĐT) cho hay: “Ngay tại các trường có ứng dụng công nghệ thông tin cũng mới chỉ dừng lại ở việc sử dụng các phần mềm do cán bộ thư viện tự tạo nhằm phục vụ nhu cầu của chính đơn vị mình. Các trường chưa có phần mềm quản lý thư viện thống nhất và hiếm trường có phòng internet phục vụ công tác quản lý - tìm kiếm thông tin…”.
Lý do khó triển khai ứng dụng thư viện điện tử được các địa phương đưa ra chủ yếu là vì: thiếu cơ sở vật chất, kinh phí để đầu tư cho một thư viện điện tử hoàn chỉnh; nhiều cán bộ thư viện tuổi cao, không mặn mà với việc tìm tòi, sáng tạo…
* Cần đẩy mạnh hơn nữa
Cán bộ thư viện Vũ Thị Ánh Nguyệt (Trường THCS Phú Túc, huyện Định Quán) cho hay: “Với gần 1 ngàn học sinh trong trường, trung bình một buổi có tới gần 100 em tới thư viện mượn sách. Thư viện của trường chưa ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nên chúng tôi khó có thể đảm bảo nhu cầu của học sinh và giáo viên”.
Học sinh đọc sách tại thư viện Trường tiểu học Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu). |
Trong khi đó, cán bộ thư viện Huỳnh Thị Kim Thanh (Trường THPT Vĩnh Cửu, huyện Vĩnh Cửu) cho hay: “Trường đã ứng dụng phần mềm quản lý thư viện được vài năm nay do một giáo viên trong trường tự viết chương trình. Nhờ vậy, việc quản lý hơn 8 ngàn đầu sách được dễ dàng, thuận tiện cho học sinh”.
Phó hiệu trưởng Trường THPT Định Quán Hoắc Công Sơn cũng khẳng định: “Việc ứng dụng thư viện điện tử đảm bảo hiệu quả cao, giúp học sinh và giáo viên trao đổi sách rất nhanh. Chúng tôi sẽ đề xuất để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong nhà trường, trong đó có công tác thư viện”.
Chính vì tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện nên vừa qua, Sở GD-ĐT đã tổ chức lớp tập huấn nhằm giới thiệu và hướng dẫn các trường về phần mềm quản lý thư viện trường học. Ông Hà Minh Thư nhận định: “Sắp tới Sở GD-ĐT sẽ đẩy mạnh triển khai tới các trường trong việc ứng dụng thư viện điện tử và đưa vào tiêu chí trong công tác kiểm tra xếp loại tiêu chuẩn thư viện. Hiện có khoảng 85% cán bộ thư viện biết sử dụng vi tính nên việc triển khai không khó nếu có sự quan tâm đúng mức”.
Bích Hường